Những người "cõng" điện, rạp chiếu phim lên núi: “Thấy nụ cười của người mình giúp, đặc biệt là tụi nhỏ, chúng tôi hạnh phúc lắm!”

14/07/2022 09:16 AM | Sống

Hơn 12 năm làm tình nguyện, cõng điện, rạp chiếu phim lên vùng sâu, vùng xa, gặp không ít khó khăn, nhưng anh Liêm và những người bạn vẫn đã và đang tiếp tục cố gắng đem đến thêm nhiều niềm vui hơn nữa đến với trẻ em vùng cao.

“Khi rạp chiếu bắt đầu, hàng trăm bé im phăng phắc, chưa bao giờ tôi thấy tụi nhỏ nghiêm túc và yên lặng đến thế. Chăm chú rất chăm chú… Lúc chưa bật máy lên, các con hỏi được xem phim hoạt hình chưa. Sau khi phim chiếu, tụi nhỏ bảo: Cái “tivi” to bằng nhà, chú có đem nó về không. Ngày mai, chú có mở cho tụi con xem tiếp không?”. 

Anh Hồ Hoàng Liêm hào hứng miêu tả lại cảm xúc của những em nhỏ vùng cao khi lần đầu trông thấy “rạp chiếu phim”. Tính đến nay, đã là hơn 12 năm kể từ ngày anh Liêm và những người bạn của mình làm tình nguyện, “cõng” điện, rạp chiếu phim đến với trẻ em vùng cao. 

Tuổi thơ thiếu thốn khiến tôi biết bọn trẻ thích gì, cần gì 

Anh Hồ Hoàng Liêm (SN 1989) sinh ra trong một gia đình khó khăn ở Đà Nẵng. Tuổi thơ của anh gắn liền với căn nhà lợp bằng tôn, 3 mặt đều là ruộng nước. Nhìn các em nhỏ ở vùng cao, anh Liêm như thấy chính mình của ngày còn tấm bé. 

“Lúc nhỏ gia đình tôi khó khăn, anh em tôi thường đi chân đất, đầu không mũ nón, đi xếp hàng nhận đồ từ thiện, đồ chơi. Để có những món đồ chơi như các bạn, tôi tự chế xe ô tô từ bao thuốc, nắp chai”, anh Liêm chia sẻ. 

Những người cõng điện, rạp chiếu phim lên núi: “Thấy nụ cười của người mình giúp, đặc biệt là tụi nhỏ, chúng tôi hạnh phúc lắm!”  - Ảnh 1.

Chính những khó khăn thuở nhỏ đã khiến anh Liêm luôn khao khát được làm điều gì đó giúp đỡ trẻ em ở vùng cao. Anh Liêm bắt đầu tham gia những chuyến đi tình nguyện lên vùng cao từ thời sinh viên. Chuyến đi đó làm anh thêm thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của trẻ em vùng núi. Ngay sau đó, anh Liêm quyết định cùng những người bạn thành lập Câu lạc bộ (CLB) Nụ cười hồng Đà Nẵng với mong muốn giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, gặp nhiều khó khăn. 

Những ngày đầu thành lập CLB, anh Liêm và những người bạn gặp nhiều khó khăn về kinh phí bởi khi ấy vẫn chưa có nhiều mạnh thường quân giúp đỡ như bây giờ. Anh chia sẻ: “Mới đầu, khó khăn lắm. Hồi ấy chúng tôi còn là sinh viên, quyên góp được ít nào quý ít đó. Ngoài ra, chúng tôi bán hoa, bán bánh kẹo, đi gõ cửa xin gạo từng nhà… để có kinh phí”. 

Sau 5 năm hoạt động, ngoài việc anh Liêm và những người bạn trích lương, bỏ tiền túi ra làm từ thiện, CLB của anh Liêm đã có nhiều mạnh thường quân biết đến và hỗ trợ. Từ đó, CLB của anh đi đến nhiều điểm trường ở vùng cao để lắp điện mặt trời, máy lọc nước, tạo ra sân chơi cho trẻ em.

