Sau hơn 5 năm áp dụng chính sách Abenomics, Nhật Bản giờ ra sao?

02/04/2018 17:19 PM | Xã hội

Đã hơn 5 năm trôi qua kể từ khi thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thắng cử và khởi động “Abenomics”, một gói kinh tế vĩ mô dựa trên “3 mũi tên” bao gồm nới lỏng tiền tệ, kích thích tài chính và cải cách cơ cấu. Tính tới thời điểm hiện tại, liệu Abenomics có được coi là một chính sách thành công của chính phủ Nhật Bản?

Theo The Economist, sau 5 năm thi hành chính sách Abenomics, tiền tệ của Nhật Bản đã mất giá khoảng 30% so với tháng 11/2012 và chỉ số Nikkei 225 đã tăng hơn 150%. Điều này đã tạo ra một số kích thích kinh tế nhất định, và GDP của Nhật Bản đã tăng trưởng trong 7 quý liên tiếp, đợt tăng trưởng liên tục dài nhất trong vòng 16 năm qua.

Xuất khẩu đã đóng góp rất nhiều cho kết quả tích cực này. Ngoài ra, đầu tư tư nhân cũng đã tăng hơn 18% trong 5 năm qua. Hơn 2,7 triệu việc làm đã được tạo ra, bất chấp xu hướng nhân khẩu học không thuận lợi (dân số già, tỷ lệ sinh thấp).

Tuy nhiên, tình hình lạm phát chưa được cải thiện: Giá tiêu dùng (trừ thực phẩm tươi sống) chỉ tăng 0,7%/năm tính đến tháng 9/2017.

Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là tiền lương đã không tăng nhanh như mong đợi, một phần là do trong thực tế, phần lớn lao động Nhật Bản làm việc cố định và tiền lương của họ chủ yếu thay đổi theo chi phí sinh hoạt.

Nguyên nhân thứ hai là sự gia tăng lực lượng lao động, khi ngày càng nhiều phụ nữ, đàn ông lớn tuổi và cả lao động nước ngoài tham gia vào thị trường. Thêm vào đó, ở một số lĩnh vực nơi chi phí lao động tăng lên, một số công ty sẽ tìm cách để tăng năng suất thay vì tăng giá bằng cách đầu tư vào các công nghệ giúp tiết kiệm sức lao động.

Sau hơn 5 năm áp dụng chính sách Abenomics, Nhật Bản giờ ra sao? - Ảnh 1.

GDP của Nhật Bản kể từ khi ông Shinzo Abe thắng cử (Nguồn: Economist.com)

Scott Sumner của The Money Illusion đồng ý rằng tác động quan trọng nhất của Abenomics là lên GDP danh nghĩa, vốn có xu hướng đi xuống trước khi ông Abe đắc cử. Theo lý thuyết về tiền tệ thị trường, GDP danh nghĩa mạnh có thể hữu ích trong giải quyết hai vấn đề: gánh nặng nợ quá mức và tỷ lệ thất nghiệp theo chu kỳ cao.

Abenomics đã rất thành công trên cả hai phương diện. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 2,7%, mức thấp nhất trong 23 năm qua; và tỷ lệ nợ công so với GDP đã ổn định, sau khi tăng vọt ở mức nguy hiểm trong những thập kỷ gần đây. Giá cả đã tăng trong 5 năm trở lại đây, và chắc chắn tác động tích cực hơn giảm phát trước khi khởi động Abenomics, nhưng vẫn thấp hơn 2% so với mức mục tiêu đề ra.

Sumner cũng cho rằng mức lạm phát 1% là quá thấp và Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) nên nới lỏng chính sách tiền tệ vì hai lý do. Thứ nhất, Nhật Bản đã đặt ra mục tiêu lạm phát là 2% và một khi mục tiêu lạm phát chính thức được đặt ra, nó cần được đánh giá là một chính sách tiền tệ đáng tin cậy. Thứ hai, theo Sumner, BOJ đã sai lầm khi coi lãi suất là một công cụ chính sách, vì mức lạm phát 2% ở Nhật có thể không đủ cao để tránh mức lãi suất âm trong thời kỳ suy thoái.

Do đó, dù Nhật Bản không cần kích thích tiền tệ ở thời điểm hiện tại, nhưng BOJ vẫn nên áp dụng các biện pháp kích thích tiền tệ vì nếu không làm như vậy, Nhật Bản có thể rơi vào khủng hoảng kinh tế khi BOJ đánh mất sự tín nhiệm.

