Nhiều người trẻ không đi chợ: Cơn đau đầu mới khiến 'nồi cơm' của các khu chợ truyền thống vơi dần

06/01/2022 08:38 AM | Kinh doanh

Dù vẫn có những khu chợ sạch đẹp nhưng hình ảnh của chúng đã bị mặc định gắn liền với 3 từ: "bẩn thỉu, lộn xộn và xuống cấp".

Tháng 10/2021, khu chợ Wuzhong ở Thượng Hải đã trở thành tâm điểm chú ý trên khắp thế giới khi hợp tác với thương hiệu thời trang xa xỉ Prada trong 2 tuần. Các quầy hàng tại đây được trang trí và cung cấp túi đựng, giấy bọc in logo của Prada.

Sự kết hợp này đã thu hút rất nhiều người trẻ đến "check-in" nhưng cũng hứng chịu không ít chỉ trích, đặc biệt là sau khi một cô gái thẳng tay vứt bó rau còn mới nguyên vào thùng rác và chỉ giữ lại túi giấy Prada.

Phần lớn phản ứng dữ dội tập trung vào việc lãng phí thực phẩm. Tuy nhiên, sự kiện trên còn làm nổi bật một sự thật rằng đối với nhiều người trẻ Trung Quốc, chợ truyền thống không phải một phần cuộc sống của họ.

Zhong Shuru (32 tuổi, đến từ Quảng Đông) cho biết rất ít người đồng trang lứa với anh thường xuyên mua sắm ở chợ truyền thống.

"Dù nghiên cứu và rất thích loại hình kinh doanh này nhưng tôi hiếm khi đi chợ nhiều hơn 1-2 lần/tháng. Bố mẹ tôi vẫn đến đây mỗi ngày và dường như không bao giờ chán hay mệt mỏi", anh cho biết.

Nhiều người trẻ không đi chợ: Cơn đau đầu mới khiến nồi cơm của các khu chợ truyền thống vơi dần - Ảnh 1.

Theo Zhong, có nhiều yếu tố dẫn đến sự thờ ơ của giới trẻ Trung Quốc với các khu chợ truyền thống. Đầu tiên, quá trình đô thị hóa đã đẩy cấu trúc gia đình Trung Quốc theo hướng gia đình hạt nhân và sống một mình. Điều này, cùng sự gia tăng của các công việc với nhịp độ nhanh và cường độ cao, đã khiến ngày càng nhiều người trẻ phụ thuộc và việc mua mang đi.

Các bữa ăn tự nấu giờ đây là một điều xa xỉ và ngay cả khi có thời gian, người trẻ cũng có xu hướng thích mua hàng tại cửa hàng tiện lợi, siêu thị hay mua online cho nhanh gọn.

Sự phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm tươi sống trong hơn 30 năm qua cũng chống lại chợ truyền thống. Vào những năm 1990, sự phổ biến ngày càng tăng của các siêu thị đã cướp đi khách hàng của họ. Những năm 2010 chứng kiến sự sa sút của các chuỗi siêu thị nhưng người được hưởng lợi lại không phải chợ truyền thống mà là các cửa hàng tạp hóa nhỏ mở ngay bên ngoài khu dân cư và cộng đồng.

Tiềm năng của thị trường tạp hóa cũng khơi dậy sự quan tâm của những gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến như Alibaba và JD.com. Họ bắt đầu xây dựng các sản phẩm và dịch vụ cộng đồng - chẳng hạn như đặt hàng trực tuyến và giao hàng trong 30 phút - phù hợp hơn với kỳ vọng tiêu dùng của giới trẻ.

Làn sóng này bùng nổ vào năm 2020, khi các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc thi nhau tung ra các dịch vụ "mua theo nhóm cộng đồng" trên toàn quốc. Người dùng có thể nhận hàng từ một điểm trả khách tập trung, thuận tiện trên đường đi làm về.

Các mô hình bán lẻ mới thường được hỗ trợ nhiều bởi các công ty trực tuyến đang tìm cách mở rộng thị phần. Do đó, chúng có lợi thế đáng kể về giá so với các khu chợ và cửa hàng bán lẻ truyền thống khác.

Một yếu tố khác dẫn đến sự suy tàn của chợ truyền thống là việc nhiều nơi không phải là không gian dễ chịu.

Phần lớn các chợ truyền thống hiện có ở Trung Quốc được xây dựng vào những năm 1980 và chỉ một số ít được nâng cấp kể từ đó. Thiết bị cũ kĩ, hệ thống thoát nước, thông gió và chiếu sáng hoạt động kém, các hệ thống cung cấp điện phải vật lộn để giữ thực phẩm tươi ngon trong mùa hè ngày càng khắc nghiệt… là một số điểm trừ.

Nhiều chợ truyền thống đã được tư nhân hóa vào những năm 1990. Một số nhà điều hành mới này không đầu tư đầy đủ vào hệ thống vệ sinh, dẫn đến chất thải và rác tràn ngập gần khu vực sản xuất.

Nói tóm lại, mặc dù vẫn có những khu chợ sạch đẹp nhưng hình ảnh của chúng đã bị mặc định gắn liền với 3 từ: "bẩn thỉu, lộn xộn và xuống cấp".

Trong nghiên cứu của mình, Zhong phát hiện rằng các chợ truyền thống đang tìm cách tân trang hình ảnh. Cách tiếp cận đầu tiên là chấp nhận cổ phần hóa, thường bằng cách biến chợ thành siêu thị hoặc làm cho chúng có vẻ cao cấp hơn.

Tại đây, người mua sắm giàu có có thể mua hải sản từ Nhật Bản, trứng cá muối từ Nga và các loại hàng hóa khác trước đây chỉ có ở các siêu thị cao cấp. Dù vậy, điều này không phải lúc nào cũng phù hợp với người dân địa phương. Những người không thể mua được hàng vì giá cao buộc phải tìm nơi khác.

Một cách tiếp cận phổ biến hơn ở nhiều thành phố của Trung Quốc là liên quan đến các dự án cải tạo và đổi mới do chính phủ lãnh đạo. Ví dụ, một lượng lớn chợ truyền thống ở phía nam tỉnh Hải Nam đã được cải tạo từ năm 2017 đến năm 2018 để phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất.

Với nỗ lực đứng vào hàng ngũ "thành phố vệ sinh quốc gia" và "thành phố văn minh quốc gia", một thành phố của tỉnh này đã đầu tư hàng chục triệu nhân dân tệ để bổ sung hoặc cập nhật hệ thống thông gió tại các khu chợ truyền thống, lắp đặt màn hình điện tử và nhiều thiết bị khác.

Sự hợp tác của Prada với chợ Wuzhong là trường hợp điển hình của mô hình này. Các kiến trúc sư và nhà thiết kế được thuê để làm cho các khu chợ trông hấp dẫn hơn nhưng cấu trúc kinh doanh vẫn không thay đổi.

Nhiều người trẻ không đi chợ: Cơn đau đầu mới khiến nồi cơm của các khu chợ truyền thống vơi dần - Ảnh 2.

Một quầy rau dùng giấy gói của Prada ở chợ Wuzhong (Ảnh: Internet).

Nếu được thực hiện đúng cách, việc cải tạo có thể nâng cao sức hấp dẫn của chợ truyền thống đối với người tiêu dùng trẻ tuổi, mang lại lợi ích cho các nhà cung cấp cũng như các nhà điều hành khu chợ.

Mô hình cuối cùng liên quan đến việc nắm bắt tâm lý của người trẻ. Tập đoàn Lingnan của Quảng Châu đã công bố kế hoạch bắt đầu bán các món ăn đã được sơ chế sẵn để có thể nhanh chóng nấu tại nhà. Bằng cách đó, những người trẻ quan tâm đến nấu ăn nhưng không có thời gian có thể có được bữa ăn ngon mà không cần quá vất vả.

Liệu những cải tạo này có giúp các chợ truyền thống chống chọi lại thách thức từ "bán lẻ mới" và tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của các gia đình Trung Quốc hay không?  Zhong không đưa ra câu trả lời nhưng cho biết anh rất lạc quan. Theo anh, chợ truyền thống vẫn là nơi đại diện cho kho tàng nguyên liệu địa phương.

Nguồn: Sixth Tone

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM