Nhảy việc thất bại, làm sao quay về “chốn cũ”

08/10/2020 19:30 PM | Kinh doanh

Điều này nghe có vẻ "điên rồ", vì chúng ta đã ra đi trong tư thế kiêu hãnh thế kia, giờ quay lại chẳng khác nào một tướng bại trận?

Nhảy việc là một phần tất yếu của hành trình sự nghiệp của mỗi người. Mọi người nhảy việc và bắt đầu cho mình một tương lai mới. Thế nhưng không phải ai cũng may mắn tìm được một bến đỗ tốt. Điều gì sẽ xảy ra nếu công việc mới không như mong đợi và bạn muốn quay lại công việc cũ?

Nếu thế, trước hết bạn phải đặt ra cho bản thân những câu hỏi tương tự dưới đây để đảm bảo rằng quay lại là sự lựa chọn đúng đắn.

Bạn có nên quay lại?

Các đôi trẻ yêu nhau hiện nay cứ chia tay rồi quay lại, quay lại rồi chia tay nhưng cuối cùng vẫn đường ai nấy đi, bởi vì họ chưa tìm được điểm chung cũng như xác nhận lý do rõ ràng để quay lại. Vấn đề của bạn cũng giống vậy đó.

Trước khi đưa ra câu trả lời cuối cùng, bạn nên liệt kê ra tất tần tật lí do tại sao bạn lại nhảy việc, rời bỏ công việc mới và lý do tại sao bạn lại muốn trở về công việc cũ, lợi ích bạn có thể đem lại nếu công ty chấp nhận bạn thêm lần nữa vì đây là vấn đề khá quan trọng nên cần phải đầu tư không chỉ về thời gian mà còn về mặt tinh thần.

Liệu công ty cũ sẽ "dang rộng cánh tay" đón bạn về?

Đừng bao giờ thỏa mãn bản thân bằng những tư tưởng "công ty sẽ nhận lại bạn" cho dù bạn có là một nhân viên xuất sắc đi chăng nữa. Bạn là người quyết định "nói lời chia tay" trước và họ cũng không biết được liệu bạn có ra đi thêm lần nữa hay không nếu họ cho bạn thêm cơ hội khác. Mặt khác, vị trí của bạn có lẽ đã có người mới, hoặc nếu chưa, công ty cũ của bạn cũng sẽ muốn tìm kiếm một nhân sự mới hơn là tiếp tục mối tình với "người cũ".

Vậy bí kíp nào giúp bạn "cưa đổ" lại công ty cũ một lần nữa?

Nghỉ việc "có tâm"

Nhiều người có tâm lý sắp nhảy việc rồi nên không cần xây dựng hình tượng nhân viên gương mẫu nữa, vắng mặt liên tục, làm việc không tập trung và thành quả không tốt như xưa. Tuy nhiên đây là một quan niệm vô cùng sai lầm. Ấn tượng lúc nghỉ việc cũng quan trọng không kém ấn tượng  lúc bạn mới vô làm, bạn đã gầy công tạo một ấn tượng tốt đẹp trong lúc đi làm rồi thì đừng để những ngày cuối cùng hủy hoại cả một quá trình của bạn nhé.

Hãy là người ra đi "có tâm" nhất có thể, ví dụ như làm việc tận tâm cho tới ngày cuối cùng, đào tạo và huấn luyện lại cho người mới sắp thay thế mình, hoặc một vài cử chỉ như viết thư tạm biệt đồng nghiệp. Điều đó khiến bạn được đánh giá cao hơn vì luôn giữ được tác phong làm việc chuyên nghiệp đến giờ phút cuối cùng và giúp bạn duy trì mốt quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp cũ, nhân sự và ban lãnh đạo.

Nhảy việc thất bại, làm sao quay về “chốn cũ” - Ảnh 1.

"Chia tay" không có nghĩa là chấm dứt hết tất cả

Như đã đề cập bên trên, việc cắt đứt hết các mối quan hệ bạn bè với "người yêu cũ" không giúp bạn trở nên tốt hơn. Hãy giữ liên lạc với đồng nghiệp đã từng làm việc chung vì họ sẽ đóng vai trò cầu nối giữa bạn và công ty cũ, giúp bạn để mắt tới các vị trí tiềm năng. Mối quan hệ càng vững chắc, thì cơ hội quay về càng lớn.

Quay lại "có tâm"

Hãy đảm bảo rằng đây là quyết định của bạn và đừng bao giờ có suy nghĩ quay lại chỉ là biện pháp nhất thời trong khi bạn chưa tìm được công việc mới. Bạn nên chứng minh cho mọi người thấy rằng dù có ra đi hay quay lại, bạn vẫn là người nhiệt huyết, đam mê trong công việc, thậm chí bạn có khả năng tìm được một công việc mới ở công ty khác, nhưng bạn vẫn muốn quay về để cống hiến. Vì trong quá trình bạn làm việc tại môi trường mới, biết đâu bạn lại có ý tưởng mới cho những dự án dang dở ở công ty cũ và đây là những "át chủ bài" giúp bạn thuyết phục công ty cũ cho bạn thêm cơ hội.

Ngoài ra, bạn cần phải chuẩn bị tâm lý đối mặt với những lý do mà bạn đã dùng để ra đi, vì đây có lẽ là câu trả lời mà nhà tuyển dụng muốn nghe nhất từ bạn.

Chủ động đưa ra lời đề nghị

Nếu bạn đã quyết định quay về với vị trí cũ, bạn nên chủ động liên hệ với quản lý hoặc nhân sự – người chịu trách nhiệm tuyển dụng chính. Chủ động lên lịch một buổi gặp mặt trực tiếp bằng cách gọi điện thoại hoặc gửi thư nói về vấn đề này và tuyệt đối không nên nhờ đồng nghiệp mở lời giúp cho mình.

Luôn có cho bản thân phương án B

Quay trở về công ty cũ không phải là sự lựa chọn duy nhất, bạn nên chuẩn bị cho bản thân một hay hai kế hoạch khác trong trường hợp bạn không được tuyển dụng lại. Bạn cũng có thể dành thời gian này để nghỉ ngơi hoặc cân nhắc một ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh cho bản thân.

(Theo HR Insider)

PV

Cùng chuyên mục
XEM