Sau hơn 5 năm áp dụng chính sách Abenomics, Nhật Bản giờ ra sao? - Ảnh 2.

CPI của tất cả các sản phẩm tại Nhật Bản (Nguồn: The Money Illusion)

Trong khi đó, Erik Norland của CME Group cho rằng Abenomics là một chính sách đang trong quá trình hoàn thiện. Nền kinh tế Nhật Bản đã được cải thiện kể từ năm 2012, nhưng đã chững lại kể từ đầu năm 2015. Thử nghiệm của BOJ để giải quyết lãi suất âm ngắn hạn dường như chưa thành công. Khoảng một nửa mức tăng lạm phát tạm thời 2013 – 2014 là do tăng thuế VAT từ 5% lên 8%.

Một vấn đề khác đã không được đề cập đến trong quá trình tranh cử của ông Abe là vấn đề năng lượng hạt nhân. Chính phủ của ông Abe đã cho phép sự quay trở lại một phần của hạt nhân. Điều này sẽ hạn chế được mức thâm hụt ngân sách của Nhật Bản và làm dịu nhu cầu gia tăng về dầu thô và khí đốt tự nhiên.

Ngoài ra, Nhật Bản hiện đang hưởng lợi từ bối cảnh quốc tế thuận lợi với sự tăng trưởng đồng bộ toàn cầu kể từ năm 2007. Tuy nhiên, Trung Quốc tiềm ẩn một nguy cơ lớn đối với Nhật Bản, khi 25% xuất khẩu của quốc gia này là sang Trung Quốc hoặc Hồng Kông, và cả 2 đều đang mang trên mình những khoản nợ khổng lồ. Norland cho rằng mức nợ cao của chính Nhật Bản sẽ có thể khiến quốc gia này phải giữ mức lãi suất ngắn hạn thấp trong nhiều năm tới, bất chấp tình hình kinh tế đã được cải thiện.

Sau hơn 5 năm áp dụng chính sách Abenomics, Nhật Bản giờ ra sao? - Ảnh 3.

 Lechevalier và Monfort lại cho rằng các chính sách chủ động trong gói kinh tế Abenomics đã đóng một vai trò quyết định trong việc đảo ngược một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng suy thoái kinh tế ở Nhật Bản – các chính sách kinh tế không nhất quán – và chúng đang mang lại những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, kết quả sau 5 năm chưa đạt được mục tiêu đã đề ra, đặc biệt là về giá cả và tăng trưởng GDP. Hai chuyên gia này chỉ trích các vấn đề dài hạn gay gắt hơn, cho rằng Abenomics có thể thất bại do không có khả năng xác định rõ mô hình tăng trưởng kinh tế cho Nhật Bản trong vòng 20 năm tới.

Tương tự như quan điểm trên, Shaori Shibata cũng cho rằng Abenomics không thể giải quyết được được vấn đề dài hạn về nhu cầu thấp của Nhật Bản, đặc biệt là về tiêu dùng cá nhân. Mặc dù Abenomics có tiềm năng (ít nhất là từ ngắn hạn đến trung hạn) cải thiện khả năng sinh lợi của các doanh nghiệp Nhật, nhưng nếu chính phủ không có những động thái để phân phối lại tài sản của công ty sang lao động, thì Abenomics cũng là một mối nguy đối với tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong tương lai.

Theo Heizo Takenaka, nền kinh tế Nhật Bản đã được cải thiện rõ rệt, nhưng một số thách thức vẫn còn tồn đọng. Những nỗ lực để củng cố và phục hồi tài chính của các nền kinh tế khu vực vẫn còn chậm; sự chênh lệch về mức tăng thu nhập chưa được giải quyết. Bất chấp cải thiện kinh tế, vị thế cạnh tranh của Nhật Bản trên thế giới ngày càng đi xuống, và xếp hạng của các trường đại học tại Nhật Bạn tiếp tục xuống dốc.

Nhìn chung, Abenomics đã phục hồi đáng kể nền kinh tế, nhưng, nó vẫn chưa đủ để đối phó với những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra ở phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, với việc mạnh dạn áp dụng Abenomics, Takenaka dự đoán rằng chính quyền Nhật Bản sẽ còn bắt tay vào cải cách kinh tế thậm chí còn mang tính táo bạo hơn cho các thế hệ tương lai.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM