'Nhật Bản B' - lời cảnh báo từ một nền kinh tế đang già đi

22/09/2019 09:41 AM | Xã hội

Kinh tế Nhật về cơ bản có chia thành hai khu vực. Nhật Bản A, một hành lang kinh tế công nghiệp trải dài từ Tokyo đến Osaka, và Nhật Bản B, gồm các thành phố và thị trấn nhỏ đang "chết dần chết mòn".

Tại Nhật Bản A, trải dài gần 500 km từ thủ đô Tokyo đến thành phố Osaka, bạn có thể dễ dàng tìm thấy các loại hình kinh doanh hiện đại bậc nhất cũng như những doanh nghiệp, doanh nhân có nổi tiếng trên thế giới.

Trong khi đó, Nhật Bản B bao gồm các thành phố và thị trấn nhỏ đang "chết dần chết mòn" vì phần lớn người dân ở đây đã đổ dồn về khu vực A để tìm kiếm cơ hội đổi đời.

Dân số sụt giảm, già hóa... là những vấn đề hoàn toàn có thể được dự báo tại các quốc gia phát triển trên thế giới. Những thực trạng này đang diễn ra tại Nhật Bản với tốc độ "chóng mặt", dấy lên hàng loạt cảnh báo cho những nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới.

Một cửa hàng nhỏ có tên Misekko Asaminai nằm tại Akita, thành phố sâu trong khu vực B. Cửa hàng này không chỉ đơn thuần bán tạp hóa, đây còn là nơi gặp gỡ của những người sống xa trung tâm thành phố. Họ thường đến đây để mua các mặt hàng cần thiết phục vụ cuộc sống. Vào ngày thứ Năm trong tuần, họ sẽ tổ chức hát đồng ca.

Cửa hàng này được khai trương 3 năm về trước dưới sự tài trợ đến từ chính phủ Nhật, nhằm đương đầu với vấn nạn dân số giảm cũng như tốc độ già hóa dân số tại các vùng nông thôn của quốc gia này. Người dân tại đây gặp nhiều khó khăn trong việc "bắt nhịp" với cuộc sống hiện đại, nhất là dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các loại hàng hóa phục vụ cuộc sống hàng ngày.

Tỷ lệ người dân từ 65 tuổi trở lên ở Nhật

Mô hình này được xây dựng lên nhằm giúp đỡ những người cao tuổi như bà Etsuko Kudo, 66 tuổi, đồng thời là một nhân viên rất đặc biệt của cửa hàng. Giống như những người đồng niên, bà cảm thấy sợ hãi khi nghĩ về tương lai, khi bản thân không thể tự lái xe đi làm, tự đến phòng khám và đi thăm bạn bè nữa.


"Giờ thì tôi cảm thấy khá ổn", bà cho biết. "Nhưng tôi cảm thấy lo lắng về tương lai của mình".

Dân số khu vực nông thôn tại Nhật Bản được dự đoán sụt giảm 17% trong vòng 12 năm, từ năm 2018 đến năm 2030, theo dữ liệu từ Liên Hợp Quốc. Sau khoảng thời gian đó, tình trạng này thậm chí còn có thể diễn biến tệ hơn với tốc độ sụt giảm lên đến 2%/năm trong những năm 2030.

Trong khi đó, tại Mỹ, tỷ lệ sụt giảm dân số nông thôn bình quân ở mức 7,4% trong cùng thời kỳ, nhưng tốc độ tại các khu vực cụ thể như Đại bình nguyên Bắc Mỹ và Trung Tây có thể cao hơn.

Dân số tại khu vực nông thôn của Đức trong giai đoạn kể trên cũng chứng kiến mức giảm 7,3%, trong khi ở Italia, con số này là 15%.

