Nhật Bản: Quốc gia Châu Á hiếm hoi không ăn mừng Tết Nguyên Đán
Nói cho chính xác hơn, Tết Nguyên Đán không phải quốc lễ tại Nhật khi người dân vẫn phải đi làm, hàng quán và doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường.
Tết Nguyên Đán là một trong những dịp lễ quan trọng tại Châu Á khi phần lớn các quốc gia đều coi đây là ngày lễ lớn nhất năm. Chúng được gọi bằng rất nhiều cái tên qua từng nước, như Lễ hội mùa xuân tại Trung Quốc, Seollal tại Hàn Quốc hay Tsaagan Sar tại Mông Cổ. Thậm chí ngay cả những quốc gia đạo Hồi như Indonesia hay Malaysia cũng dành lượng ngày nghỉ nhất định cho Tết Nguyên Đán.
Dẫu vậy, Nhật Bản lại là một trong những nước hiếm hoi ở Châu Á chẳng mấy quan tâm đến dịp lễ này. Vậy tại sao Tết Nguyên Đán lại không phải ngày lễ quan trọng nhất năm của người Nhật?
Bắn pháo hoa vào năm mới Dương lịch tại vịnh Tokyo
Tết Nguyên Đán từng là ngày lễ quan trọng nhất năm của Nhật
Hệ thống lịch âm của Trung Quốc được giới thiệu vào Nhật Bản từ thế kỷ thứ 6 và nó trở thành hệ thống thời gian chính được người dân nước này sử dụng cho đến năm 1873. Trong khoảng thời gian này, Tết Nguyên Đán vẫn là ngày lễ quan trọng nhất năm đối với người Nhật, tương tự như Trung Quốc và nhiều nước Châu Á khác. Theo hệ thống âm lịch, các nước kỷ niệm Tết Nguyên Đán vào ngày trăng tròn thứ 2 sau đông chí.
Tuy nhiên vào năm 1873, cuộc cải cách Minh trị đã khiến Nhật Bản sử dụng lịch Công giáo cho phù hợp với văn hóa Phương Tây. Vào thời điểm đó, giới tinh hoa Nhật cho rằng văn hóa của phương Đông kém hơn Phương Tây, qua đó kìm hãm sự phát triển của Nhật Bản và đáng bị loại bỏ.
Trớ trêu thay, đáng lẽ phải tính toán cẩn thận khi sử dụng lịch mới để tính đúng ngày thì chính phủ Nhật lại áp thẳng Công lịch đè lên âm lịch, nghĩa là người dân sẽ phải ăn mừng năm mới theo lịch mới và loại bỏ hoàn toàn âm lịch.
Trong sự kiện đó, chính phủ Nhật chỉ dành chưa đến 1 tháng chuẩn bị kể từ lúc tuyên bố cho đến khi thực sự chuyển sang dùng Công lịch. Sự vội vàng này khiến Nhật Bản có một cái Tết trớ trêu bởi chúng chênh lệch hơn 1 tháng so với những quốc gia Châu Á khác.
Trái ngược lại, Trung Quốc sử dụng hệ thống lịch song song kể từ năm 1912 khi Công lịch được dùng cho mọi sự kiện ngoại trừ việc tính toán lễ tết. Hiện nay, hàng loạt khu vực từ Trung Quốc, Đài Loan, Singapore cho đến Việt Nam đều dùng hệ thống lịch song song này. Riêng Nhật Bản lại nằm ngoài khi họ dùng Công lịch thay thế hoàn toàn cho âm lịch.
Theo những tài liệu ghi lại, sự thay đổi bất ngờ thời Minh trị đã khiến người dân không kịp trở tay bởi "năm mới" đến sớm hơn 1 tháng so với hệ thống lịch cũ. Trong nhật ký của nhà văn Asano Baido (1816-1880), người Nhật thời kỳ đó không kịp chuẩn bị món bánh gạo truyền thống cho năm mới và phải mua chúng từ cửa hàng. Nhiều nghi lễ truyền thống cũng không kịp thực hiện do người dân đã quen với hệ thống âm lịch.
Ban đầu, sự thay đổi hệ thống lịch này vấp phải rất nhiều sự phản đối từ tầng lớp bình dân. Tại các vùng nông thôn Nhật Bản thời kỳ đó, mọi người vẫn ăn Tết theo lịch cũ cho đến tận thập niên 1900.
Mặc dù vậy, sự phát triển cũng như quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa cùng với chiến tranh đã làm mờ đi âm lịch cùng Tết Nguyên Đán trong lòng người Nhật. Ngoài ra việc phát hành lịch là độc quyền của công ty quốc doanh Nhật cho đến tận năm 1946, bởi vậy người dân dần quen dùng lịch dương so với lịch âm.
Dấu vết còn sót lại
Đánh giá về giai đoạn đó, nhiều nhà sử học cho rằng Nhật Bản cấp thiết Tây hóa là điều khó tránh khỏi nếu họ không muốn bị trở thành thuộc địa. Tuy nhiên sự phát triển cấp tốc dù đem lại thịnh vượng nhưng lại giết chết nhiều văn hóa truyền thống lâu đời.
Giờ đây, ngày lễ nổi tiếng năm mới (Oshogatsu) tại Nhật Bản tính theo Công lịch và việc chuẩn bị cho ngày Tết này được bắt đầu từ vài tuần trước đó trong tháng 12 dương. Mọi người dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị thức ăn truyền thống, viết thiệp chúc mừng, doanh nghiệp đóng cửa vài ngày... tất cả là cho Tết dương lịch.
Trong khi đó, những quốc gia Châu Á khác chỉ ăn mừng ngày lễ Tết Nguyên Đán lớn nhất trong năm sau đó 1-2 tháng, khi mà hoạt động lễ tết tại Nhật Bản đã chấm dứt từ lâu.
Tuy nhiên, du khách vẫn có thể tìm kiếm được dấu vết Tết Nguyên Đán ở Nhật. Những khu phố Tàu vẫn kỷ niệm ngày Tết truyền thống này trong khi một số thị trấn ở Okinawa hay các vùng đảo nhỏ miền Nam Nhật Bản vẫn kỷ niệm Tết Nguyên Đán.
Tất nhiên, Tết Nguyên Đán không phải quốc lễ nên mọi người vẫn phải đi làm, hàng quán vẫn hoạt động bình thường. Bởi vậy, rất nhiều du khách cảm thấy bất ngờ khi dịp Tết Nguyên Đán lại chẳng có gì khác mấy trong cuộc sống của người dân Nhật.