Nhờ việc bãi bỏ quy định của Bộ Công thương, các doanh nghiệp ngành này đã tiết kiệm tới hàng nghìn tỷ đồng

30/12/2016 12:03 PM | Kinh tế vĩ mô

Chỉ một thủ tục được giảm bớt, các doanh nghiệp đã tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng.

Đó chính là ví dụ mà phủ tướng Vũ Đức Đam nêu ra để làm minh họa khi đề cập đến vai trò quan trọng của người đứng đầu trong công cuộc thực hiện cải cách, nhất là cải cách về môi trường kinh doanh ở nước ta tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2016.

Cụ thể, theo phó Thủ tướng, nhờ có việc Bộ trưởng Bộ Công Thương đã bãi bỏ các quy định kiểm tra hàm lượng fomaldehyte trong vải và các quy định trong khai báo hóa chất, các doanh nghiệp đã có thể tiết kiệm được hàng vạn ngày công, tương ứng với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.

Thật vậy, theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 6.000 doanh nghiệp dệt may. Trong đó, một doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn sẽ tốn vài trăm triệu đến 2 - 3 tỉ đồng/năm cho kiểm tra hàm lượng formaldehyt, ước tính ra toàn ngành sẽ phải chi trả cho kiểm tra chuyên ngành con số là tối thiểu 3.000 tỉ đồng/năm.

Vì thế có thể nói, quy định này được áp dụng không khác gì việc cởi trói cho các doanh nghiệp ngành dệt may - ngành hàng đang gặp khó khăn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Hứa hẹn một năm 2017 thuận lợi, những tin vui dự kiến sẽ còn đến tiếp tục với các doanh nghiệp trong năm tới. Hiện tại, Bộ Công Thương dự kiến sẽ tiếp tục sửa đổi quy định về dán nhãn năng lượng, vốn là một quy định đang gây tốn kém rất lớn về thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp bởi hiện nay quy định yêu cầu mọi loại thiết bị sử dụng năng lượng khi nhập vào Việt Nam đều phải kiểm tra, dán nhãn năng lượng mặc dù năng lực kiểm định của nước ta là còn hạn chế.

Trong phiên họp này, Phó Thủ tướng cũng đã đề cập thêm đến vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, mà bản chất là việc xoay quanh các vấn đề về cải cách thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến…

Về tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng đưa ra các mục tiêu hết sức cụ thể trong việc nâng cao thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam như: Thủ tục cấp phép xây dựng phải rút ngắn thêm 30 ngày từ 166 ngày, thời gian giải quyết tranh chấp phải rút ngắn còn 300 ngày, khởi sự kinh doanh phải từ vị trí 121 xuống 60…

Năm 2016 vừa qua, những nỗ lực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã mang về nhiều kết quả rất tích cực. Có thể kể đến trong số đó như việc Ngân hàng Thế giới đã xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2016 tăng tới 9 bậc, xếp thứ 82 trong 189 quốc gia được xếp hạng. Trong đó, chỉ số bảo vệ nhà đầu tư thiểu số tăng tới 31 bậc; chỉ số nộp thuế của Việt Nam đã tăng 5 bậc, từ vị trí 173/189 lên vị trí 168/189.

Còn trong báo cáo có nhan đề "Môi trường thương mại toàn cầu 2016" của Diễn đàn kinh tế thế giới, môi trường thương mại của Việt Nam cũng được đánh giá tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng "Thúc đẩy thương mại xuyên biên giới 2016", lên vị trí 73/136 nền kinh tế.

Nhờ việc bãi bỏ quy định của Bộ Công thương, các doanh nghiệp ngành này đã tiết kiệm tới hàng nghìn tỷ đồng - Ảnh 1.

Một con số cũng rất ấn tượng khác là trong 11 tháng đầu 2016, cả nước đã có tổng cộng 126.200 doanh nghiệp đang hoạt động (bao gồm doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động). Đây chính là một con số kỷ lục tính trong vòng 6 năm trở lại đây của môi trường kinh doanh Việt Nam.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM