Nhiều doanh nghiệp bất động sản “lặn ngụp” trong khó khăn
Chỉ hai từ "ảm đạm" cũng đủ để miêu tả bức tranh kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bất động sản trong quý 1 năm 2019...
CII, Quốc Cường Gia Lai, Tasco, Phục Hưng Holdings đều là những công ty có tên tuổi trong ngành bất động sản - xây dựng. Song, không phải cứ lớn thì làm ăn luôn gặp thời, có lãi.
Kinh doanh khó khăn
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2019 của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (mã chứng khoán CII - HOSE), cho thấy, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ âm 5,5 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước vẫn lãi 2,2 tỷ đồng. Lý do được ban lãnh đạo CII giải trình là trong kỳ ghi nhận chi phí lãi vay tăng hơn 22 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, khi quý 1/2018, công ty ghi nhận lãi từ các công ty liên doanh, liên kết 2,6 tỷ đồng thì năm nay lỗ 2 tỷ đồng.
Mặt khác, trong quý 1/2019, công ty đã hoàn tất một số công đoạn trọng yếu nhưng theo chuẩn mực kế toán vẫn chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu và lợi nhuận nên việc hạch toán sẽ được thực hiện sang quý 2/2019.
Một cái tên mới nổi trong làng bất động sản - Công ty Cổ phần Tasco (mã chứng khoán HUT - HNX) cũng làm ăn thua lỗ trong quý 1 năm nay. Mặc dù doanh thu thuần tăng 4,7% lên 319 tỷ đồng song vẫn ghi nhận lỗ gần 13,7 tỷ đồng. Trong khi đó, mức tăng doanh thu của Tasco lại nhờ vào hợp đồng xây dựng tăng mạnh từ 17 tỷ đồng lên 141 tỷ đồng còn doanh thu từ hoạt động thu phí, kinh doanh bất động sản đều giảm. Riêng thu từ kinh doanh bất động sản giảm tới 68%.
Tại báo cáo thường niên mới công bố gần đây, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Tasco thừa nhận, hoạt động của Tasco trong năm qua gặp nhiều rủi ro khó lường, doanh thu sụt giảm trên tất cả các lĩnh vực. 3/5 trạm thu phí của Tasco không thu được phí, các dự án bất động sản vướng thủ tục pháp lý, chưa triển khai được đúng tiến độ như mong muốn; dự án thu phí tự động không dừng cũng gặp nhiều trở ngại từ chính sách… dẫn tới kết quả sản xuất kinh doanh không đạt so với kế hoạch.
Bên cạnh những doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, một số doanh nghiệp bất động sản khác cũng chưa thoát khỏi tình cảnh khó khăn.
Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán QCG - HOSE) vừa báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn tiếp tục lao dốc với lợi nhuận sau thuế đạt 5,5 tỷ đồng, giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm trước.
Gặp khó khăn với kinh doanh địa ốc, Quốc Cường Gia Lai liên tục đưa ra các quyết định nhằm thu hẹp lĩnh vực này như giảm vốn góp ở Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng; giải thể Công ty Cổ phần Bất động sản Hiệp Phát tại Tp.HCM do hoạt động không hiệu quả, chuyển nhượng vốn tại một số công ty bất động sản khác…
Tương tự, Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã chứng khoán PHC - HOSE) mới đây phải có văn bản giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi lợi nhuận sau thuế giảm so với quý trước. Cụ thể, doanh thu ghi nhận trong quý 1 của PHC này đạt 566 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 11,5 tỷ đồng, giảm 25%.
Bất động sản công nghiệp tiềm năng
Nhận định về tình hình kinh doanh khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là một dấu hiệu không tốt của thị trường bất động sản. Sự phát triển của các doanh nghiệp quá nóng và có dấu hiệu lệch pha giữa các phân khúc. Trong khi cầu nhiều ở phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội thì cung lại ít. Ngược lại, nhà ở cao cấp, nghỉ dưỡng, biệt thự cung đã vượt cầu.
Vì thế, thị trường rơi vào trạng thái hỗn độn. Chỉ cần cung cầu lệch một vài phân khúc cũng đủ để tác động đến cả thị trường.
Tuy vậy, ngành này vẫn luôn đón hiệu tâm lý tích cực từ các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê, 5 tháng qua, cả nước có 3.173 doanh nghiệp bất động sản được thành lập mới. Tức trung bình mỗi ngày có thêm 21 doanh nghiệp bất động sản ra đời. Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mới được thành lập tăng 21% so với năm 2018, mức tăng cao nhất so với các ngành nghề khác.
Không chỉ nhiều doanh nghiệp mới hình thành, lĩnh vực bất động sản cũng ghi nhận đà tăng từ nguồn vốn FDI. Tính đến ngày 20/5, nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản đạt 742,3 triệu USD, chiếm 11,5% nguồn vốn FDI vào Việt Nam, đứng thứ 2 lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài chỉ sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước và hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, nguồn vốn này là 1,38 tỷ USD, chiếm 8,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Giới chuyên gia cho rằng diễn biến này bình thường ở tất cả các lĩnh vực. Thị trường luôn luôn vận động, khi một doanh nghiệp có dấu hiệu thụt lùi, sa sút thì sẽ có một doanh nghiệp khác nhảy vào, tìm cơ hội sinh lời.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi mà chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cao trào, nhiều dòng vốn FDI tràn sang Việt Nam, thì so với các phân khúc khác, bất động sản công nghiệp trở thành khu vực có tiềm năng, an toàn và dễ kiếm lợi nhuận nhất.
Ông Nguyễn Trí Hiếu đưa ra khuyến nghị, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trước khi tham gia thị trường bất động sản nên có sự nghiên cứu, tối kỵ đầu tư theo tâm lý "bầy đàn". Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư phải được huy động một cách hợp lý, tránh trường hợp vốn đi vay, "tay không bắt giặc" dễ rơi vào tình trạng thua lỗ.
"Đặc biệt, đừng chỉ nhăm nhăm nhìn vào khu nào giá lên để nhảy ào ạt đầu tư sẽ sa lầy vào bẫy tay đầu cơ thổi giá và chịu rủi ro lớn", ông Hiếu đưa ra lời khuyên.