Bệnh viện tuyến TW chỉ dùng 10% thuốc nội
Thông tin này được ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, chia sẻ mới đây.
Theo ông Cường, một số bệnh viện (BV) tuyến cuối do đặc thù riêng nên tỉ lệ sử dụng thuốc theo giá trị tiền sản xuất trong nước rất thấp, chỉ dưới 10%, thậm chí dưới 5% như BV Phụ sản Trung ương, BV Việt Đức, BV Nhiệt đới Trung ương, BV Lão khoa Quốc gia.
Theo thống kê sơ bộ, tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tính theo giá trị tại các BV tuyến trung ương năm 2015 vẫn còn thấp (khoảng 10%). Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp đã sản xuất được các sản phẩm thuốc có tác dụng điều trị tốt, giá thành phù hợp với thu nhập của người dân nhưng lại yếu trong các khâu marketing và quảng cáo nên sản phẩm của họ chưa tạo được vị thế xứng đáng trên thị trường.
Tuy nhiên, tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và huyện thì tỉ lệ sử dụng thuốc nội rất cao. Cụ thể, theo báo cáo của Sở Y tế 61 tỉnh, thành, tỉ lệ trung bình tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện năm 2015 là gần 68%; tuyến tỉnh năm 2015 là 35%. Có những đơn vị như Ninh Thuận, Phú Yên, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An với tỉ lệ sử dụng thuốc nội ở tuyến huyện trên 80%, tuyến tỉnh trên 60%.
Tính theo tỉ lệ số lượng mặt hàng thuốc sản xuất trong nước tại một số đơn vị tăng nhiều, như BV Hữu nghị Việt Đức: Tỉ lệ số lượng mặt hàng lại đạt đến gần 30%, BV Chợ Rẫy 40%, BV Thống Nhất gần 65,13%. Nguyên nhân là do các sản phẩm thuốc sản xuất trong nước có giá thành hợp lý, thấp hơn so với thuốc nhập ngoại.
Ông Trương Quốc Cường lý giải: “Các số liệu trên cho thấy khái niệm "sử dụng thuốc sản xuất trong nước" đã hình thành trong tiềm thức của người dân nói chung và cán bộ y tế nói riêng khi sử dụng thuốc Việt để phòng bệnh và chữa bệnh. Tuy nhiên, để nhận thức này lan rộng và mang tính bền vững, các đơn vị trong ngành y tế cần có những biện pháp thiết thực, mạnh mẽ hơn nữa khi triển khai thực hiện đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” tại đơn vị”.
Theo ông Cường, ngoài những kết quả đạt được, công tác vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” trong ngành y tế còn nhiều tồn tại. Một số Sở Y tế, BV chưa thực sự tích cực triển khai, công tác đánh giá, báo cáo tổng kết còn chậm; đến nay chỉ có 25 Sở Y tế báo cáo thành lập Ban chỉ đạo triển khai đề án cấp tỉnh.
Mặc dù các sản phẩm đạt danh hiệu Ngôi sao thuốc Việt của Bộ Y tế là các sản phẩm có chất lượng tốt, bán tốt tại các hiệu thuốc bên ngoài nhưng trong các BV công, việc đấu thầu các sản phẩm thuốc này rất khó khăn.
Theo ông Cường, với những chính sách đang có và đang bổ sung một vài chính sách nữa, đặc biệt là khi thuốc Việt chứng minh được hiệu quả điều trị, chắc chắn đến năm 2020 cả ba tuyến BV sẽ đạt 80% tỉ lệ sử dụng thuốc nội như kỳ vọng của ngành dược.
“Tôi khẳng định chất lượng thuốc gần đây rất tốt. Hiện chỉ có dưới 2% thuốc không đạt chất lượng, bởi chúng tôi đã dùng các biện pháp quyết liệt, rút số đăng ký của những thuốc vi phạm, chế tài bổ sung rất mạnh là chấm dứt hoạt động đối với những đơn vị vi phạm nên những năm qua cơ bản rất ít thuốc vi phạm. Đối với những doanh nghiệp “có vết”, chúng tôi bắt 100% tiền kiểm. Đây là chế tài cực nặng và chưa cơ quan quản lý nào áp dụng” - ông Cường cho biết.