Nhật Bản: Bị đòi tiền bản quyền âm nhạc vô lý, các trường học thu thập 10.000 chữ ký đòi kiện ngược lại "Hiệp hội bản quyền tác giả"

25/05/2017 07:35 AM | Xã hội

Mới đây, một nhóm các trường đào tạo âm nhạc tư nhân tại Nhật Bản cho biết sẽ kiện Hiệp hội bản quyền tác giả (JASRAC) vì buộc họ phải thanh toán phí bản quyền âm nhạc sử dụng để dạy trong trường học tính từ tháng 1 năm nay.

Theo tờ Japantimes, nhóm những trường tư nhân này sẽ khởi kiện lên tòa án Tokyo vào tháng 7 tới đây.

Đây là một trường hợp hy hữu tại Nhật Bản khi hiệp hội tác quyền JASRAC bị kiện ngược bởi chính những người bị buộc phải trả tiền bản quyền. Vào tháng 2/2017, JASRAC đã yêu cầu vài trăm trường dạy nhạc tư nhân phải nộp tiền bản quyền cho những bản nhạc họ dạy trên các lớp học.

Cụ thể, JASRAC cho rằng những bản nhạc chơi bằng nhạc cụ khi dạy học vi phạm Điều 22 Luật bản quyền, quy định các nhà soạn nhạc có toàn quyền với tác phẩm của mình và những người sử dụng phải xin phép hoặc trả tiền bản quyền.

Hiện JASRAC đang trình bản dự thảo sửa đổi luật bản quyền, theo đó họ có thể thu 2,5% phí bản quyền hàng năm đối với các trường dạy nhạc như một kiểu ưu đãi. Tuy nhiên, nhóm những ngôi trường dạy nhạc này cho rằng việc biểu diễn nhạc cụ trong lớp học không vi phạm các quy định của Điều 22.

(bài tối) Không riêng Việt Nam, Nhật Bản cũng đang đau đầu vì chuyện bản quyền âm nhạc - Ảnh 1.

Trước văn bản của JASRAC, khoảng 350 thành viên của các ngôi trường dạy nhạc đã đi thu thập khoảng 10.000 chữ ký nhằm yêu cầu JASRAC ngừng kế hoạch trên. Theo dự kiến, JASRAC sẽ đệ trình bản kế hoạch sửa đổi luật bản quyền lên chính phủ vào tháng 7 tới. Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu công ty âm nhạc sẽ tham gia vảo cuộc chiến phản đối trên.

“Chúng tôi muốn tòa án chấp nhận rằng việc dạy âm nhạc tại các trường học không cần đến sự quản hạt của JASRAC”, đại diện nhóm những trường dạy nhạc tư nhân cho biết.

Phía những ngôi trường dạy nhạc cũng lo ngại rằng động thái của JASRAC khiến các sinh viên theo học lo ngại và ảnh hưởng đến chương trình giảng dạy khi học phí sẽ phải tăng nếu họ buộc phải đóng phí bản quyền.

Tổ chức Yamaha Music Foundation (YMF) là một trong những tổ chức tham gia kiện JASRAC. Họ có khoảng 3.300 trường dạy nhạc trên toàn quốc với 390.000 sinh viên, bao gồm 280.000 trẻ em.

Theo YMF, mục đích chính của việc biểu diễn các nhạc cụ ở những trường học là để giáo dục chứ không phải biểu diễn hay thu lợi nhuận. Do đó, việc JASRAC muốn thu phí bản quyền là điều bất hợp lý.

Dẫu vậy, phía JASRAC lại không đồng ý với quan điểm trên khi cho rằng các trường học đang tự do dùng những tác phẩm có bản quyền một cách thiếu kiểm soát. Theo đó, JASRAC cho biết các trường dạy nhạc đang nhầm lẫn giữa quyền biểu diễn và quyền sử dụng tác phẩm trước công chúng.

(bài tối) Không riêng Việt Nam, Nhật Bản cũng đang đau đầu vì chuyện bản quyền âm nhạc - Ảnh 2.

Cụ thể, luật pháp Nhật không quy định cụ thể quyền biểu diễn âm nhạc phải trả phí như thế nào nhưng rõ ràng chúng không ám chỉ riêng những buổi hòa nhạc mà còn bao gồm các hoạt động khác.

“Theo quan điểm của chúng tôi, luật bản quyền nên được áp dụng cho tất cả các loại hình sử dụng có liên quan đến kinh doanh. Những tổ chức như YMF hay JASRAC đều có cùng mục đích là phát triển văn hóa và chúng tôi lấy làm tiếc rằng việc thu phí bản quyền bị hiểu nhầm thành động thái thu lời cho các tác giả”, đại diện JASRAC nói.

Phía JASRAC cũng cho biết họ đã chuẩn bị bản thỏa thuận sao cho hợp lý và thuận tiện nhất đối với những trường dạy nhạc như trên. Theo đó các trường học này có thể thanh toán theo số tác phẩm sử dụng, theo tháng hoặc nộp theo năm tùy ý.

Được thành lập từ năm 1939, JASRAC là hiệp hội bản quyền lớn nhất tại Nhật Bản và từ lâu tổ chức này đã bị chỉ trích vì can thiệp quá sâu vào nhiều hoạt động để thu phí bản quyền.

Mới đây, nhiều cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng bất ngờ nhận được công văn của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc. Thông tin này đã làm dấy lên những tranh cãi xung quanh chuyện đúng sai của thu phí bản quyền.

BT

Cùng chuyên mục
XEM