Nhiều doanh nghiệp ngoại muốn vào bán lẻ xăng dầu

20/04/2016 08:50 AM | Kinh doanh

Theo thông tin trên website của Idemitsu Kosan (Nhật Bản) ngày 18/4, tập đoàn này vừa cùng Cty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI) rót vốn thành lập Cty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 với mục đích phân phối các sản phẩm dầu khí tại Việt Nam.

Vốn góp vào liên doanh thực hiện theo tỷ lệ 50-50 (%).

Theo thông tin được đưa ra của Idemitsu, công ty này đã nhận được Chứng nhận Đăng ký đầu tư của Chính phủ Việt Nam và đang trong giai đoạn xin đăng ký thành lập doanh nghiệp với các hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ sản phẩm dầu khí và xây dựng các trạm dịch vụ tại nhiều địa phương nhằm góp phần cung cấp nguồn xăng dầu ổn định cho thị trường Việt Nam.

Nếu kế hoạch nêu trên diễn ra suôn sẻ, đây sẽ là lần đầu tiên một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ. Được biết, Idemitsu và KPI đang nắm 35,1% vốn trong Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Thanh Hóa, cùng với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam).

Trong một diễn biến khác liên quan đến đầu tư vào thị trường xăng dầu Việt Nam, hãng Nikkei cho biết, tập đoàn JX Nippon Oil & Energy của Nhật Bản đang trong quá trình đàm phán mua cổ phần Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với tổng giá trị khoảng 20 tỷ yên (tương đương 177 triệu USD). Xác nhận với PV Tiền Phong, Phó Tổng giám đốc Petrolimex, ông Trần Ngọc Năm cho biết, tập đoàn đang xin ý kiến Thủ tướng về phương án bán 8% cổ phần cho đối tác Nhật Bản.

Theo các chuyên gia, việc các đại gia Nhật Bản và Kuwait muốn rót vốn vào thị trường xăng dầu Việt Nam cho thấy đây là ngành có nhiều tiềm năng và có thể khiến thị trường này cạnh tranh gay gắt hơn, đồng nghĩa có lợi hơn cho người tiêu dùng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho rằng, vài năm gần đây thị trường bán lẻ xăng dầu khá cạnh tranh do có thêm nhiều doanh nghiệp mới tham gia (cả nước hiện có 24 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối). Thị phần xăng dầu lớn nhất vẫn là Petrolimex với 48% thị phần như công bố năm 2014.

Một đại diện Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam không có bất cứ cam kết với quốc gia nào về việc mở cửa thị trường bán lẻ xăng dầu. Xăng dầu là mặt hàng trọng yếu nên việc này cần nhiều cấp quyết định. Đến nay Bộ chưa nhận được đơn xin cấp phép bán lẻ xăng dầu của bất cứ doanh nghiệp ngoại nào.

Theo Phạm Tuyên

Cùng chuyên mục
XEM