Nhìn từ chiến dịch mang về lợi nhuận tăng gấp 138 lần nhờ quảng cáo của PNJ, hướng đi nào cho các SMEs trong đại dịch?

08/09/2021 08:59 AM | Kinh doanh

Chuyển đổi số là con đường tất yếu nhưng việc ứng dụng như thế nào còn phụ thuộc vào tính chất đặc thù của mỗi doanh nghiệp.

Dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ bài viết của anh Tình Nguyễn - Co-Founder LadiPage Việt Nam, Chủ tịch Vietnam MarTech, về cách tiếp cận chuyển đổi số cho các doanh nghiệp SMEs.

Khi COVID-19 lan rộng khắp thế giới, nhiều nhà bán lẻ lớn nhỏ đều thông báo đóng cửa các cửa hàng offline và chuyển dần sang bán hàng online để hạn chế lây lan của dịch bệnh. Tại Việt Nam, trước diễn biến phức tạp, việc "go online" không còn là lựa chọn mà trở thành tình huống bất khả kháng.

Trong khi đó, tiếp thị kỹ thuật số hay chuyển đổi số trong thời kỳ đại dịch đã trở thành tia hy vọng cho các doanh nghiệp nhỏ. Đây là một phần thiết yếu của chiến lược hỗn hợp tiếp thị và có thể giúp doanh nghiệp vươn lên một tầm cao mới. Bằng chứng cho thấy rằng 87% người mua sắm thực hiện tìm kiếm sản phẩm trực tuyến.

Tuy nhiên, không phải cứ chuyển đổi số là sẽ chắc chắn thành công. Để gặt hái những lợi ích từ tiếp thị kỹ thuật số, doanh nghiệp không cần phải trở thành một chuyên gia về kỹ thuật số, nhưng phải quyết tâm.

Dưới đây là bảy cách tiếp cận để SME tồn tại và phát triển trong COVID-19 bằng cách chuyển sang công nghệ tiếp thị kỹ thuật số.

1. Sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng

Đại dịch đã thúc đẩy mọi người hướng tới một môi trường số hóa hơn và tạo nên những thay đổi lớn trong cách mọi người mua hàng. Thậm chí nó đã thay đổi hoàn toàn thói quen mua sắm (ngay cả với hàng tạp hóa) của người dân.

Trong khi hầu hết các ngành công nghiệp gặp khó khăn trong thời kỳ đại dịch, thì các nhà sản xuất thực phẩm và bán lẻ, từ quy mô lớn tới cửa hàng tạp hóa lại "được mùa’’. Người tiêu dùng tìm kiếm các tùy chọn mua tại nhà để đảm bảo an toàn. Họ miễn cưỡng ra khỏi nhà, nhưng vẫn muốn tiếp cận với các sản phẩm và dịch vụ thông thường.

Nhìn từ chiến dịch mang về lợi nhuận tăng gấp 138 lần nhờ quảng cáo của PNJ, hướng đi nào cho các SMEs trong đại dịch? - Ảnh 1.

Theo báo cáo Unlocking Consumption Global Survey December 2020/January 2021 của NielsenIQ có nhiều thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng trên khắp thế giới.

Cụ thể là số người tiêu dùng mới bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã tăng gấp đôi lên 46%; 66% người tiêu dùng đã thay đổi cách họ mua sắm; 81% sẽ tiếp tục cơ cấu lại chi tiêu trong năm 2021; 35% số người được khảo sát chỉ có thể chi trả cho mức sống tối thiểu; lương thực, thực phẩm, nhà ở; 45% cho rằng sống thoải mái, có thể mua được một số thứ họ thích; 19% có thể chi tiêu thoải mái.

2. Mọi thứ chuyển từ Offline sang Online

Trong đại dịch này, chúng ta đang quan sát thấy hai sự cố lớn đối với người tiêu dùng: Thứ nhất, người tiêu dùng bị "nhốt" ở trong nhà. Thứ hai, hầu hết người tiêu dùng đang tìm kiếm các sản phẩm trực tuyến.

Sự hiện diện trực tuyến sẽ nâng cao khả năng hiển thị của doanh nghiệp trước người tiêu dùng mục tiêu - những người có thể chưa hoặc không bao giờ nhìn thấy thương hiệu của doanh nghiệp hoặc nghe nói về sản phẩm của doanh nghiệp trước kia hoặc ở một môi trường khác.

Doanh nghiệp có thể tiếp cận với nhiều người hơn mà không tốn nhiều chi phí. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp bạn cũng đang trực tuyến. Để đánh bại đối thủ, bạn cần phải theo dõi họ, và đôi khi bạn chỉ cần học hỏi từ họ.

Ví dụ điển hình như PNJ áp dụng chiến dịch Conversational Commerce, trong 6 tuần, với mục tiêu là khách hàng trong độ tuổi từ 23-45 tại Việt Nam, lợi nhuận thu về từ chi phí quảng cáo tăng gấp 138 lần, tỉ lệ chuyển đổi từ Messenger là 10% và 17.000 cuộc hội thoại được tạo ra.

Là một chuỗi cửa hàng kinh doanh trang sức tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) nổi bật với dòng trang sức phong thuỷ, phù hợp với đặc tính của từng người để mang lại may mắn và thịnh vượng.

PNJ hiểu rằng khách hàng có rất nhiều câu hỏi cần giải đáp khi ghé thăm cửa hàng và trước khi mua. Và để xem liệu Messenger có thể thực hiện việc điều hướng và tăng doanh số bán hàng này không, PNJ đã chạy chiến dịch quảng cáo Conversational Commerce cho dòng Trang Sức Phong Thủy hợp mệnh với từng nhóm đối tượng cụ thể. Và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Conversational Commerce là thương mại điện tử trên nền tảng di động có tích hợp khả năng giao tiếp giữa người bán và người mua, thông qua các ứng dụng tin nhắn như Facebook Messenger, Zalo, Viber… Hình thức này đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam.

PNJ đã kết hợp cùng với Nousa, xây dựng trải nghiệm tự động trên nền tảng Messenger của Facebook. Với tên gọi Charmy, trải nghiệm này giúp cá nhân hoá đoạn hội thoại với khách hàng, trả lời câu hỏi của họ về sản phẩm và liên tục chuyển chúng đến tư vấn viên xử lý trực tiếp (nếu cần).

3. Chú trọng nhiều hơn đến việc xây dựng cộng đồng

Đại dịch đã cung cấp cho các doanh nghiệp SMEs cơ hội để giới thiệu cách họ có thể đóng góp cho cộng đồng vào thời điểm này. Tiếp thị kỹ thuật số trong thời kỳ đại dịch cũng đã cung cấp cho SMEs cơ hội xây dựng một cộng đồng trực tuyến mạnh mẽ hơn.

Hãy nhớ rằng nội dung của bạn không nên hoàn toàn tập trung vào việc quảng cáo sản phẩm. Thay vào đó, hãy quảng bá thương hiệu của bạn theo cách mà bạn hiểu được nỗi đau và sự khốn khổ mà mọi người đang phải trải qua.

Nhìn từ chiến dịch mang về lợi nhuận tăng gấp 138 lần nhờ quảng cáo của PNJ, hướng đi nào cho các SMEs trong đại dịch? - Ảnh 2.

Một nhà hàng Pizza nhỏ có tên là &pizza tại Mỹ nhận ra rằng COVID-19 đã và đang gây ra rất nhiều thách thức cho các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ, nhân viên ý tế tuyến đầu chống dịch. Vì vậy, nhà hàng đã chạy chiến dịch cung cấp Pizza miễn phí cho họ. Công ty đã công bố ưu đãi qua Twitter, Instagram, Facebook và Snapchat.

4. Sự phát triển nhanh chóng của thị trường thực phẩm trực tuyến

Khi các nhà hàng chứng kiến sự sụt giảm đáng kể trong việc phục vụ ăn uống tại chỗ, thì thị trường giao đồ ăn trực tuyến lại phát triển đáng kể trong thời gian bị "khóa’’ chặt chẽ.

Ngành công nghiệp nhà hàng sẽ có doanh thu ổn định khi mọi người hiện đang dùng bữa tại nhà. Theo khảo sát mới đây của Nielsen Vietnam, trong thời điểm dịch COVID 19 -19, chỉ nói riêng về lĩnh vực đặt đồ ăn online, thống kê của Nielsen cho thấy có đến 62% khách hàng Việt Nam cho rằng muốn mua đồ về nhà ăn. Theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar TNS, doanh thu thị trường giao thức ăn trực tuyến Việt Nam năm 2018 là 148 triệu USD và có tốc độ tăng trưởng trung bình 28.5%/ năm.

Doanh thu năm 2023 ước tính của ngành có thể lên tới 449 triệu USD. Số lượng người sử dụng dịch vụ giao thức ăn trực tuyến trong năm 2018 khoảng 5,3 triệu người, chủ yếu dụng dịch vụ Restaurant – to – Consumer Delivery (chiếm 92%). Dự báo đến năm 2023, số lượng người sử dụng dịch vụ giao thức ăn tăng hơn gấp 2 lần, khoảng 13 triệu người.

Theo kết quả "Khảo sát thị trường về nhu cầu tiêu dùng ngành ẩm thực Việt Nam" do Kantar thực hiện năm 2020, có đến 43% người dân Tp. HCM và 34% người dân Hà Nội đặt đồ ăn trực tuyền ít nhất một lần mỗi tuần.

Nhìn từ chiến dịch mang về lợi nhuận tăng gấp 138 lần nhờ quảng cáo của PNJ, hướng đi nào cho các SMEs trong đại dịch? - Ảnh 3.

Đặc biệt, vì mối lo ngại dịch bệnh, người dân sẽ có 2 lựa chọn mua đồ ăn là mua mang đi (take away) và đặt giao tận nhà (home delivery), nhưng tỉ trọng đặt đồ ăn giao tận nhà lại cao gấp đôi so với mua mang đi.

Các nghiên cứu xác nhận rằng việc bị "giam giữ tại nhà", ngừng đi lại nơi công cộng và cấm phục vụ đồ ăn của nhà hàng đã thay đổi hành vi ăn uống của con người. Mọi người không có gì nhiều để làm ngoại trừ việc ăn và xem các trang tin tức trên mạng xã hội của họ.

Các doanh nghiệp thực phẩm nhỏ cần phải sử dụng các kỹ thuật tiếp thị kỹ thuật số để tiếp cận đối tượng của họ, thỏa mãn cảm giác thèm ăn và giảm thiểu tác động của đại dịch đối với doanh nghiệp của họ.

Một số lý do khác khiến cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng buộc phải chuyển sang trực tuyến bao gồm: Nhu cầu về thực phẩm ngày càng tăng; doanh nghiệp có thể hợp lý hóa hoạt động của mình; hình thức này đang giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hoạt động của họ; hoạt động trực tuyến sẽ hỗ trợ các nhà hàng ngay cả sau khi được hoạt động trở lại.

5. Tiếp thị người ảnh hưởng

Trong thời gian giãn cách này, không chỉ DN lớn mà nhiều DN nhỏ cũng đã tìm cách hợp tác với những người có ảnh hưởng vì người tiêu dùng đã dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội, để theo dõi những người sáng tạo nội dung mà họ yêu thích.

Theo một khảo sát, 60% các nhà tiếp thị đồng ý rằng ROI cho tiếp thị người có ảnh hưởng lớn hơn các phương pháp tiếp thị truyền thống. Một số mẹo dành cho các doanh nghiệp nhỏ để tận dụng tối đa kênh tiếp thị người có ảnh hưởng trong thời kỳ đại dịch bao gồm: Nhấn mạnh vào giáo dục; Xác định những người có ảnh hưởng phù hợp; Tạo cơ hội cho những người có ảnh hưởng nhỏ (nano/micro influencer).

6. Email Marketing - kênh không thể bỏ qua

Nếu bạn đang nghĩ đến việc sử dụng các chiến dịch email như một phần của tiếp thị kỹ thuật số trong thời kỳ đại dịch, thì bạn hoàn toàn đúng. Rất nhiều doanh nghiệp đã làm điều đó trong thời gian đóng cửa.

Số lượng người dùng email trên toàn cầu đang tăng lên. Xem sự thật bên dưới:

Nhìn từ chiến dịch mang về lợi nhuận tăng gấp 138 lần nhờ quảng cáo của PNJ, hướng đi nào cho các SMEs trong đại dịch? - Ảnh 4.

Email được cá nhân hóa với tên của khách hàng và tiêu đề hấp dẫn là cơ hội để tương tác trực tiếp với khách hàng. Một nghiên cứu đã tiết lộ rằng 80% các chuyên gia kinh doanh đã sử dụng các chiến dịch email như một hoạt động trong chiến lược duy trì và thu hút khách hàng.

7. Sử dụng Marketing Automation

Từ nghiên cứu thị trường đến hỗ trợ khách hàng nhanh 24/7 và từ việc quảng bá sản phẩm đến xây dựng mối quan hệ lâu dài, Marketing Automation đều có thể giúp doanh nghiệp làm tốt những việc này.

Marketing Automation như một bổ sung về cách thức liên lạc của con người vào các tương tác của thương hiệu với khách hàng, đồng thời giúp các doanh nghiệp nhỏ xây dựng mối quan hệ hiệu quả với khách hàng. Phương thức này có thể cung cấp cho doanh nghiệp khả năng hoạt động liên tục thậm chí cả đêm lẫn ngày để không bao giờ bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào.

Mặc dù chuyển đổi số là con đường tất yếu nhưng bảy cách tiếp cận trên đây cũng chỉ là gợi ý, việc ứng dụng như thế nào còn phụ thuộc vào tính chất đặc thù của mỗi doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ từng công cụ, phương pháp, nền tảng để lựa chọn cách tiếp cận tối ưu nhất.

Tình Nguyễn - Co-Founder LadiPage Việt Nam, Chủ tịch Vietnam MarTech

Cùng chuyên mục
XEM