Nhập siêu từ Thái Lan đạt hơn 5,1 tỷ USD
Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2015, Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan khoảng 5,11 tỷ USD. Để giảm nhập siêu, cần những cầu nối thiết thực và doanh nghiệp cần chủ động để thâm nhập thị trường Thái Lan nhờ những thế mạnh riêng.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc “Tuần hàng Việt tại Thái Lan” tại Central World, trung tâm mua sắm lớn nhất tại Bangkok (Thái Lan) ngày 10/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, quan hệ kinh tế Việt Nam – Thái Lan phát triển rất nhanh chóng và có chiều sâu trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong bối cảnh ASEAN đang hội nhập sâu sắc như hiện nay. Xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam – Thái Lan vừa mang tính bổ trợ, vừa mang tính cạnh tranh nhưng theo hướng giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của hàng hóa mỗi nước.
Tuy nhiên, trong thương mại giữa hai nước hiện nay, Việt Nam luôn bị nhập siêu. Số liệu cho thấy, năm 2015, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thái Lan đạt 11,46 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2014. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 3,18 tỷ USD, giảm 8,6% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Thái Lan đạt 8,28 tỷ USD, tăng 16,8% so với năm 2014.
Theo bà Thoa, Tuần lễ hàng Việt tại Thái Lan do Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Central Group tổ chức lần này nhằm quảng bá 400 sản phẩm đặc sắc của Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên Tuần lễ hàng Việt Nam được thực hiện tại Thái Lan và là lần thứ 12 tổ chức tại nhiều quốc gia. “Việc tổ chức chương trình Hàng Việt tại Thái Lan, với sự tham gia của Central Group, sẽ là hành động và cầu nối thiết thực giúp các nhà cung cấp của Việt Nam và người tiêu dùng Thái Lan có cơ hội tiếp cận và sử dụng hàng hóa của nhau”, bà Thoa nói.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, bà Đinh Mỹ Loan cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài trong những năm qua, đó là nhờ vào tốc độ đô thị hóa, sự phát triển của bán lẻ hiện đại cũng như sự tăng trưởng sức mua của tầng lớp trung lưu. Những nhân tố này sẽ tạo ra những cơ hội hấp dẫn cho cả người tiêu dùng Việt Nam cũng như cho các các doanh nghiệp hàng đầu có thương hiệu uy tín trong ngành bán lẻ có thể cung cấp những dịch vụ tốt nhất với cho khách hàng được hình thành và xây dựng qua nhiều năm kinh nghiệm. Tập trung mọi nỗ lực phục vụ khách hàng ở mức tốt nhất luôn là nhân tố cốt lõi thúc đẩy sự phát triển của ngành bán lẻ trong những năm tới.
Nhiều mặt hàng của các doanh nghiệp Việt được người tiêu dùng Thái quan tâm.
Tại lễ khai mạc, các sản phẩm của nhiều doanh nghiệp nổi tiếng của Việt Nam như Công ty Nội thất Bình Phú; Công ty gốm sứ Minh Long, Bia Sài Gòn, Điện Quang, công ty dệt may Hòa Thọ, các nhãn hàng sản xuất thực phẩm Bích Chi, Hoàn Châu và Tân Huê Viên, công ty trà Tâm Lan và Cà phê Highland đã thu hút được sự chú ý của các doanh nghiệp và người tiêu dùng Thái Lan.
Ông Philippe Broianigo, Tổng Giám đốc Điều hành, Central Group cho biết, hai năm trước Central Group chính thức tham gia vào thị trường Việt Nam trong bối cảnh có nhiều lo ngại hàng Thái sẽ vào mạnh Việt Nam và ảnh hưởng đến thị trường. Doanh số xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang Thái Lan đã tăng khá mạnh. Nhiều sản phẩm hàng Việt đã được doanh nghiệp và người tiêu dùng Thái Lan tin dùng. Mới đây nhất là việc Công ty Nội thất Bình Phú đã ký được hợp đồng trị giá 1,2 triệu đô la xuất khẩu nội thất cho khách sạn 6 sao sẽ được khai trương tại Bangkok, thuộc sở hữu tập đoàn Central Group.
“Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc hợp tác lâu dài với các đối tác, các nhà cung cấp của Việt Nam và mong muốn mối quan hệ hợp tác này ngày càng phát triển”, ông Philippe Broianigo nói.
Đại diện của Central Group cũng cho biết, Central Group đang điều hành Văn phòng Xuất khẩu và Cung ứng CGV nhằm hỗ trợ và quảng bá hàng Việt Nam đến thị trường quốc tế. Đại diện cho 70 nhà cung cấp Việt Nam thuộc các ngành nông nghiệp, công nghiệp và hàng tiêu dùng, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia. Cung ứng CGV hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp này từ phát triển sản phẩm và quản lý chất lượng cho đến dịch vụ hậu cần.
Theo Bộ Công Thương, Thái Lan là nước cạnh tranh với Việt Nam trong hầu hết các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu. Tuy nhiên, một số sản phẩm của Việt Nam vẫn có thể phát huy thế mạnh riêng để thâm nhập thị trường. Nhìn chung, người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng các mặt hàng tươi sống, nhưng cần đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm tương đối cao, tuân thủ các tiêu chuẩn của các cam kết quốc tế và khu vực cũng như quy định trong nội địa.