Những mùa vàng thắp sáng kinh tế Tây Nguyên

13/02/2024 20:15 PM | Kinh tế vĩ mô

Năm 2023 là năm các tỉnh Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn ấy, thu nhập trung bình của người dân Tây Nguyên vẫn tăng đáng kể, nhờ những mùa vàng bội thu bội giá, đồng thời tạo nguồn lực đáng kể để kinh tế Tây Nguyên tiếp tục phát triển.

Sau một mùa sầu riêng đại thắng giúp nhiều gia đình có thu nhập tiền tỷ, nông dân xã Ea Toh, huyện Krong Năng, tỉnh Đắk Lắk lại hân hoan với niên vụ cà phê bội thu, bội giá. Bà Trần Thị Thao ở thôn Tân Bắc, xã Ea Toh cho biết,  lâu lắm rồi gia đình mới lại cảm nhận được giá trị xứng đáng của cây cà phê truyền thống, khi giá bán có lúc đạt gần 80 triệu đồng mỗi tấn. Niềm vui được nhân lên bởi gia đình bà Thao trồng cà phê theo hướng hữu cơ có bao tiêu sản phẩm, luôn có giá cao hơn 10 triệu đồng/tấn so với giá thị trường.

“Mình phấn khởi lắm. Năm nay của mình, một hecta phải được 5 tấn nhân, cao hơn năm ngoái 1 tấn. Với lại nhà mình làm cà phê chất lượng cao nên tăng thêm được 11 giá nữa”, bà Trần Thị Thao phấn khởi.

Những mùa vàng thắp sáng kinh tế Tây Nguyên - Ảnh 1.

Sau một mùa sầu riêng đại thắng, nhiều gia đình có thu nhập tiền tỷ

Cũng vui trong một mùa cà phê được giá nhất từ trước đến nay, ông Điểu Xem ở bon Đak Blao, thị trấn Kiến Đức, huyện Đak Rlấp, tỉnh Đăk Nông cho biết, bà con bây giờ đã lấy lại được niềm tin với cây cà phê. Như năm ngoái, giá trên 40 triệu đồng/tấn, những gia đình có vườn cà phê tốt vẫn có lợi nhuận hơn trăm triệu đồng/ha. Còn năm nay, lợi nhuận tăng gấp đôi năm ngoái.

Ông Điểu Xem cho hay, bà con ở bon Đăk Blao bây giờ đều tin rằng, nếu đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt, cây cà phê sẽ giúp bà con phát triển kinh tế ổn định: “Thấy năm nay đầu ra, giá cà phê rất được thì bà con rất vui mừng. Trong bon nhiều gia đình, bà con rất quan tâm tìm những giống cà phê mới để khắc phục, để triển khai phát triển kinh tế”.

Trong bộn bề khó khăn chung của nền kinh tế, nông nghiệp Tây Nguyên nổi lên là một điểm sáng. Theo số liệu thống kê, năm 2023, nông dân các tỉnh Tây Nguyên đã thu 440.000 tấn sầu riêng, trị giá khoảng 30.000 tỷ đồng, 90.000 tấn hồ tiêu, trị giá gần 6.500 tỷ đồng. Còn vụ cà phê này, với sản lượng ước đạt 1,7 triệu tấn, dự kiến mang về cho nông dân Tây Nguyên trên 100.000 tỷ đồng.

Đáng mừng là cùng với thắng lợi của các các cây công nghiệp lâu năm truyền thống, nguồn thu từ cây trồng hàng năm ở Tây Nguyên cũng rất đáng kể, khi cả lúa, mía đường, sắn và khoai lang đều được mùa và giá tăng mạnh.

Bà Dương Thị Lợi, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai cho biết, từ khi việc xây dựng mã số vùng trồng cho khoai lang xuất khẩu được triển khai, đầu ra cho cây khoai lang xuất khẩu được rộng mở thì kinh tế của nông dân vùng khó khăn này đã thay đổi hẳn. Năm 2023, khoai lang đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, có lúc bán được với giá 25.000 đồng/kg. Khoai lang bán tại thị trường nội địa, cũng ổn định ở mức trên dưới 15.000 đồng/kg. Mức giá này mang lại thu nhập cho nông dân trồng khoai từ 200 đến 300 triệu đồng/hecta. Theo bà Lợi, trồng khoai lang bây giờ đã có thể làm giàu nên nông dân rất hào hứng.

“Từ ngày bà con chuyển sang trồng cây khoai lang thì kinh tế phát triển mạnh hơn. Năm nay cũng thế, bà con đã có rất nhiều người đi thuê them đất để trồng cây khoai lang”, bà Lợi cho hay.

Những mùa vàng thắp sáng kinh tế Tây Nguyên - Ảnh 2.

2023-2024 là niên vụ cà phê mỹ mãn với nông dân, khi giá tăng liên tục và đạt gần 80 triệu đồng mỗi tấn ngay trước Tết nguyên đán Giáp Thìn

Theo thông tin từ kỳ họp cuối năm của Hội đồng nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, năm 2023 có nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội ở khu vực không đạt kế hoạch đề ra. Rõ ràng nhất trong đó là thu ngân sách nhà nước sụt giảm, đầu tư công bị ngưng trệ, thu hút đầu tư đạt thấp. Nhưng nhờ điểm sáng nông nghiệp, thu nhập bình quân của nhân dân vẫn tăng đáng kể. Trong đó, tỉnh Đăk Lăk, bình quân đầu người tăng từ 56 triệu đồng năm 2022 lên gần 62 triệu đồng năm 2023.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Để duy trì đà tăng từ các sản phẩm nông nghiệp, tỉnh đặc biệt coi trọng việc cấp, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu, phân cấp công việc này cho 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cùng thực hiện. Tỉnh cũng nhận diện rõ những lỗ hổng quản lý và có kế hoạch hành động đồng bộ, nhất là đối với ngành sầu riêng đang phát triển rất nhanh.

“Cách đây khoảng 2 năm, tỉnh đã nhìn thấy vấn đề. Ủy ban đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn phát triển một đề án xem xét cả quy trình sản xuất bao gồm từ giống đến đến mối liên kết, đẩy mạnh chế biến xuất khẩu, phát huy tốt vai trò của hiệp hội và cơ quan chuyên môn, hình thành tiêu chuẩn ngành hàng để quản lý căn cơ, chặt chẽ hơn”, ông Vũ Đức Côn cho biết.

Trên đà thắng lợi, chính quyền các cấp ở khu vực Tây Nguyên vẫn cẩn trọng đánh giá những khó khăn lớn còn đang ở phía trước và có kế hoạch hành động tương ứng. Trong đó, các tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, minh bạch nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, kiện toàn công tác quản lý, tổ chức lại ngành hàng và công tác thị trường; coi đây là công tác quan trọng hàng đầu nhằm tiếp tục nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản Tây Nguyên, để Tây Nguyên tiếp tục có thêm những mùa vàng bội thu bội giá.

Theo Đình Tuấn

Cùng chuyên mục
XEM