Nhiều điểm sáng cho tăng trưởng kinh tế cuối năm

27/08/2023 17:00 PM | Kinh doanh

Nền kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu "khỏe" hơn, chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu tiếp đà tăng trở lại, dòng vốn FDI cũng tăng trở lại sau nhiều tháng sụt giảm.

Đơn hàng trở lại, doanh nghiệp dần hồi phục

"Đơn hàng trở lại, doanh nghiệp dần hồi phục"- Bài viết trên báo Tiền phong cho hay, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp khu vực phía Nam đang dần khởi sắc. Với xuất khẩu gỗ, dệt may… nhiều khách hàng cũ đã nối lại liên lạc và đặt hàng. Công nhân vui mừng vì có nhiều việc làm.

Trong lĩnh vực đầu tư công, một giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng đã có những động thái quyết liệt khi Chính phủ đặt quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân năm năm nay đạt trên 95% kế hoạch. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để đạt được.

Theo đó, Chính phủ sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Việt Nam thăng hạng trong thu hút FDI

Theo báo Lao động kinh tế đang phục hồi, nhiều điểm sáng cho tăng trưởng cuối năm khi mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm nay. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng năm nay ở mức 6,5%. Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng sẽ ở mức 7% trong nửa cuối năm.

Nhận định từ các tổ chức quốc tế dần khẳng định từ thực tế rằng, Việt Nam đang vượt qua cơn gió ngược? Lấy dẫn chứng từ lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam không chỉ tăng vọt trong thu hút vốn, dòng vốn ngoại vào Việt Nam đa có nhiều cải thiện mạnh mẽ về chất trong nhiều năm trở lại đây.

Nhiều điểm sáng cho tăng trưởng kinh tế cuối năm - Ảnh 1.

Theo tờ Thanh niên, Việt Nam đã vượt Hàn Quốc, Chile, Đan Mạch… trong bảng xếp hạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong danh sách 30 quốc gia thu hút vốn nước ngoài nhiều nhất thế giới. Vốn ngoại vào Việt Nam đang có khuynh hướng tập trung vào các ngành nghề có hàm lượng chất xám cao như công nghiệp phần mềm, công nghiệp bán dẫn, điện tử tin học, dược phẩm, cơ khí chính xác.

Thời gian qua nhiều nhà đầu tư với các dự án bền vững, xanh hóa đã chọn Việt Nam để đầu tư. Chẳng hạn như Intel lắp đặt hệ thống điện mặt trời đầu tiên và duy nhất của Intel tại châu Á. Tập đoàn Lego xây nhà máy trung hòa carbon 1 tỷ USD hướng tới mục tiêu không phát thải khí Co2…

Tờ Đại đoàn kết bình luận sự chuyển hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài sang kinh tế xanh, hoặc chuyển giao công nghệ được coi là xu hướng kinh tế tích cực. Để chọn lọc FDI xanh, phát triển bền vững, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, cần xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến, có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài.

Xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững

Hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0 (Net zero) đã là yêu cầu của phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Lợi thế của những doanh nghiệp đang tích cực chuyển dịch xanh sẽ ngày càng trở nên rõ ràng hơn nếu muốn tham gia thị trường toàn cầu. Việt Nam xuất khẩu nhiều sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… là các thị trường đều đỏi hỏi doanh nghiệp phải cắt giảm phát thải.

Bài học rõ nhất là sự chuẩn bị của Bangladesh. Ngành dệt may nước này đã làm bất ngờ khiến dệt may Việt Nam mất không ít cơ hội vì nhiều doanh nghiệp của Việt Nam chưa áp dụng chứng chỉ xanh.

Nhiều điểm sáng cho tăng trưởng kinh tế cuối năm - Ảnh 2.

Theo tờ Diễn đàn doanh nghiệp, với cơ cấu hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam thì việc chuyển đổi trong cộng đồng doanh nghiệp sẽ có nhiều thách thức. Tuy nhiên, với các sức ép từ sự thay đổi trong hành lang pháp lý, yêu cầu từ người tiêu dùng, các nhà đầu tư, thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ buộc mình phải thay đổi để thích ứng tốt hơn trong bối cảnh mới hiện nay.

Các tiêu chuẩn về doanh thu, lợi nhuận, lợi ích cổ đông hay những con số tài chính không còn là thước đo duy nhất cho thành công của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải nắm bắt được những xu hướng kinh doanh bền vững của thế giới đó là chuyển dịch từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn; lồng ghép vấn đề tự nhiên và đa dạng sinh học vào các mục tiêu về khí hậu.

Theo Ban thời sự

Cùng chuyên mục
XEM