Những doanh nhân đình đám xuất thân nghề giáo: Trần Mộng Hùng- Từ giảng viên đại học đến 'đế chế' ACB

10/11/2023 11:25 AM | Kinh doanh

Với vốn kiến thức chuyên môn về ngân hàng sau một thời gian dài làm giảng viên, ông Trần Mộng Hùng cùng bạn bè quyết định rời bục giảng, xây dựng lên "đế chế" ACB.

Trong số các ngân hàng tại Việt Nam, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có lẽ là ngân hàng "đặc biệt" nhất khi "đầu tàu" đều trưởng thành từ nghề "gõ đầu trẻ".

Ông Trần Mộng Hùng - Nhà sáng lập ACB, ông Trịnh Kim Quang - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Thanh Toại - nguyên Phó Tổng Giám đốc đều có thâm niên làm nhà giáo trước khi đến với ACB.

Những doanh nhân đình đám xuất thân nghề giáo: Trần Mộng Hùng- Từ giảng viên đại học đến 'đế chế' ACB - Ảnh 1.

Ông Trần Mộng Hùng- nhà sáng lập ACB.

Được biết, ông Trần Mộng Hùng (SN 1953) tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Ngân hàng tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và trở thành giảng viên của Trường cao cấp Nghiệp vụ Ngân hàng (từ năm 1978 đến 1980).

Sau đó, ông lại quyết định rẽ sang con đường làm kinh tế khi bắt đầu làm việc ở Công ty Hóa nhựa tại TP.HCM với cương vị Phó Giám đốc. Năm 1988, ông chuyển sang làm Trưởng phòng kinh doanh Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn. Đây cũng là công việc làm thuê cuối cùng của vị doanh nhân này, trước khi thành lập tự mình thành lập ngân hàng riêng.

Với vốn kiến thức chuyên môn về ngân hàng, ông Trần Mộng Hùng cùng bạn bè quyết định rời bục giảng, xây dựng lên "đế chế" ACB. Cụ thể, năm 1993, ông Hùng cùng với em trai Trần Phú Mỹ, em vợ Đặng Thu Hà và hai cổ khác bao gồm: ông Phạm Trung Cang, ông Trịnh Kim Quang thành lập ACB với vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng.

Trong năm đầu tiên hoạt động, ông Trần Mộng Hùng đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc, sau đó là cương vị Chủ tịch HĐQT của ngân hàng.

Trong thời gian làm người lãnh đạo cao nhất của ACB, ông Trần Mộng Hùng cùng ACB đã đạt được hàng loạt “cái đầu tiên” như: ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên của Việt Nam phát hành thẻ tín dụng quốc tế ACB-MasterCard (1996); đơn vị đầu tiên tại Việt Nam thành lập Hội đồng quản lý tài sản Nợ-Có ALCO (1997); ngân hàng đầu tiên thực hiện huy động và cho vay bằng vàng (1998), sau đó tiếp tục là đơn vị đầu tiên được NHNN cho phép kinh doanh vàng ở nước ngoài và kinh doanh vàng trên tài khoản,...

Năm 2008, sau 15 năm giữ ghế Chủ tịch ACB, ông Hùng rút khỏi HĐQT và lui về với vai trò cố vấn quản trị. Song, đại án liên quan đến bầu Kiên khiến ACB rơi vào khủng hoảng, ông Hùng đã quay trở lại để xử lí các rắc rối tại nhà băng này.

Tuy nhiên, ông không quay trở lại với cương vị lãnh đạo cao nhất mà chỉ chọn vị trí thành viên HĐQT của ngân hàng. Người thay thế ông Trần Mộng Hùng dẫn dắt ACB trong thời điểm khó khăn đó chính là con trai ông Trần Hùng Huy.

Đến năm 2018, sau khi ngân hàng vượt qua được thời kỳ khủng hoảng, ông Hùng lại một lần nữa quyết định lui về phía sau làm cố vấn quản trị.

Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023 của ACB, nhà sáng lập ACB Trần Mộng Hùng hiện đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban quản lý rủi ro và không nắm giữ cổ phần nào tại ngân hàng này. Chủ tịch Trần Hùng Huy sở hữu 133.097.530 triệu cổ phiếu, tương đương 3,43% cổ phần. Còn bà Đặng Thị Thu Thủy- vợ ông Hùng, nắm giữ 46,4 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng 1,19% vốn ngân hàng.

Hai người con khác của ông Trần Mộng Hùng là Trần Đặng Thu Thảo và Trần Minh Hoàng cũng không sở hữu cổ phiếu nào của ACB.

Trong khi đó, 3 doanh nghiệp liên quan đến "nhà chủ" ACB là Công ty CP Đầu tư Thương mại Giang Sen, Công ty CP Đầu tư Thương mại Vân Môn và Công ty CP Đầu tư Thương mại Bách Thanh hiện đang sở hữu tổng cộng 157 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng 4,04% vốn ngân hàng.

Theo BCTC hợp nhất quý III/2023, ACB báo thu nhập lãi thuần ở mức hơn 6.209 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Các khoản thu nhập ngoài lãi đều ghi nhận tăng trưởng ấn tượng, trong đó, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng mạnh 231% từ hơn 95,8 ty đồng lên mức 315,8 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh gần 67,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ báo lỗ gần 40 tỷ đồng; mua bán chứng khoán đầu tư cải thiện từ âm 1,5 tỷ đồng lên mức lãi gần 882 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác cũng tăng hơn 23 tỷ đồng, lên 147 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, còn 763,6 tỷ đồng.

Trong quý III/2023, ACB chi 520,7 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ ở mức hơn 90,4 tỷ đồng.

Khấu trừ các khoản chi phí, ngân hàng này báo lợi nhuận sau thuế quý III/2023 gần 4.037,6 tỷ đồng, tăng 12,5% so với quý III/2022.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, thu nhập lãi thuần tăng 9,69% so với cùng kỳ, đạt gần 18.670 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 15.024 tỷ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch lợi nhuận năm. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng từ mức 10.817,7 tỷ đồng lên 12.038,4 tỷ đồng.

Theo Bạch Hiền

Từ khóa:  Trần Mộng Hùng
Cùng chuyên mục
XEM