Tính đến những năm 2040, tình trạng sụt giảm dân số tại vùng nông thôn Nhật Bản sẽ vượt qua hầu hết các quốc gia trên thế giới, chỉ đứng sau Bulgaria và Albania. Một số chuyên gia dự đoán rằng hàng trăm các thành phố và thị trấn nằm trong khu vực này có nguy cơ bị bỏ hoang. Nhiều nơi khác cũng sẽ không thể đáp ứng đủ các điều kiện sống cho con người, nếu đối chiếu với các tiêu chuẩn hiện tại.

Nhật Bản B - lời cảnh báo từ một nền kinh tế đang già đi - Ảnh 2.
Tỷ lệ sụt giảm dân số vùng nông thôn ước tính tại một số nền kinh tế giai đoạn 2018 - 2030.

Trên thực tế, nhiều người dân sống tại khu vực nông thôn đã bước đầu vấp phải thách thức ngay trong thời điểm hiện tại. Hơn 80% các thị trấn tham gia vào một cuộc khảo sát của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản vào năm ngoái cho biết họ cần phải có những hành động thiết thực hơn nhằm trợ giúp những người dân gặp khó khăn trong việc mua các loại hàng hóa cần thiết vì lý do tuổi tác.

Từ năm 2002 đến năm 2017, hơn 7.000 trường học công lập trên toàn Nhật Bản đã buộc phải đóng cửa. Phần lớn trong số đó nằm tại khu vực nông thôn, nơi tỷ lệ sinh luôn duy trì ở mức rất thấp, dưới ngưỡng khuyến cáo. Các trường học dừng hoạt động, những dịch vụ "cộng sinh" khác cũng dần biến mất hoặc khó tìm thấy hơn so với trước kia. Những gia đình trẻ lại có thêm lý do để đổ dồn về các thành phố lớn.

Hệ quả của thực trạng những người trẻ đang dần rời bỏ Nhật Bản B để đến Nhật Bản A, những tài sản như nhà ở cũng sẽ có sự dịch chuyển tương tự, khi họ được thừa kế chúng.

Trong khoảng thời gian 20 đến 25 năm tính từ năm 2014, 2/3 số đơn vị hành chính của Nhật Bản được dự đoán mất đi khoảng 20% số lượng tài sản, theo Sumitomo Mitsui Trust Bank.Bài học rút ra cho các quốc gia khác là họ không thể ngăn nổi dòng chảy dân cư cũng như tài sản đến các khu vực thành thị. Một vài chuyên gia kinh tế Nhật Bản thậm chí còn chia sẻ rằng chính phủ nên dừng những nỗ lực hiện tại và tập trung thích ứng với xu thế "bất khả kháng" này.

Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản vẫn chưa hề bỏ cuộc.

Họ đã khởi động một chương trình nhận tiền mặt một lần với giá trị mỗi lần lên đến 3 triệu yên cho bất kỳ ai chấp nhận rời khỏi khu trung tâm thủ đô Tokyo về làm việc cho những công ty vừa và nhỏ hoặc tự khởi nghiệp tại các vùng nông thôn.

Cùng với đó, Nhật Bản cũng dành nhiều hỗ trợ cho các trường đại học cũng như doanh nghiệp địa phương. Những nỗ lực đó đã đem lại những thành quả nhất định khi tạo ra thêm được nhiều việc làm mới cho những người trẻ. Nhưng điều đó vẫn là chưa đủ để có thể xoay chuyển tình hình.

Những chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn tập trung chủ yếu vào khu vực A. Đây là nơi sinh sống và làm việc khoảng hơn 60 triệu người, tương đương 50% dân số của Nhật Bản, nhưng diện tích tự nhiên lại chỉ chiếm 14% diện tích Nhật Bản.

Về mặt chính trị, những chính sách của Thủ tướng Abe đã phát huy tác dụng. Ông được dự doán trở thành thủ tướng có thời gian tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản trong tháng 11.

Chương trình trợ cấp tài chính đầy tham vọng của chính quyền Thủ tướng Abe vẫn chưa thể đem lại sức sống mới cho khu vực B. Trên thực thế, những tác dụng phụ từ chương trình này đã dần xuất hiện.

