Nhờ sự xuất hiện của CircleK, Shop&Go, FamilyMart, Aeon,...và các DN bán lẻ nội địa, tín dụng tiêu dùng Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, NHNN, trong 10 năm qua các tên tuổi lớn về bán lẻ quốc tế liên tục xuất hiện tại Việt Nam như CircleK, Shop&Go, FamilyMart,…cùng với các doanh nghiệp bán lẻ nội địa lớn mạnh như Vinmart, Coopmart, Thế giới di động,… là một trong những điều kiện rất thuận lợi để phát triển tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam.
Theo báo cáo năm 2016 về tổng quan toàn ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam do StoxPlus thực hiện, thị trường tài chính tiêu dùng đã chứng kiến nhiều cú nhảy vọt đáng kinh ngạc trong những năm gần đây.
Cụ thể, tổng dư nợ/GDP của toàn ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam vào năm 2012 đạt 7,3 tỉ USD đã tăng chạm ngưỡng 26,55 tỉ USD vào năm 2016. Tuy còn chiếm tỷ lệ nhỏ (9,8% vào cuối năm 2016) song tốc độ phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng đang tăng rất nhanh.
Tại Tọa đàm “Phát triển tài chính bán lẻ – cơ hội thúc đẩy tiêu dùng, phục vụ tăng trưởng kinh tế” diễn ra sáng nay (12/7), đại diện cơ quan quản lý, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước nhận định tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng và có những yếu tố thuận lợi phát triển.
Cụ thể, Việt Nam có quy mô dân số trên 92 triệu dân với 70% dân số đang trong độ tuổi 15-64 và tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6% là những yếu tố quan trọng cho thấy thị trường hàng hoá tiêu dùng của Việt Nam có sức hấp dẫn rất lớn.
Trong 10 năm qua các tên tuổi lớn về bán lẻ quốc tế liên tục xuất hiện tại Việt Nam như CircleK, Shop&Go, FamilyMart, BigC, Fivimart, Citimart, Simply Mart, Aeon, Lotte, Parkson, Takashimaya, Metro, v.v…cùng với các doanh nghiệp bán lẻ nội địa lớn mạnh như Vinmart, Coopmart, Thế giới di động, v.v…. Đây rõ ràng là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam.
Ông Tú Anh dẫn lại kết quả nghiên cứu của bà Nguyễn Thị Hiền và cộng sự 2017, thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam từ năm 2011 đến nay liên tục phát triển mạnh, trong giai đoạn 2011-2014 tốc độ tăng trưởng đạt xấp xỉ 30%/năm và năm 2015 đạt 59%. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng được cấp cho khách hàng năm 2015 là 583 nghìn tỷ đồng, tương đương với 20,5% giá trị tiêu dùng cuối cùng của cá nhân và hộ gia đình. Nếu không tính các khoản vay mua nhà và sửa chữa nhà ở (như thông lệ thống kê của các nước) thì tổng mức dư nợ tín dụng tiêu dùng năm 2015 đạt 272.241 tỷ đồng (tương đương 6,62% GDP), tỷ lệ này vượt qua Trung Quốc (6%) và Nhật Bản nhưng thấp hơn nhiều so với các nước phát triển khác: Mỹ 17%, Châu Âu 14%, Hàn Quốc trên 20%.
Sự bùng nổ của tín dụng tiêu dùng có cả nguyên nhân từ phía cầu và phía cung. Từ phía cầu, yếu tố tốc độ tăng tiêu của Việt Nam tăng mạnh và liên tục trong nhiều năm qua trực tiếp làm tăng nhu cầu về tín dụng tiêu dùng. Ngoài ra do tốc độ tăng trưởng khá ổn định ở mức cao làm tăng niềm tin vào thu nhập trong tương lai của người dân, do đó họ sẵn sàng vay nợ để tăng tiêu dùng hiện tại. Thêm vào đó, dân số Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, tỷ lệ người trẻ tuổi cao và đây là nhóm người có nhu cầu và sẵn sàng vay nợ để tiêu dùng cao nhất.
Cung tín dụng tiêu dùng cũng góp phần không nhỏ đối với sự phát triển của tín dụng tiêu dùng. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin giúp các Ngân hàng thương mại (NHTM) và các Công ty tài chính (CTTC) có thể nhanh chóng thu thập và xử lý thông tin về yêu cầu vay nợ một cách nhanh chóng và đáng tin cậy nhờ đó các tổ chức tín dụng (TCTD) này có thể cung ứng tín dụng tiêu dùng với lãi suất cạnh tranh mà vẫn đảm bảo được hệ số an toàn. Thêm vào đó, tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh đã tăng trưởng chậm lại do: (i) nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu, nợ xấu vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu; (ii) Các TCTD thắt chặt lại các điều kiện vay nợ để đảm bảo an toàn và hạn chế việc gia tăng nợ xấu; (iii) sự phát triển kinh tế ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực này rất ít tiếp cận vốn của hệ thống các TCTD trong nước. Trong bối cảnh đó, các TCTD cần phải phát triển tín dụng tiêu dùng để bù đắp cho sự sút giảm nhu cầu tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, theo vị đại diện NHNN, sự bùng nổ cho vay tiêu dùng cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước. Cuộc khủng hoảng thẻ tín dụng tại Hàn Quốc 2003 là một ví dụ rõ ràng về nguy cơ tăng trưởng quá nhanh của hoạt động cho vay tiêu dùng.
Ở nước ta, từ năm 2016, NHNN đã ban hành hai thông tư quan trọng là thông tư 39/2016/TT-NHNN và thông tư số 43/2016/TT-NHNN để điều chỉnh hoạt động cho vay, trong đó có cho vay tiêu dùng. Đây không chỉ là hành lang pháp lý tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động mà còn bảo vệ người đi vay trước nguy cơ vỡ nợ lên cao, ví dụ như quy định về minh bạch lãi suất, đưa ra hạn mức vay… Tuy vậy, ông Tú Anh cho rằng, cần có thêm công cụ bảo vệ khách hàng - cũng chính là để bảo vệ tổ chức tín dụng. Thực tế, khi Hàn Quốc từng rơi vào khủng hoảng thẻ tín dụng vào năm 2003 khi hệ thống ngân hàng đổ xô cho vay tiêu dùng vào năm 2000.
“Thị trường cho vay tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển mạnh ở Việt Nam. Khách hàng cho vay tiêu dùng sẽ ngày càng mở rộng và số lượng khách hàng như nông dân và những người bình thường với kiến thức ít ỏi về pháp luật và tài chính sẽ trở thành rất dễ tổn thương trước các hoạt động cạnh tranh cho vay tiêu dùng. Điều này đòi hỏi pháp luật cần phải cẩn trọng hơn trong việc bảo vệ người đi vay và lợi ích chính đáng của người cho vay”, ông Nguyễn Tú Anh khẳng định.
Được biết, Singapore cho phép người đi vay kiện ra toà nếu người cho vay thực hiện các hành vi không chính đáng để đòi tiền. Người đi vay trong trường hợp quá khó khăn có thể đàm phán với chủ nợ về cơ chế trả nợ mới nhẹ nhàng hơn.
Các vấn đề như hạn mức tín dụng của một khách hàng trên toàn hệ thống, hạn mức tín dụng so với thu nhập của khách hàng, số lượng thẻ tín dụng tối đa một khách hàng có thể có, trần lãi suất cho vay để hạn chế mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng v.v… đang là những vấn đề cần phải đánh giá xem xét cẩn trọng để có thể đưa vào các quy phạm pháp luật nhằm bảo vệ người đi vay mà cuối cùng chính là bảo vệ người cho vay và toàn bộ hệ thống.