Ngành than đối mặt với những dự án đầu tư thua lỗ

29/03/2017 13:02 PM | Kinh tế vĩ mô

Mới đây, những kết luận của Thanh tra Chính phủ về tài chính ở Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) lại hé lộ những khoản đầu tư dàn trải không hiệu quả, thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng do quản trị kém.

Gặp khó do cạnh tranh

Theo báo cáo của Bộ Công thương, mới đây, sản xuất kinh doanh của TKV trong những tháng đầu năm tiếp tục gặp nhiều khó khăn do than trong nước phải cạnh tranh với than nhập khẩu có giá thành thấp, chủng loại, nguồn hàng phong phú. Để đảm bảo bù đắp được giá thành, tập đoàn này đã quyết định điều chỉnh tăng giá than từ 3 - 10,7% tùy từng chủng loại.

Một giám đốc đơn vị thành viên trong ngành thẳng thắn cho rằng: Thực tế, tập đoàn vẫn chưa kiểm soát hết mọi chi phí đầu vào trong khâu sản xuất. Việc trông chờ vào thị trường tăng giá (cuối năm 2016, thị trường dầu mỏ thế giới có nhiều biến động về giá) khiến lãnh đạo ngành than dự báo về một nhu cầu tiêu thụ có nhiều biến động cả về giá thành cũng như sản lượng “tươi sáng” hơn năm 2016. “Mức giá điều chỉnh thực hiện từ ngày 24.12.2016.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, các đơn vị chưa ký hợp đồng mua than năm 2017 với TKV do chưa thống nhất về giá bán than” - Bộ Công thương chỉ rõ. Trước những “bùng nhùng” trên, hàng loạt đơn vị như Cty CP phân lân Ninh Bình, phân lân Văn Điển, đạm Ninh Bình, phân đạm Hà Bắc... đã có phản hồi về việc điều chỉnh tăng giá bán. Để tiêu thụ không bị đình trệ, TKV và Tập đoàn Hóa chất sẽ tiến hành hiệp thương về giá bán than.

Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, việc tiêu thụ than tại các cụm nhà máy nhiệt điện phía nam như Vĩnh Tân 1-2-3 và cụm Nhiệt điện Duyên Hải mỗi năm tiêu thụ cả chục triệu tấn than xem ra cũng không mấy khả thi, bởi chính những nhà máy này lựa chọn phương án nhập khẩu than với giá luôn rẻ hơn của TKV cung cấp. Theo tính toán của Chính phủ, cân đối than cho nhu cầu trong nước còn đủ nhưng đến năm 2020, Việt Nam phải nhập 20 triệu tấn than; năm 2025 sẽ nhập 50 triệu tấn và đến năm 2030, sẽ phải nhập từ 80 - 100 triệu tấn than...

“Đây sẽ là thách thức lớn đối với nền kinh tế, do đó Chính phủ yêu cầu TKV cần phải chủ động trong khai thác, trong nhập khẩu than để đáp ứng yêu cầu sản xuất trong nước” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo trong cuộc họp mới đây của TKV.

“Lộ diện” những khoản đầu tư thua lỗ lớn

Báo cáo kết luận thanh tra về việc thanh tra tài chính tại Tập đoàn TKV đã hé lộ nhiều khoản đầu tư tài chính ở các đơn vị không hiệu quả trong vài năm trở lại đây. Theo báo cáo: 4/6 DN được thanh tra đầu tư tài chính tại thời điểm 31.12.2015 là hơn 17.157 tỉ đồng. Trong đó, có 3/6 DN đầu tư tài chính dài hạn và một số đơn vị chưa hiệu quả. Cụ thể: Cty mẹ (tức tập đoàn) đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm 31.12.2015 là hơn 15.729 tỉ đồng vào 59 Cty (bao gồm 49 Cty con, 7 Cty liên doanh, liên kết và 3 Cty khác). Đoàn thanh tra cũng chỉ rõ: Năm 2015, có 50 Cty kinh doanh có lãi số tiền gần 655 tỉ đồng; 9 Cty kinh doanh thua lỗ số tiền hơn 592 tỉ đồng và tính lũy kế đến 31.12.2015, có 11 Cty thuộc TKV lỗ hơn 1.407 tỉ đồng.

Trong số những DN thua lỗ phải kể đến là TCty Điện lực - Vinacomin khi để lỗ hơn 828 tỉ đồng với nguyên nhân chủ yếu là do phát sinh lỗ chênh lệch tỉ giá ngoại tệ lớn (từ năm 2005 - 2015 là hơn 3.043 tỉ đồng) nhưng chưa được tính hết trong cơ cấu giá bán điện. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, một nguyên nhân gây lỗ khác là phần lớn nhà máy phát điện của tập đoàn thường xuyên gặp phải trục trặc do hỏng hóc về công nghệ của Trung Quốc cung cấp, phải dừng hoạt động trong nhiều tháng, điển hình như Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả.

Các Cty như: Cty CP vận tải thuỷ - Vinacomin lỗ 139 tỉ đồng, Cty cromit Cổ Định Thanh Hoá - TKV lỗ 115 tỉ đồng, Cty đóng tàu Sông Ninh - Vinacomin lỗ 90 tỉ đồng, Cty liên doanh aluminna (Campuchia - Việt Nam) lỗ 69 tỉ đồng... Riêng TKV có đến 7 Cty thua lỗ lên tới hơn 124 tỉ đồng trong năm 2015. Tính luỹ kế đến hết 2015, 12 Cty lỗ tới hơn 284 tỉ đồng. Con số lỗ còn kéo dài như ở TCty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV cũng đầu tư tài chính dài hạn 514 tỉ đồng vào 12 DN, nhưng đến hết 2015, đã có “thành tích” lỗ luỹ kế hơn 265 tỉ đồng ở 3 đơn vị...

Trước đó (ngày 23.7.2016), báo Lao Động có bài phản ánh về việc Kiểm toán Nhà nước làm rõ những sai phạm có dấu hiệu nghiêm trọng về tài chính ở các đơn vị do TKV kiểm soát trong việc quản lý, sử dụng quỹ thăm dò và quỹ môi trường giai đoạn 2010 - 2014. Việc trích lập, sử dụng quỹ của đơn vị này có nhiều sai sót trầm trọng, chi sai hàng trăm tỉ đồng và thậm chí bất chấp các quy định của pháp luật để khai thác khoáng sản.

Những sai phạm do Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước chỉ ra cho thấy cách thức quản trị, điều hành ở tập đoàn này bộc lộ nhiều yếu kém, buông lỏng kéo dài.

Theo kết luận thanh tra, Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng sau 3 năm đi vào hoạt động, tính từ tháng 10.2013 đến tháng 9.2016 đã thua lỗ 3.696 tỉ đồng.

Theo Trần Ngọc Duy

Cùng chuyên mục
XEM