Muốn được tăng lương nhưng ngại sếp? Hãy học cách đàm phán của người hướng nội
Trước hết cần làm rõ điều này: Hướng nội và nhút nhát không phải là cùng một thứ, mặc dù chúng có thể hội tụ cùng trong một con người.
Một người hướng nội điển hình, cho dù họ có nhút nhát hay không, là người thu nạp năng lượng khi được ở một mình và xả hết số năng lượng ấy khi phải ở giữa một đám đông.
Vì lý do đó, nếu là người hướng nội thì một số phương diện trong cuộc sống của bạn sẽ trở nên cực kỳ gay go – Chẳng hạn, bạn sẽ gặp khó khăn khi đàm phán về chuyện lương bổng, bởi ngay cả những tương tác xã hội thường ngày cũng khiến cho bạn như bị hút hết sinh lực rồi.
Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể đạt được những gì mình xứng đáng ngay cả khi bạn dành cả ngày cho công việc, thay vì có những cuộc trao đổi trực tiếp với ban lãnh đạo công ty.
Dữ liệu thu thập được của PayScale cho biết 75% những người đòi tăng lương đều ít hay nhiều đạt được điều mình mong muốn. Vì thế các số liệu đang đứng về phía bạn, và điều cốt yếu còn lại là bạn phải biết cách khai thác thế mạnh của mình mà thôi:
Tìm hiểu và chuẩn bị
Các cuộc đàm phán lương không phải là lúc để bạn tỏa sáng và thể hiện mình, ngay cả đối với những người hướng ngoại. Dù bạn có tỏ ra hấp dẫn và đáng yêu đến mấy ở các bữa tiệp, thì những dịp như thế này lại đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng. May mắn thay, là người hướng nội, bạn có thể không muốn dựa vào những thứ tô điểm viển vông kia.
Hãy coi sự chuẩn bị là thế mạnh của mình, nhờ khả năng tập trung và tính tự giác của bản thân. Điều này sẽ có lợi cho bạn khi bạn phải tham dự một cuộc trao đổi hơi phức tạp hơn một chút so với những lời xã giao hoặc cuộc nói chuyện phiếm nơi công sở. Nếu cần, bạn có thể tìm kiếm từ nhiều nguồn khác nhau để có trong tay một phạm vi lương phù hợp với công việc của mình.
Hãy sắp xếp để có cuộc trao đổi chỉ gồm 2 người
Quản lý của bạn có thể là người rất hoạt náo về giao tiếp xã hội, nhưng điều đó không có nghĩa là họ muốn nhận được một yêu cầu tăng lương đầy ngạc nhiên. Vì bạn có thể thấy mệt mỏi bởi các tương tác xã hội, nên sẽ tốt hơn cho bạn nếu tổ chức được một cuộc gặp chỉ có 2 người – một tình huống có lợi cho cả đôi bên vì nó cho phép bạn tập trung vào chủ đề chính của buổi gặp.
Đừng ngại tỏ ra im lặng
Đôi khi, điều tốt nhất bạn có thể làm lại là im lặng. Những người hay nói huyên thuyên khi lo lắng sẽ phải chịu rủi ro là sự lo lắng đó thể hiện ngay trên gương mặt của họ, và điều này dễ khiến nhà quản lý thấy họ dễ bị thuyết phục nhận mức lương thấp hơn so với yêu cầu.
Nếu bạn thấy thoải mái khi im lặng, thì cứ tiếp tục. Hãy để quản lý của bạn nói nhiều hơn, và bạn sẽ thấy mình gặt hái được nhiều hơn những gì mình trông đợi. Vì như thế ít nhất là bạn không tự gây khó khăn cho mình.