Nhập về giá 65.000 đ/kg, bán lỗ 2.000 đ/kg, vỗ béo bò Úc "suy tàn"?

04/02/2018 11:26 AM | Kinh doanh

Vài năm trước, việc nhập khẩu bò Úc về nuôi vỗ béo rồi giết mổ, cung cấp ra thị trường mang lại khoản lợi nhuận khá tốt cho nông dân, doanh nghiệp. Nhưng nay bò Úc đang phải cạnh tranh khốc liệt với các loại thịt đông lạnh nhập khẩu.

Giảm nhập tới 50%

Là một trong những nông dân tiên phong xây dựng chuồng trại, nhập khẩu bò Úc về để vỗ béo từ năm 2013, ông Võ Quan Huy (Út Huy, ngụ xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, Long An) có đàn bò Úc tại trang trại của mình lẫn các trại nuôi hợp tác khác có khi lên tới hơn 30.000 con. Mỗi tháng ông Huy cung cấp ra thị trường hàng nghìn con.

Theo đại diện Cục Chăn nuôi, về lâu dài, ngành chăn nuôi trong nước cần tìm các nguồn nhập khẩu khác như từ Brazil, Mỹ… và đẩy mạnh cải thiện giống trâu, bò trong nước để cạnh tranh bền vững. Thêm vào đó, cần hoàn thiện các hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu thịt không đảm bảo chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ nông dân Việt Nam.

Nhờ quy trình chăn nuôi khép kín, đồng thời tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có, lợi nhuận từ việc vỗ béo bò Úc mang lại cho ông Huy mỗi năm cũng từ chục tỷ đồng.

Thế nhưng đến nay, số bò còn lại trong chuồng của ông hiện chỉ vài nghìn con. Số lượng bò Úc nhập khẩu về để vỗ béo đã giảm hơn 50% nên hệ thống chuồng trại phải bỏ trống nhiều.

Doanh nghiệp Sơn Thủy Hà ở Long An cũng từng được nhắc đến rất nhiều khi có đến cả chục trang trại vỗ béo bò Úc và nuôi bò sinh sản trên cả nước, nhưng hiện nay tình hình cũng không khá mấy.

Đại diện Sơn Thủy Hà cho biết năm nay doanh nghiệp đã phải giảm mạnh sản lượng bò Úc nhập khẩu vì khó cạnh tranh.

Theo vị này, “thời vàng son” của việc nhập khẩu bò Úc về Việt Nam để nuôi vỗ béo là từ năm 2013 đến 2015, sản lượng nhập về tăng chóng mặt dù lúc đó thuế nhập khẩu mặt hàng này ở mức 5%. Nhập khẩu bò Úc tăng vọt từ chưa tới 1.500 con năm 2012 lên tới gần 16.000 con trong năm 2013 và tiếp tục tăng lên 360.000 con trong năm 2015.

Thế nhưng, sang năm 2016, số lượng này bắt đầu chững lại và giảm dần, chỉ còn khoảng 200.000 con. Đến nay lại giảm thêm gần một nửa, dù thuế nhập khẩu đã về 0%.

Ông Bạch Đức Lữu – Giám đốc Trung tâm Thú y vùng VI cho biết số lượng bò nguyên con nhập khẩu từ Úc vào các tỉnh phía Nam trong năm qua giảm mạnh. Nguyên nhân có thể do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, tìm đầu ra.

Cạnh tranh khốc liệt với thịt đông lạnh

Theo ông Út Huy, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi bò, trong đó nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn rất dồi dào như mì (sắn), rơm rạ, bắp (ngô)..., trong khi chi phí thức ăn chiếm phần lớn giá thành sản xuất hiện nay.

Nhập về giá 65.000 đ/kg, bán lỗ 2.000 đ/kg, vỗ béo bò Úc suy tàn? - Ảnh 2.

Do gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm thịt đông lạnh nên nghề vỗ béo bò Úc đang lâm vào cảnh thua lỗ. Ảnh minh hoạ

Thế nhưng, việc phải cạnh tranh với các sản phẩm thịt đông lạnh và nhiều chiêu cạnh tranh không lành mạnh khác đã khiến nghề “vỗ béo bò” một thời được ngành chăn nuôi rất kỳ vọng nay rơi vào cảnh khó khăn.

Hiện giá nhập khẩu bò sống từ Úc về Việt Nam khoảng trên dưới 3USD/kg, có doanh nghiệp nhập về giá 65.000 đồng/kg nhưng bán ra thị trường chỉ ở mức 63.000 đồng/kg.

Chưa kể, nhiều đơn vị còn cạnh tranh không “sòng phẳng” bằng cách nhập khẩu thịt trâu từ Ấn Độ về “tân trang”, gắn mác thịt bò Úc. Thậm chí, có nơi còn “hô biến” thịt trâu thành thịt bò “nóng” để lừa người tiêu dùng, vì thói quen của người Việt Nam vẫn chuộng thịt “nóng” hơn thịt đông lạnh.

“Việc quản lý, kiểm soát các hoạt động gian lận thương mại chưa chặt chẽ nên còn có tình trạng doanh nghiệp dùng chiêu tạm nhập tái xuất, nhưng khi hàng về tới Việt Nam thì lại tung ra thị trường tiêu thụ thay vì tiếp tục xuất khẩu sang nước thứ 3” - ông Út Huy phân tích.

Trong khi đó, nhiều trang trại vỗ béo bò Úc ở Đồng Nai, Long An hiện chọn giải pháp mua bò nội về nuôi thay vì nhập khẩu bò từ Úc. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các giống bò nội chậm lớn hơn, tỷ lệ lợi nhuận không cao, trong khi nguồn cung cũng không thật sự dồi dào.

Ngay cả “ông lớn” là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) trong báo cáo tài chính quý IV năm 2017 cũng cho biết, doanh thu từ bán bò Úc của doanh nghiệp này chỉ còn 102 tỷ đồng, giảm đến 737 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân được phía HAG đưa ra là doanh nghiệp thiếu vốn lưu động để tài trợ cho ngành bò, hiện chỉ còn duy trì đàn bò ở mức dùng để tận dụng nguồn phân cung cấp cho mảng nông nghiệp khác.

Theo Thuận Hải

Cùng chuyên mục
XEM