Các ngân hàng địa phương, vốn đã gặp khó khăn với những mô hình kinh doanh không mấy hiệu quả, giờ đây đang phải hứng chịu thêm nhiều rủi ro hơn khi mức lãi suất cho vay rất thấp, gần như bằng 0, thậm chí còn âm, khiến cho mục tiêu lợi nhuận của họ gặp nhiều gian truân hơn.

"Tác dụng phụ của chính sách tiền tệ được cảm thấy rõ ràng nhất tại những khu vực này", theo Mari Iwashita, nhà kinh tế học thuộc Daiwa Securities, có trụ sở tại Tokyo.

Nhật Bản B - lời cảnh báo từ một nền kinh tế đang già đi - Ảnh 4.

Quy mô dân số và tỷ lệ nhóm tuổi tại Nhật Bản qua các năm.


Nhật Bản sẽ phát triển tốt hơn trong thế kỷ 21 nếu như quốc gia này đi theo hướng phát triển đô thị hơn là "vung tiền" dàn trải trên phạm vi cả quốc gia rộng lớn, theo Kotaro Kuwazu, thành viên viện nghiên cứu Nomura, một trong những cơ quan tư vấn chính sách uy tín hàng đầu Nhật Bản.

Đô thị là đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế trong tương lai, do đó, để có sức mạnh cạnh tranh trên trường quốc tế, Nhật Bản nên tạo thêm nhiều nguồn lực và phát triển Tokyo để thành phố này trở thành một siêu đô thị tầm cỡ, ông cho biết.

"Tôi tin rằng tương lai Nhật Bản nên được nhìn nhận dưới góc nhìn của một vùng đô thị lớn".

Việc xây dựng hệ thống khí đốt cũng như nước thải trên quy mô toàn quốc, cung cấp dịch vụ cấp cứu y tế chỉ trong 20 phút tại tất cả địa phương là điều hoàn toàn bất khả thi. Do đó, việc tập trung mọi người vào một không gian nhỏ sẽ kiến tạo cho họ được hưởng những điều kiện sống tốt và an toàn hơn.

Vài người phản đối lại quan điểm này. Ryu Yanagisawa, người gốc Tokyo, là một trong số đó. Ông đã thành lập một công ty khởi nghiệp nhằm trợ giúp người dân cũng như các doanh nghiệp nếu như họ có ý định chuyển về các vùng nông thôn.

"Thế kỷ 20 là thế kỷ của sự cạnh tranh", ông nói. "Nhưng thế kỉ 21 phải là một thế kỷ mang lại nhiều niềm vui hơn".

Công ty của ông, Dochavengers, có trụ sở tại một trường tiểu học cũ trong thành phố Akita, cách cửa hàng của bà Kudo khoảng 40 phút lái xe. Tại khu vực Babamem nơi ông sinh sống, ông đươc tận hưởng tinh thần cộng đồng, thiên nhiên tươi đẹp và sống một lối sống lành mạnh.

Nhật Bản B - lời cảnh báo từ một nền kinh tế đang già đi - Ảnh 5.

Bưu cục Asaminai. Ảnh: Bloomberg.


Tuy nhiên, khoảng cách giữa hai khu vực A và B ngày càng bị nới rộng. Dòng người đổ về những thành phố trong khu vực A nhằm tìm kiếm những cơ hội mới dường như không một phút giây nào ngưng nghỉ.

Sho Ohtani, 33 tuổi, đã rời bỏ quê hương Gifu, một tỉnh phía tây của Nhật Bản, để đến Tokyo 12 năm về trước. Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư không gian vũ trụ lại trường đại học danh tiếng Tokyo, anh đang làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Anh không hề có ý định quay trở lại nơi "chôn nhau, cắt rốn".

"Không có điều gì tốt đẹp mà tôi có thể nghĩ ra ngay lúc này để nói về Gifu cả", anh chia sẻ.

Theo Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM