Nhật Bản đang vội vàng chuyển hướng sang tiền số do người dân quá yêu tiền mặt
Năm 2017, chính quyền Tokyo đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi số giao dịch phi tiền mặt trong vòng 10 năm lên 40%, một động thái nằm trong chiến lược "xã hội 5.0" nhằm nâng cao sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Mới đây, thông tin chính phủ Nhật Bản đã hoàn thành sơ bộ hướng dẫn cho việc gọi vốn bằng tiền số (ICO), đi ngược lại với các nước láng giềng không khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên. Chính việc người dân đất nước mặt trời mọc này quá mê tiền mặt trong nhiều năm đã khiến chính quyền Tokyo phải có những biện pháp nhằm thay đổi tình hình.
Ngoài việc nhắm vào tiền ảo, các ngân hàng thương mại Nhật giờ đây cũng tăng cường nghiệp vụ thanh toán trực tuyến. Trong vài tháng trở lại đây, các ngân hàng trên khắp đất nước đã công bố hàng loạt những dịch vụ mới liên quan đến thanh toán điện tử, một thị trường có tổng trị giá 50 tỷ USD. Hàng loạt những sản phẩm liên quan đến mã QR, hệ thống Blockchain hay tiền ảo được các ngân hàng Nhật đưa ra.
Tháng trước, hàng loạt ngân hàng đã đệ trình bản dự thảo chính sách lên chính phủ, cho phép các công ty công nghệ truy cập hệ thống dữ liệu ngân hàng để thực hiện các dịch vụ, từ thanh toán đến lên kế hoạch tài chính.
Tỷ lệ ứng dụng công nghệ của ngành ngân hàng Nhật thấp hơn rất nhiều nước
Sự thay đổi của ngành ngân hàng Nhật Bản là tất yếu khi tỷ lệ ứng dụng công nghệ trong tài chính tại nước này đang khá thấp so với nhiều nước, thậm chí còn không bằng Nam Phi hay Mexico.
Ngoài ra, việc người Nhật coi trọng sự riêng tư cũng như không muốn bị người khác coi thường đang khiến nhiều ngành kinh doanh như tín dụng ngân hàng, bảo hiểm… gặp khó khăn. Với sự thay đổi này, các ngân hàng có thể truy cập được dữ liệu tiêu dùng, qua đó cung cấp nhiều dịch vụ tài chính hơn cũng như thúc đẩy được đầu tư.
Trước đây, các ngân hàng Nhật khá chậm chân trong ngành công nghệ tài chính đã khiến nhiều đối thủ vượt trước. Hệ thống Alipay của Alibaba đã triển khai thanh toán điện tử bằng mã QR ở Nhật Bản từ năm 2015, nhắm đến lượng khách du lịch khổng lồ đổ về đây hàng năm. Hãng tàu hỏa East Japan Railway Co cùng hãng bán lẻ Seven & I Holding thì triển khai thẻ tín dụng trả trước tại các quầy thanh toán. Năm 2016, thậm chí Apple cũng đã phát triển hệ thống thanh toán trả trước trên iPhone ở Nhật.
Năm 2017, chính quyền Tokyo đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi số giao dịch phi tiền mặt trong vòng 10 năm lên 40%, một động thái nằm trong chiến lược "xã hội 5.0" nhằm nâng cao sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Theo ước tính của Mizuho, việc không sử dụng tiền mặt có thể giúp các ngân hàng Nhật tiết kiệm được 1 nghìn tỷ Yên (9,4 tỷ USD) mỗi năm.
Mặc dù vậy, các ngân hàng Nhật đã sẵn sàng làm việc với những công ty công nghệ cho dịch vụ mới nhưng họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thói quen dùng tiền mặt của đất nước mê tiền mặt nhất thế giới không dễ thay đổi. Số liệu của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) cho thấy giao dịch tiền mặt chiếm tới 20% GDP Nhật Bản, đứng đầu toàn cầu.
Tỷ lệ sử dụng tiền mặt tại Nhật thuộc hàng cao nhất thế giới
Ngân hàng trung ương Nhật (BOJ) cho biết đà tăng trưởng của tiền ảo cũng như mảng công nghệ tài chính tại đây đã bị chậm lại trước các khó khăn. Giao dịch trực tuyến tại Nhật đã tăng trưởng với 2 con số trong nhiều năm thì chỉ tăng 1% lên 5,2 nghìn tỷ Yên vào năm 2017. Mua bán trực tuyến tại Nhật cũng giảm xuống 4,5%.
Để đạt được mục tiêu, chính phủ Nhật cần đầu tư một hệ thống toàn diện, từ người tiêu dùng, cửa hàng bán lẻ cho đến hệ thống phân phối, hậu cần, sản xuất… Toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng cần được điều chỉnh để thúc đẩy hiệu quả việc hạn chế tiêu thụ tiền mặt.
Theo giám đốc mảng tài chính Kaori Nishizawa của Fitch Rating chi nhánh Tokyo, việc các ngân hàng chỉ đơn thuần ganh đua nhau về dịch vụ công nghệ tài chính mà thiếu sự phối hợp đồng bộ của toàn thể ban ngành cuối cùng sẽ chẳng dẫn đến đâu với thói quen tiêu tiền mặt của người Nhật.