Nhìn quả mít rụng gốc cây, người đàn ông này đã nảy ra ý tưởng tạo doanh nghiệp Việt triệu đô
Nghiệp làm doanh nhân luôn theo một chu kỳ, nó lên rồi nó phải xuống. Nếu không muốn theo chu kỳ này, thì chúng ta nên đi đường thẳng, đi làm công, đừng làm doanh nhân.
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Vinamit sau hàng chục năm kinh qua những thành công và thất bại.
Từ 100 cây vàng “cháy rụi” trong lần đầu khởi nghiệp
Năm 1989, trong 15 phút, toàn bộ tài sản của doanh nhân Nguyễn Lâm Viên bị cháy rụi khi ngọn lửa từ nhà kế bên lan sang. Xí nghiệp liên doanh mây tre lá Nhà Bè với tổng trị giá khoảng 500 nghìn USD bốc hơi trong nháy mắt, để lại khoản nợ cho chủ doanh nghiệp gần 100 nghìn USD cùng với tất cả hoang mang ở phía trước.
Hàng trăm công nhân thất thần vì mất việc làm, thân một mình ôm khoản nợ lớn, ông Viên đã rớt nước mắt.
Xuất thân từ gia đình nghèo sống phụ thuộc vào tiệm tạp hóa rộng 3m2 ở Gò Vấp, bằng sự nỗ lực của mình, Nguyễn Lâm Viên đã không chùn bước. Khi thấy hàng loạt quả mít nghệ no tròn, múi vàng ươm rớt dưới gốc cây, thấy quá lãng phí, ông nảy ra ý tưởng làm giàu từ sản phẩm sấy khô.
Trong thời cảnh người người không đủ gạo để ăn, ý tưởng làm sản phẩm mít sấy khô của Viên bị mọi người chê là điên.
“Những năm 80, nhiều gia đình không đủ gạo để ăn, người ta chỉ quan tâm ăn no, mặc ấm chứ chẳng dư dả cho các món ăn chơi, có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Vì thế họ nói làm mít sấy là khùng”, ông Viên kể lại.
Doanh nhân Nguyễn Lâm Viên.
Thế nhưng, nhìn được tiềm năng của thị trường này tại nước ngoài và trong tương lai ở Việt Nam, ông Viên gạt bỏ lời khuyên ngăn để làm mít. Khoảng cuối năm 1989 đầu 1990, ông một mình khăn gói qua Đài Loan học công nghệ sấy chân không áp dụng trong chế biến nông sản.
Trở về Việt Nam, không tiền nhưng có vốn là kiến thức học được, ông Viên bỏ mối buôn đồng hồ, buôn xe máy để góp từng đồng vốn dành khởi nghiệp. Năm 1992, gom được 4.000 USD, mua được thiết bị chế biến trái cây sấy khô trả chậm, ông bắt tay làm mít và chuối sấy khô – sản phẩm lần đầu tiên có mặt tại Đông Nam Á. Công ty Đức Thành (sau này là Vinamit – Mít Việt Nam) ra đời từ đó.
… đến anh bán hàng rong ở Trung Quốc
Sản phẩm ăn nhanh chưa phù hợp tại thị trường nội địa khi người dân vẫn còn đói cơm, ông Viên phải đích thân đi tìm các “thượng đế” ở thị trường nước ngoài.
Trong quá trình học công nghệ sấy ở Đài Loan, ông Viên đã tự học tiếng Trung và giao tiếp thành thạo. Một lần nữa, ông lại xách balo lên và đi, mang theo bên mình tài sản vô giá là những gói mít sấy đến gõ cửa các tiểu thương ở nước bạn.
Thế nhưng, mít sấy khi này còn quá mới lạ nên các bạn hàng lắc đầu nguây nguẩy. Không nản chí, ông mang mít bày bán tại vỉa hè, bến xe lửa,… Ai đi quà anh cũng mời ăn thử.
Tò mò với đồ ăn lạ, các bà nội trợ lại gần nếm thử, thấy ngon thi nhau mua. Dần dần, mít sấy Đức Thành của ông Viên cũng được thị trường này đón nhận khi xuất hiện ngày càng nhiều trên các kệ hàng ở chợ, trong hàng tạp hóa, siêu thị…
Sau thành công từ mít và chuối sấy, ông Viên mở rộng sang các sản phẩm khác như khoai lang, dứa, khoai môn, xoài, cà rốt, đu đủ, khổ qua, táo, cà chua, bí sấy, cùi dưa dẻo, ổi dẻo… và cũng rất thành công.
