Những điều ít người biết về ngành có ông Tổ là Vua Minh Mạng

09/10/2017 09:17 AM | Xã hội

Ngành than Việt Nam đã có lịch sử trên 175 năm kể từ khi Vua Minh Mạng ra chỉ dụ khai thác than tại Yên Lãng, Đông Triều, Quảng Ninh.

Năm Minh mạng thứ 20, ngày mùng 6 tháng 12, tức ngày 10/1/1840, vua Minh Mạng đã có Dụ cho phép Tổng đốc Hải Yên (Quảng Ninh bây giờ) Tôn Thất Bật chính thức khai thác than ở vùng núi An Lãng, nay thuộc xã Yên Thọ, huyện Đông Triều.

Tôn Thất Bật là một vị võ quan danh tiếng thời Nguyễn, ông được xem là một trong những vị “Tam triều nguyên lão” hiếm hoi thời này. Cũng chính trong vào năm Minh Mạng thứ 20 ông đã dân sớ xin khai thác than đá ở núi An Lãnh và được Vua Minh Mạng ra Dụ chuẩn y.

Đạo sắc này được vua Minh Mạng viết bằng mực đỏ trên một tấm lụa tơ tằm, màu vàng cách điệu. Toàn bộ tấm vải lụa để viết sắc dài 115 cm, rộng 55 cm. Trên mặt tấm lụa dệt rồng, mây, cùng các ô hoa văn chữ thọ, hoa sen, xung quanh diềm có các dải băng hoa chanh cách điệu.

Bản Dụ này khi được tìm thấy đã cho phép xác nhận mốc ra đời chính thức, mở ra ngành khai thác than và khoáng sản ở Việt Nam vốn tưởng chỉ mới được phát hiện và khai thác bởi người Pháp. Ngày ra bản Dụ về sau được lấy làm ngày chính thức khai sinh ra ngành. Đồng thời, người ra bản Dụ - Vua Minh Mạng cũng được tôn thờ là người có công khai sáng – ông Tổ ngành.

Những dấu mốc hơn 175 năm của ngành “vàng đen”

Đầu năm 1883, khi nghe tin triều đình nhà Nguyễn có có ý nhượng quyền khai thác khu mỏ than Hòn Gai cho một công ty người Hoa ở Quảng Đông và công ty này có thể nhượng lại cho người Anh nên sau khi đánh chiếm Bắc Kỳ, ngày 12/3/1883, Henri Rivière – trung tá Hải quân Pháp liền đem quân đánh chiếm Quảng Yên, chiếm lấy mỏ than Hòn Gai rồi đặt đồn binh canh giữ gồm 25 binh sĩ.

Đến ngày 24/1/1884, triều đình bán khu vực Hòn Gấc (Hòn Gai – Cẩm Phả) cho tư bản Pháp và sau đó hàng loạt các cuộc nhượng bán mỏ cho Pháp diễn ra. Trong đó, công ty Pháp Mỏ than Bắc Kỳ (gọi tắt là S.F.C.T) có quy mô lớn nhất và tồn tại ở Quảng Ninh lâu nhất.

Thời hạn chuyển nhượng với Pháp là 100 năm tính từ ngày ký. Theo thoả thuận, bên được nhượng có quyền xây dựng bất cứ công trình nào trên nhượng địa và thời hạn cuối cùng phải trả tiền là ngày 31/ 8/1886. Hàng năm, thuế phải nộp chỉ bằng 1% so với lợi tức ròng của việc khai thác, khấu trừ các khoản phí tổn và những khoản thuế đảm phụ nào đó.

Sau khi mua được quyền khai thác than ở Quảng Yên (gồm Hòn Gai, Cẩm Phả), tư bản Pháp đã sang nhượng lại cho các công ty của nước ngoài và một số doanh nghiệp, tư nhân của Việt Nam khai thác. Cao điểm nhất là năm 1932, số nhượng địa than ở Quảng Yên là 181 với diện tích 193 nghìn ha.

Năm 1890, sản lượng khai thác than của tư bản Pháp ở Hòn Gai là 3.000 tấn, năm 1900 lên 201 nghìn tấn, năm 1930 là 1,9 triệu tấn. Tính từ năm 1890 đến 1945, sản lượng cao nhất là năm 1939 đạt 2.6 triệu tấn.

Để khai thác than ở mỏ, các công ty Pháp đã tuyển công nhân từ các tỉnh Bắc Kỳ. Năm 1911, toàn khu mỏ có 8.223 công nhân, năm 1939 tăng lên 55 nghìn công nhân và đến năm 1945 giảm còn 4.000 công nhân.

Thoả thuận nhượng bán khu mỏ của triều đình Huế cho Pháp là 100 năm.

Tuy nhiên, tính đến khi khu mỏ giải phóng, được Chính phủ Việt Nam tiếp quản (25/4/1955), thời gian mới được 71 năm.

Từ năm 1955 đến 1886, ngành than sản xuất theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung. Qua nhiều lần thay đổi mô hình quản lý, ngành than lần lượt thuộc các bộ chủ quản: Bộ Công nghiệp, Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Điện và Than, Bộ Mỏ và Than, Bộ Năng lượng; Bộ Công nghiệp… và giờ là Bộ Công thương.

Giai đoạn 1986 – 1994 ngành than cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, tự chủ kinh tế, hoạt động theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, những năm đầu Đổi mới, ngành đã gặp khó khan gay gắt: thiếu vốn sản xuất, thợ mỏ thiếu việc làm, nạn khai thác than trái phép,…

Đến ngày 10/10/1994 Tổng Công ty Than Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 563 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 8/8/2005, Tập đoàn Than được thành lập theo Quyết định số 198 và Quyết định 199 của Thủ tướng. Và đến ngày 26/12/2006, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam được thành lập theo quyết định 345 của Thủ tướng, trên cơ sở Tập đoàn Than Việt Nam và Tổng Công ty khoáng sản Việt Nam.

Theo Nam Dương

Cùng chuyên mục
XEM