Những cô gái "đập mặt xây lại" ở Trung Quốc: Đời sang trang nhờ diện mạo mới đến nỗi xem bác sĩ thẩm mỹ là cha mẹ thứ 2
Đối với một số người, bác sĩ thẩm mỹ chỉ đơn giản là những người cầm dao mổ. Nhưng đối với Chen Siqi, bác sĩ thẩm mỹ là "cha mẹ thứ 2", người đã cho cô một cuộc sống hoàn toàn mới.
Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ là cha mẹ thứ 2
Tháng 12/2017, Chen Siqi - sinh viên đại học 19 tuổi ở Thượng Hải đã lấy 10.000 nhân dân tệ (hơn 30 triệu đồng) tiền tiết kiệm cùng một khoản vay 10.000 nhân dân tệ khác, bay đến Thượng Hải để thay đổi cuộc đời.
Nằm trên bàn mổ của phòng khám của một trung tâm thẩm mỹ tư nhân, Chen nhớ rằng mình không cảm thấy lo lắng hay sợ hãi.
"Từ giờ trở đi, tôi sẽ không thể xấu hơn được nữa", cô nhớ lại. Sau đó một vài giờ, bác sĩ đã tạo ra các nếp nhăn ở mí mắt, sau đó cắt ở phía góc và loại mỡ thừa.
Chen Siqi đổi đời nhờ phẫu thuật thẩm mỹ.
Cuộc phẫu thuật kết thúc, cuộc đời của Chen cũng sang trang.
Giờ đây, cô tự tin hơn khi xuống phố. Chen đã nhận được nhiều lời mời từ các công ty trên internet, nơi mà họ muốn cô ấy trở thành người dẫn chương trình livestream, cô đã chấp nhận.
Ngoài ra, với một khuôn mặt mới, bạn trai cũ của Chen đã ngỏ lời muốn quay lại nhưng cô từ chối.
Hài lòng với sự thay đổi này, Chen bắt đầu dấn thân vào con đường thẩm mỹ khi tiếp tục nâng mũi, làm trắng da và làm đầy má.
Sau tất cả, tổng cộng chi phí là 200.000 nhân dân tệ (gần 700 triệu đồng), Chen Siqi giờ đây đã sống một cuộc sống thứ 2 mà đến bản thân cô cũng không thể ngờ, với cô những bác sĩ thẩm mỹ giúp cô "đập mặt xây lại" như cha mẹ thứ 2 đã sinh ra cô lần nữa.
"Thật tiếc khi tôi không phẫu thuật thẩm mỹ sớm hơn. Sau cùng tôi cũng đã có được khoảng thời gian dễ thở hơn khi đi đến trường và bất cứ nơi đâu.", Chen thổ lộ với Sixth Tone.
Những phụ huynh ở Trung Quốc luôn bảo rằng con cái nên tập trung vào việc học hành thay vì quan tâm đến vẻ bề ngoài.
Ở nhiều trường, học sinh bị bắt cắt tóc dài thành ngang vai hoặc ngắn hơn, để đồ trang sức ở nhà và nên mặc đồng phục đúng quy định.
Tuy nhiên, người trẻ tuổi ở Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ sinh sau những năm 2000 đã cho rằng ngoại hình chính là chìa khóa để phát triển trong cuộc sống.
Ngôi trường mới, ánh mắt mới
Mùa hè năm 2017, chỉ vài tháng sau khi tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, Fan Tiantian, một nữ sinh 18 tuổi đã cùng mẹ đến bệnh viện hàng đầu ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang để phẫu thuật thẩm mỹ.
Được biết, trong trường của Fan Tiantian có khoảng hơn 10 học sinh đã trải qua phẫu thuật cắt mí mắt và chỉnh hình chiếc mũi.
Bản thân Fan Tiantian, cô không thể chờ đợi thêm được nữa. "Kỳ nghỉ sau kỳ thi tuyển sinh đại học là thời điểm vàng cho việc phẫu thuật thẩm mỹ, vì vậy bạn mới có một khởi đầu mới ở trường Đại học", Fan nói.
Học sinh Trung Quốc cắt mắt trước khi bước vào giảng đường Đại học.
Để phục vụ những khách hàng trẻ tuổi như Fan, các phòng khám thẩm mỹ đã giảm giá cho học sinh - sinh viên trong những kỳ nghỉ.
Bên cạnh đó, họ cũng có những ưu đãi đặc biệt dành cho sinh viên vừa tốt nghiệp, đang tìm việc làm. Đối với những người không có thu nhập ổn định, các phòng khám cũng cung cấp khoản vay để thanh toán hóa đơn.
Mặc dù Fan cũng được cho là một cô gái có ngoại hình ưa nhìn với dáng người cao và thon, mũi cao và đôi mắt mí lót, nhưng cô vẫn không hài lòng về chúng.
"Một số nam sinh trong lớp luôn cười nhạo tôi, trêu chọc tôi có đôi mắt nhỏ", Fan trải lòng. Sau khi phẫu thuật, phản ứng của họ cũng đã khác.
Fan nói rằng, giáo viên trong trường Đại học rất thích cô ấy. Bất cứ khi nào cô cầm đồ nặng cũng có người tự nguyện xin giúp đỡ.
Mọi người xung quanh luôn thể hiện thái độ khá tốt và kiên nhẫn với người có khuôn mặt xinh đẹp hơn.
Bởi vì bố mẹ của Fan luôn cho rằng cô đã đủ dễ thương nên không cần phải phẫu thuật thẩm mỹ và sẽ phản đối quyết định này.
Nhưng không ngờ, sau khi phẫu thuật, Fan đã không mất nhiều thời gian để thuyết phục họ chấp nhận. Mẹ Fan hoàn toàn ủng hộ vì việc cắt mí mắt là thủ thuật tương đối đơn giản và phổ biến.
Vào ngày làm phẫu thuật, Fan cũng thấy nhiều bạn trạc tuổi mình đến cùng bố mẹ.
"Bố mẹ chúng tôi bây giờ cởi mở hơn, họ dần dần hiểu sự chọn lựa của con cái, và biết rằng sự thay đổi đó quan trọng thế nào đối với ấn tượng đầu tiên trong mắt người khác", Fan chia sẻ.
Khuôn mặt giả, nhưng con người là thật
Mặc dù phẫu thuật thẩm mỹ đang trở nên phổ biến trong xã hội ngày nay nhưng nó không được chấp nhận rộng rãi.
Những người từng trải qua phẫu thuật thẩm mỹ vẫn phải đối mặt với sự khinh miệt của người thân, bạn cùng lớp hoặc đồng nghiệp, những người có thể buộc tội họ đã đi đường tắt trong cuộc sống hoặc nghiện làm đẹp sai cách.
Zhang, một sinh viên ở độ tuổi 20, sống ở Giang Tô, người đang vật lộn giữa mùa săn việc cho những sinh viên sắp tốt nghiệp đã trải lòng về ánh mắt của người đời khi nhìn một người phẫu thuật thẩm mỹ.
Cô kể, trong một lần phỏng vấn xin việc, nhà tuyển dụng đã hỏi: "Bạn đã phẫu thuật thẩm mỹ hay chưa?", cô đã nói có nhưng trong lòng vẫn cảm thấy không thoải mái với cách tuyển dụng này.
Trên thực tế, Zhang khẳng định rằng ngoại hình đẹp có thể giúp bạn tìm được việc làm một cách nhanh nhất.
Sự xuất hiện của bạn có thể nổi bật giữa các đối thủ khác trong một công ty cấp trung và Zhang cũng đã nhận được một số lời mời từ những công ty như thế.
Tuy nhiên, đối với những công ty cao cấp hơn, nhà tuyển dụng lại không quan tâm đến việc bạn xinh đẹp thế nào mà chỉ quan tâm đến năng lực của bạn. Nhưng khi có nhan sắc bạn vẫn hơn người khác ở vạch xuất phát.
Zhang (bên trái) và hình mẫu của cô - thần tượng Hàn Quốc Sunmi.
Zhang là một fan hâm mộ Kpop và sử dụng hình ảnh thần tượng Sunmi để làm khuôn mẫu cho ca phẫu thuật của mình.
"Tất nhiên, vẻ đẹp tự nhiên bao giờ cũng chiến thắng, nhưng giữa cái xấu tự nhiên và đẹp nhân tạo thì tôi chắc chắn sẽ chọn cái sau", Zhang nói.
Trước đây, Zhang cảm thấy chiều cao 1m72 của mình cùng vẻ ngoài trưởng thành hơn tuổi khiến cô không thể hiện được khía cạnh quyến rũ.
Nhưng sau khi có được đôi mắt to hơn, gò má tròn hơn, thì cô cảm thấy thoải mái khi chụp ảnh tự sướng dễ thương. "Phẫu thuật thẩm mỹ đã giúp tôi trở thành người thật sự, một mẫu người lý tưởng mà tôi muốn", cô nói.
Zhang đã bay đến Hàn Quốc để phẫu thuật thẩm mỹ, cô tin rằng các bác sĩ ở đó sẽ nắm bắt tốt hơn các yêu cầu của cô.
Tuy nhiên, dưới con dao ở nước ngoài thì có thể là đáng sợ hơn. "Các bác sĩ cứ nói tiếng Hàn và tôi không thể hiểu họ đang nói gì.
Tôi nằm trần truồng trên bàn mổ và cảm thấy rất lạnh. Dưới ánh sáng hoạt động với công suất lớn, họ bắt đầu gây mê cho tôi và đó là khoảnh khắc kinh khủng nhất khi bạn không biết người ta đang làm gì với mình".
Zhang tự hào về sự lựa chọn này của bản thân. Bất cứ khi nào cô nhìn thấy phụ nữ trên đường phẫu thuật thẩm mỹ, cô đều ngưỡng mộ họ.
Đặt sự phân tích tâm lý mà Zhang đã từng học, cô cho biết: "Họ là những người dũng cảm và rõ ràng. Họ biết mình muốn gì".
Mặc dù đã tốn 200.000 nhân dân tệ cho các ca phẫu thuật thẩm mỹ trong hai năm qua nhưng Zhang vẫn chưa có ý định dừng lại, cô vẫn muốn tiếp tục thay đổi bản thân nhiều hơn.
"Một khi bạn đã quen với khuôn mặt xinh đẹp của mình, bạn chỉ muốn mình đẹp hơn nữa và nó không thể dừng lại", Zhang nói.