Nhập khẩu than "vỡ kế hoạch": Bình thường hay bất thường?

25/09/2016 13:20 PM | Kinh tế vĩ mô

Trong 8 tháng năm 2016, nước ta đã nhập 9,7 triệu tấn than trong khi dự kiến cả năm chỉ nhập hơn 3 triệu tấn. Dư luận băn khoăn về việc giá than nhập từ Trung Quốc cao hơn so với một số đối tác khác, phải chăng ta đã mua đắt? Tuy nhiên, nhìn nhận một cách lý trí sẽ thấy không có gì bất thường trong diễn biến này.

Nhập khẩu tăng đột biến

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan , trong 8 tháng năm 2016, Việt Nam nhập khẩu hơn 9,7 triệu tấn than , đạt giá trị kim ngạch hơn 600 triệu USD. Tính trung bình, mỗi tháng nước ta nhập về 1,2 triệu tấn, tương đương hơn 75 triệu USD. Than nhập khẩu chủ yếu từ Nga, Trung Quốc, Indonesia. Từ đầu năm đến nay, Nga đã bán cho nước ta 2,8 triệu tấn; Indonesia bán 1,8 triệu tấn; Trung Quốc 1,4 triệu tấn… Trong khi đó, Bộ Công thương chỉ dự kiến nhập hơn 3 triệu tấn trong cả năm nay để phục vụ sản xuất.

Về giá cả, giá nhập khẩu trung bình từ Nga là khoảng 63 USD/tấn than; từ Indonesia 44 USD/tấn. Giá than nhập khẩu từ Trung Quốc cao nhất với 71 USD/tấn, gấp gần 2 lần so với than nhập từ Indonesia và hơn 1 lần than nhập từ Nga. Điều này khiến nhiều người băn khoăn, nhất là khi từ đầu năm đến hết tháng 7.2016, giá than xuất khẩu trung bình của thế giới dao động khoảng 50 - 54 USD/tấn. Thậm chí, có ý kiến cho rằng phải chăng ta đã “mua đắt” than từ Trung Quốc.

Không có gì bất thường

Cả nước hiện có 19 nhà máy nhiệt điện than, con số này sẽ tăng lên 52 vào năm 2030 với tổng số lượng than cần nhập khẩu khoảng 85 triệu tấn mỗi năm.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia kinh tế, chỉ nhìn vào giá bình quân mà kết luận giá than Trung Quốc đắt là phiến diện. Thay vào đó, phải phân tích cụ thể nhiều yếu tố như thời điểm, khối lượng nhập, nguồn nhập khẩu, cự ly vận chuyển và chất lượng, chủng loại than.

Từ đầu năm đến nay, giá than biến động cực mạnh. Giá than nhiệt tăng 20 - 30% so với đầu năm; riêng than mỡ tăng hơn gấp đôi, từ 70 - 80 USD/tấn lên trên 200 USD/tấn hiện nay. Chất lượng than cũng rất khác nhau dẫn đến giá cả khác nhau. Than nhập từ Indonesia thường có chất lượng kém nhất, giá rẻ nhất, tới 20 - 30% so với than tiêu chuẩn. Trong khi than từ Trung Quốc chất lượng khá cao, giá bình thường bán ở Trung Quốc đã cao hơn than nhập khẩu nên bán sang Việt Nam đương nhiên phải cao hơn giá bán trong Trung Quốc, hoặc cao hơn than nhập khẩu của Việt Nam. Về chi phí vận chuyển, do Indonesia gần miền Nam nước ta hơn nên ở khu vực này nếu nhập khẩu than từ Indonesia sẽ có tổng chi phí (giá CIF giao tận cảng nhập khẩu) thấp hơn so với nhập từ Trung Quốc hoặc than Nga.

Nhập khẩu than tăng đột biến cũng là điều dễ hiểu. Do yếu tố khoảng cách, các nhà máy nhiệt điện phía Nam nhập than của Indonesia còn rẻ hơn mua của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và vận chuyển từ miền Bắc vào. Vì thế, họ có xu hướng nhập khẩu than hơn là sử dụng than trong nước. Có thể lấy Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 tại tỉnh Trà Vinh - sẽ vận hành vào cuối năm nay - làm ví dụ. Giá than bitum nhập khẩu từ Indonesia làm nguyên liệu cho nhiệt điện Duyên Hải 3 có giá thấp hơn nhiều so với than mua trong nước, vì vậy, sử dụng nguồn than nhập khẩu chắc chắn mang lại hiệu quả nhiều hơn. Một số nhà máy nhiệt điện khác theo kế hoạch cũng sẽ sử dụng than nhập như Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 4 (Bình Thuận)…

Hơn nữa, trong bối cảnh giá than thế giới rớt thê thảm như năm trước và nửa đầu năm nay, giá than trong nước lại không hạ thì việc các hộ dùng than trong nước chuyển nhập khẩu than là hợp lý. “Chẳng ai cấm họ được nhập khẩu than với giá rẻ hơn”, một chuyên gia kinh tế bình luận. Ở thời điểm này, giá bán than cho các hộ dùng than trong nước của TKV vẫn cao hơn giá than nhập khẩu.

Chẳng hạn, giá than giao tại nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 hiện nay là 1,8 triệu đồng/tấn, trong khi nếu nhập than về chỉ phải trả 1,7 triệu đồng/tấn. Vì vậy, các hộ dùng than lớn như các nhà máy nhiệt điện, xi măng, sản xuất thép đã tăng cường nhập khẩu để tiết kiệm chi phí đầu vào, thay vì phải mua của TKV. Báo cáo tài chính hợp nhất của TKV công bố mới đây cũng cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng đầu năm nay của Tập đoàn sụt giảm hơn 3.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận tại thời điểm 30.6.2016 chỉ còn bằng 22,74% so với cùng kỳ 2015.

Nhập khẩu than là tất yếu

Có vẻ như lâu nay ngành than đã “ngủ quên” trên vị trí độc quyền sản xuất và chậm đổi mới công nghệ nên giá thành khai thác ngày càng cao. Thậm chí, một vị làm việc trong ngành than nhiều năm nay đã nghỉ hưu nói rằng, ngành khai thác than của Việt Nam có giá thành được hạch toán cao nhất thế giới. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, giá bán than trong nước cao hơn giá than nhập khẩu là điều khó chấp nhận được. Vì thế, xu hướng nhập khẩu than thay thế dần nguồn than trong nước là cần thiết để vừa bảo đảm nhu cầu năng lượng, vừa hạn chế khai thác cạn kiệt tài nguyên quốc gia, vừa giảm bớt thế độc quyền của đơn vị khai thác than trong nước bấy lâu nay.

Hiện nay, có 18 đầu mối nhập khẩu than từ nước ngoài vào Việt Nam, trong đó, TKV vừa là nhà sản xuất đồng thời cũng vừa là một đầu mối nhập khẩu. Dự báo tình hình nhập khẩu than sẽ còn tăng do thuế nhập khẩu hiện nay được duy trì ở mức 0%.

Theo Hồng Loan

Cùng chuyên mục
XEM