Những người cõng điện, rạp chiếu phim lên núi: “Thấy nụ cười của người mình giúp, đặc biệt là tụi nhỏ, chúng tôi hạnh phúc lắm!”  - Ảnh 2.

Kỷ niệm mà anh Liêm nhớ nhất trong 12 năm làm thiện nguyện là lần cõng pin năng lượng mặt trời đến một thôn hẻo lánh ở Nam Trà My để đem điện về bản. Năm 2016, anh Liêm và những người bạn thay nhau vác vác 4 tấm pin năng lượng mặt trời nặng hơn 100 kg, đến thôn 5, xã Trà Don, huyện Nam Trà My. 

“Chuyến đi đó, chúng tôi đi bộ hết 19 tiếng đồng hồ cả đi, cả về. Ngôi làng đó là thôn 5 xã trà Don, Nam trà My - nơi xa nhất, hẻo lánh nhất xứ này. Nhóm đã đem điện mặt trời lên trên đó, chuyến đi kéo dài 3 ngày 2 đêm để hoàn thành. Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc khi chiếc bóng đèn bật sáng, sáng cả một ngọn đồi, mọi người lần đầu tiên thấy ánh sáng điện, chiếc tivi chúng tôi đem lên tặng bà con được bật lên, thay vì cười mừng rỡ, thì ai nấy cũng đều chảy nước mắt vì mừng”, anh Liêm nói. 

Những người cõng điện, rạp chiếu phim lên núi: “Thấy nụ cười của người mình giúp, đặc biệt là tụi nhỏ, chúng tôi hạnh phúc lắm!”  - Ảnh 3.

Mỗi lần đi làm hệ thống điện năng lượng mặt trời cho trường học, làm điện chiếu sáng năng lượng mặt trời cho bản làng, các em nhỏ ở đó đều tò mò về những thứ mà nhóm của anh Liêm làm nên ngồi xem từ trưa đến tối. 

Ở tất cả các chuyến đi, anh Liêm và những người bạn của mình đều mang theo rất nhiều món đồ chơi cho các em nhỏ. “Bởi vậy, tụi nhỏ rất trông ngóng. Đơn giản là tuổi thơ của tôi thiếu và thèm mấy cái đó nên tôi biết các bé thích gì, thèm gì. Tụi nhỏ ôm lấy đồ chơi mới một cách mừng rỡ và trân quý”, anh Liêm nói. 

Hành trình cõng rạp chiếu phim lên núi 

Trong một lần khi xong việc lắp điện ở một điểm trường, anh Liêm ngồi trò chuyện với các em nhỏ. “Khi tôi ngồi chơi với các con, hỏi tụi nhỏ biết biển không, biết công viên nước không… rồi đem hình trong điện thoại ra khoe với các con. Tụi nhỏ hoàn toàn ngơ ngác về thế giới rộng lớn này. Các con cứ ngỡ thế giới này chỉ là đồi núi…”, anh Liêm chia sẻ. 

Sự ngỡ ngàng về thế giới trong mắt những đứa trẻ, làm anh Liêm thêm khao khát mong muốn đem đến những thước phim về thế thế giới rộng lớn này bằng việc cõng rạp chiếu phim đến với các em. 

Những người cõng điện, rạp chiếu phim lên núi: “Thấy nụ cười của người mình giúp, đặc biệt là tụi nhỏ, chúng tôi hạnh phúc lắm!”  - Ảnh 4.

“Rạp phim trên núi không chỉ là để chiếu những bộ phim hoạt hình tuổi thơ của chúng ta đã từng xem mà còn giúp cô giáo có thêm những bài giảng hay, hấp dẫn, sinh động. Đặc biệt hơn là phương tiện cho các con du lịch quan màn ảnh rộng, nhìn ngắm thế giới bên ngoài, để các con hào hứng đến trường, có mục tiêu trong cuộc sống, phấn đấu vươn cao hơn”, anh Liêm nói.

Hành trình đưa rạp phim lên núi của anh Liêm và những người bạn cũng gặp không ít khó khăn. Anh Liêm cho biết, lúc đầu, không có điện, không có sóng điện thoại, anh cùng những người bạn phải làm các hệ thống điện trước. Bộ điện năng lượng khá nặng cộng thêm đường núi trơn trượt và nhỏ, chưa kể đường xá phải phụ thuộc vào thời tiết nên việc di chuyển cũng rất khó khăn.

“Trước đó, có làm hệ thống điện thuỷ luân ngoài suối nhưng chúng lại không ổn định nên gây cháy bóng đèn liên tục. Sau này nhóm dùng hệ thống năng lượng mặt trời, có khoản 4 tấm pin lớn cho mỗi hệ thống, bộ inventer và bộ ắc quy lưu trữ điện tại các điểm trường học, dùng để chạy bóng đèn, quạt cho các con. Tiếp đến sẽ lắp 1 bộ máy chiếu phim, loa tại các điểm trường này để phục vụ việc học tập cũng như giải trí”, anh Liêm chia sẻ. 

Hiện tại, anh Liêm cho biết, nhóm của anh đã làm liên tục 16 trạm điện năng lượng mặt trời trên nhiều khu vực ở vùng cao và tiếp tục sẽ triển khai rạp chiếu phim cạnh đó. Còn rạp phim thì đã làm được 3 rạp. Rạp đầu tiên tại trường Vừ A Dính, Nam Trà My. Rạp thứ 2 được làm tại làng Canh Tiến, xã Canh Liên, Quy Nhơn. Rạp thứ 3 đặt tại Tâk Pổ, xã trà Tập, huyện Nam Trà My. 

Rạp thứ 4 đang chuẩn bị tiến hành, sẽ làm tại trường Tiểu học thôn Lủng Chư, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, Hà Giang cho hơn 200 trẻ em mẫu giáo và tiểu học. Ngoài ra chương trình sẽ trao tặng áo ấm, dụng cụ học tập, đồ chơi, bữa cơm có thịt, sữa và vitamin cho các bé.

Những người cõng điện, rạp chiếu phim lên núi: “Thấy nụ cười của người mình giúp, đặc biệt là tụi nhỏ, chúng tôi hạnh phúc lắm!”  - Ảnh 5.

Anh Liêm chia sẻ: “Chương trình rạp chiếu phim vùng cao đang hoạt động rất tốt theo lời của những giáo viên vùng cao. Để các con thích thú với việc học hơn, các cô còn khuyến khích, ai học đủ 5 buổi sẽ được xem phim vào cuối tuần. Tất cả các con đều thích thú, có thêm ước mơ, mục tiêu khi khám phá thế giới theo màn ảnh nhỏ”.

Ngoài việc cõng rạp phim lên núi, câu lạc bộ của anh Liêm và những người bạn còn tổ chức nhiều hoạt động khác như: Các chương trình phẫu thuật cho các em nhỏ bị sứt môi, hở hàm ếch, hỗ trợ các trại trẻ mồ côi...

“Chúng tôi sẽ cố gắng đem nhiều niềm vui và hạnh phúc đến với các con vùng cao còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ cố gắng làm nhiều hơn nữa, lan tỏa nhiều hơn nữa để các con tích cực đi học, thầy cô cũng không phải vất vả đi vận động. Mong rằng, khi đã có ước mơ, hoài bão, có kiến thức thì một ngày mai không xa các con sẽ lớn, tự lo được cho bản thân và gia đình, làm nhiều điều có ích”, anh Liêm nói thêm.

Ảnh: NVCC

Minh Nguyệt

Cùng chuyên mục
XEM