Những đại dịch từng "gây khốn đốn" cho thể thao thế giới: Covid-19 tàn ác, nhưng chỉ là kẻ đến sau
Virus Corona đã làm "đảo điên" thế giới thể thao hơn 2 tháng nay. Từ các giải vô địch quốc gia, cúp châu Âu, cho đến sự kiện mang quy mô toàn cầu như Olympic cũng đều phải "ngậm ngùi" thay đổi lịch thi đấu. Thế nhưng, đây không phải là lần đầu tiên thể thao thế giới bị ảnh hưởng bởi 1 dịch bệnh.
Dịch SARS và cúm gia cầm
SARS, vào tháng 3 năm 2003, được công nhận là một mối đe dọa toàn cầu. Đại dịch này do một chủng Corona virus gây ra. Cộng đồng y tế thời điểm đó đặc biệt quan tâm vì cấu trúc của SARS khiến cho virus rất dễ biến đổi.
Đến cuối năm đó, lại xuất hiện một mối đe dọa sức khỏe toàn cầu tiềm ẩn khác. Đó là cúm gia cầm - chủng cúm mới có khả năng lây nhiễm cho người. Các quốc gia được khuyến khích duy trì sự cảnh giác cao độ kết hợp cùng những biện pháp giám sát, kiểm soát dịch bệnh của mình.
Olympic Bắc Kinh 2008 vẫn diễn ra trong sự lo ngại về bùng phát của SARS và cúm gia cầm. Ảnh: Reuters
Cả hai loại cúm trên cùng phát sinh từ Trung Quốc vào khoảng thời gian mà Bắc Kinh đang tích cực chuẩn bị cho Thế vận hội 2008. Do có tiền lệ không tốt về khả năng xử lý đại dịch trong quá khứ, nhiều người nghi ngờ khả năng của Trung Quốc trong việc đảm nhận vai trò chủ nhà kì Olympic lần này. Một loạt các giải thể thao tiền Olympic mà quốc gia tỉ dân này đăng cai tổ chức đã phải chuyển sang một đất nước khác.
Olympic đến gần, đi kèm với sự nhập cảnh ồ ạt các vận động viên, nhà báo cùng hàng triệu du khách. Lo ngại rằng một đợt dịch SARS hoặc Cúm gia cầm khác có thể gây ra thảm họa, năm đó, hàng ngàn giường bệnh đã được giữ trống trong Thế vận hội Bắc Kinh để đề phòng trường hợp bùng phát đại dịch.
Dịch Ebola ở châu Phi
Đại dịch Ebola trong giai đoạn từ 2014 đến 2016 đã ghi nhận gần 30.000 ca nhiễm và hơn 11.000 người tử vong ở Guinea, Liberia và Sierra Leone.
Ebola đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến Cúp bóng đá châu Phi (CAN), vốn được lên kế hoạch tổ chức vào đầu năm 2015 ở Morocco. Do lo sợ các vận động viên nhiễm bệnh sẽ làm đại dịch lây lan qua biên giới, cùng với lời khuyến nghị từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nước chủ nhà đã để nghị Liên đoàn bóng đá châu Phi (CAF) dời lịch thi đấu xuống 6 tháng sau.
CAN 2015 đã phải thay đổi chủ nhà vì đại dịch Ebola. Ảnh: Christian Liewig - Corbis/Getty Images
Nhưng điều mà CAF quan tâm lúc đó là việc họ sẽ mất đi hàng triệu đôla doanh thu tới từ bản quyền truyền hình và các nhà tài trợ. Vì vậy, bỏ mặc lời cầu khẩn của Morroco, CAF đã từ chối đề nghị của nước chủ nhà. Giải đấu đã được chuyển sang tổ chức ở 1 quốc gia khác là Guinue Xích Đạo.
Để đảm bảo an toàn cho giải đấu, nước chủ nhà mới đã kêu gọi sự hỗ trợ từ 50 bác sĩ Cuba, cùng với xe cứu thương và máy đo thân nhiệt để kiểm soát người hâm mộ. Mặc dù thời điểm đó Ebola đang bùng phát dữ dội, Guinea Xích Đạo đã tổ chức được 1 VCK thành công ngoài sức tưởng tượng.
Căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS
Cuộc khủng hoảng HIV/AIDS mà đỉnh cao là vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, lại có 1 cách ảnh hưởng khác. Thay vì tác động đến các sự kiện riêng lẻ, đại dịch đã thay đổi tính chất của cả thể thao.
Vì nhiều lý do liên quan đến đạo đức và pháp lý, trong nhiều môn thi đấu không hề có yêu cầu xét nghiệm HIV bắt buộc đối với vận động viên hoặc nhân viên thể thao - do BTC sợ các vụ kiện tụng liên quan đến việc xâm phạm quyền riêng tư.
HIV/AIDS có ảnh hưởng lớn đến thể thao thế giới. Ảnh: Globalgiving
Thay vào đó, các cơ quan quản lý thể thao, đặc biệt của các môn thi đấu mà VĐV phải tiếp xúc va chạm nhiều, đã áp dụng các biện pháp từ WHO về xử lý chấn thương liên quan đến máu. Tiêu biểu như Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Hoa Kì (NBA), và Liên đoàn bóng đá Thế giới (FIFA) đã đưa ra quy tắc bắt buộc rằng: nếu một cầu thủ nếu có vết thương hở, anh ta phải rời khỏi trận đấu cho đến khi bản thân được điều trị.
Mặc dù những đại dịch trước đây đều diễn ra ở quy mô nhỏ hơn và có sức ảnh hưởng không nghiêm trọng bằng, nhưng hi vọng những bài học và kinh nghiệm xử lý để lại sẽ có ích khi áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.