Sản phẩm tự nhiên, không hóa chất, không chứa các chất phụ gia gây hại, hàm lượng đường và chất béo thấp, thích hợp cho cả mục đích ăn nhẹ, ăn no hay ăn kiêng đã chinh phục được cả thị trường khó tính như Nhật Bản, Châu Âu.
5 năm mang mít Việt đi kiện nước ngoài
Mít Việt hiệu Đức Thành của ông Viên xuất hiện ở Trung Quốc từ năm 1997 thông qua một đối tác bản địa. Trước khi xuất sản phẩm sang Trung Quốc, sản phẩm này đã được ông đăng ký bảo hộ bản quyền thương hiệu Đức Thành.
Thế nhưng, đối tác làm ăn với Đức Thành ở Trung Quốc lại lẳng lặng đi đăng ký độc quyền thương hiệu Đức Thành bằng tiếng Hoa với chủ mưu cướp thương hiệu mít sấy Việt. Đến năm 2007, khi họ được cấp bằng chứng nhận độc quyền thương hiệu Đức Thành thì ông Viên mới ớ ra với sơ hở chết người này.
Là sản phẩm tâm huyết nuôi dưỡng bằng nhiều khó khăn và đam mê, ông Viên lại lần thứ 3 khăn gói rời Việt Nam. Thế nhưng, lần đi này, tâm thế của ông hoàn toàn khác, bởi ông mang theo niềm tin chứ không phải là những hoang mang như 2 lần trước.
Và phải sau 5 năm ròng rã trên chiến trường giành thương hiệu, nhờ những luật sư giỏi, quan tòa anh minh, ông Viên đã thắng kiện.
Nhớ lại những quãng thời gian khó khăn, ông Viên tâm niệm rằng, những người kinh doanh thực thụ là họ luôn luôn phải máu và khi càng thấy khó càng thấy đam mê. Và khi đã có đam mê thì sẽ chẳng sợ thất bại.
Chia sẻ trong chương trình FBNC, ông Viên cho biết, cuộc đời doanh nhân có 4 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là ăn xổi ở thì, tìm những cơ hội để mua bán và kiếm tiền. Giai đoạn thứ 2 là đi đầu cơ, mua miếng đất, cái nhà hay tồn trữ nguyên vật liệu để có cơ hội kiếm tiền. Và giai đoạn thứ 3 là phải trở thành 1 tổng giám đốc, doanh nhân thực thụ phải biết marketing, sale, tài chính, chủ cung ứng… Giai đoạn thứ 4 là có trách nhiệm với cộng đồng.
Cho đến nay, giữa ngưỡng của giai đoạn 3-4, ông Viên cho rằng, ông không còn sợ bất kỳ sự thất bại và cũng không còn quá vui mừng với những thành công.
Doanh nhân này cho rằng: Với thất bại, khi quá tụt dốc phải hết sức bình tĩnh, để cho nó tuột luôn. Bởi khi chúng ta cho nó tuột thì khi tới đáy của vực thẳm ta mới có thể bước đi lên được.
"Thường các bạn trẻ khi nghe thất bại thì rất sợ và cố vùng vẫy, che đậy. Nhưng như thế, họ sẽ càng mất sức hơn, bởi khi tới đáy sức không còn nữa. Nghiệp làm doanh nhân luôn theo một chu kỳ, nó lên rồi nó phải xuống. Nếu không muốn theo chu kỳ này, thì chúng ta nên đi đường thẳng, đi làm công, đừng làm doanh nhân.
Chúng ta đừng cố giữ vững vinh quanh. Chọn dốc xuống nhẹ nhàng hơn để đi lên nhanh hơn, bình tĩnh hơn trong thất bại và bình thản hơn trong thành công là công thức của kinh doanh.
“Ngày xưa, khó khăn nhiều nhưng nguy cơ ít. Ngày nay, khó khăn ít nhưng nguy cơ nhiều. Bởi thế, tâm trí của mỗi người cần phải vững”, doanh nhân Lâm Viên cho hay.