Nhân viên đường sắt bao giờ được tăng lương?

10/07/2018 08:19 AM | Kinh doanh

Công việc nặng nhọc, trách nhiệm cao nhưng lương thấp, chưa tương xứng với công sức đã tạo áp lực tâm lý đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ công tác chạy tàu.

Lương thấp, ảnh hưởng tâm lý làm việc

Đến đường ngang Hà Đông (Hà Nội) giao giữa đường Phan Trọng Tuệ (QL70A) và Ngọc Hồi (QL1A), lối đi vào Đài hóa thân hoàn vũ Văn Điển, mới thấy nỗi cực nhọc, vất vả của nhân viên gác chắn nơi đây. Tại nút giao này, ban ngày luôn có hàng chục xe máy, ô tô các loại, nhất là xe tải qua lại, trong khi đó mỗi ngày có khoảng 50 chuyến tàu qua đây. Mỗi khi có tàu qua, nhân viên gác chắn rất vất vả hướng dẫn người và phương tiện đóng chắn.

Một nhân viên gác chắn ở đây chia sẻ, mỗi ngày lên ban làm việc 12 tiếng. Trong suốt thời gian đó, theo quy định cấm ngủ, cấm làm việc riêng, tập trung mọi giác quan vào đường sắt để nếu có sự việc đột xuất xảy ra trên đường ngang thì có biện pháp phòng vệ sớm. Công việc áp lực, vất vả nhưng lương rất thấp.

Anh T. (xin giấu tên), một nhân viên gác chắn đường ngang được 13 năm ở Hà Nội cho biết, lương thực lĩnh đến đầu năm 2018 của anh chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng. Do lương hệ tuần gác “ăn” từ ngân sách Nhà nước, không theo doanh thu, sản phẩm nên rất thấp.

Người lao động phải làm việc vất vả nhưng thu nhập thấp, dẫn đến tình trạng rất nhiều người bỏ việc, càng tạo áp lực đối với những anh em đang công tác vì phải làm thêm ca. Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, không ít trường hợp nhân viên lên ban không đủ sức khỏe vì khi xuống ban, thay vì nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động lại đi làm thêm để trang trải cuộc sống, dễ dẫn đến mỏi mệt, ngủ quên, thao tác không chính xác. Một số vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng do lỗi chủ quan của nhân viên đường sắt gần đây càng minh chứng thực tế này.

Tương tự, lương nhân viên nhà ga khối chạy tàu cũng rất thấp so với khối lượng, tính chất công việc. Một trưởng ga cho biết, công việc của trực ban chạy tàu, dồn dịch, gác ghi… ảnh hưởng rất lớn đến an toàn chạy tàu khu ga, chỉ một sơ sẩy nhỏ có thể dẫn tới nhẹ chẻ ghi, trật bánh. Nhưng lương các chức danh này hiện rất thấp và cách tính chưa phản ánh đúng thực tế khối lượng công việc giữa các ga.Anh T. giải thích, cách tính lương căn cứ Thông tư 21/2015 của Bộ GTVT. Theo đó, đơn vị tính 1 ban là 1,24 công, có nơi còn chỉ được tính 1,20 hoặc 1,15. Trong khi trước kia 1 ban được tính 1,5 công. Như vậy, một tháng anh em phải lên 21 ban mới đủ công lao động. Ngoài ra, quy định về hệ số, mức lương hiện tại không phù hợp với tính chất công việc nặng nhọc, vất vả. Trước có 7 bậc, hệ số 4,4 nhưng giờ giảm xuống còn 5 bậc, hệ số 2. Nhân viên gác chắn phải làm 31,5 công, thời gian lao động nhiều. Chưa kể, lương vẫn vậy nhưng bảo hiểm lại phải đóng cao lên theo quy định. “Lương thấp, công việc vất vả, sức ép lớn nên không tránh khỏi anh em mệt mỏi, chán nản”, anh T nói.

Ví dụ, ga Giáp Bát, Hà Nội khối lượng tác nghiệp, dồn dịch lớn nhưng đơn giá tiền lương cũng chỉ bằng khoảng 15% so với các ga dọc đường. Tổng công ty Đường sắt VN xây dựng mức lương tối thiểu là 3,97 triệu đồng/người/tháng, chức danh gác ghi được xây dựng mức lương hơn 1,4 lần lương tối thiểu, như vậy cũng chỉ được khoảng 6 triệu đồng.

“Một trưởng ga thâm niên hàng chục năm như tôi, nếu tính theo ngạch, bậc phải được 11 triệu đồng, nhưng thực tế cũng chỉ hơn 8 triệu đồng. Anh em gác ghi còn thấp hơn nhiều”, vị trưởng ga nói và cho biết, nguyên nhân do sản lượng vận tải thấp dẫn đến doanh thu điều hành vận tải thấp, không đủ chi trả theo mức lương đã xây dựng cho các chức danh.

Trong khi đó, lái tàu là đối tượng lao động được ngành ưu tiên số một về thu nhập nhưng cũng chưa xứng với tính chất công việc nặng nhọc, nguy hiểm. Lái tàu Hoàng Ngọc Sơn (Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội) cho biết, lương lái tàu được tính theo thời gian lái máy theo tàu. Tháng nào đi tàu nhiều bình quân được 11-12 triệu đồng/tháng, còn kỳ thấp điểm chỉ được khoảng 7-8 triệu/tháng. Nhưng cũng có tháng chỉ được 3-4 triệu đồng vì nếu là tài xế trưởng, khi máy vào xưởng bảo dưỡng thì không được theo tàu, phải “bám” bộ phận sửa chữa để giám sát, nghiệm thu nên không được tính lương “sản phẩm”.

 Nhân viên đường sắt bao giờ được tăng lương?  - Ảnh 2.

Lương thấp ảnh hưởng tâm lý làm việc của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ công tác chạy tàu - Ảnh: Tạ Tôn

Đến 2020 tăng lương trung bình ngành Đường sắt khoảng 10 triệu

Trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề thu nhập của người lao động khối cơ sở hạ tầng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Anh Minh cho biết, đây là sản phẩm công ích, Nhà nước đặt hàng thực hiện. Trong khi đó từ nguồn ngân sách cấp cho công tác duy tu, bảo đảm an toàn chỉ đáp ứng khoảng 30% cho nhu cầu. Lương người lao động cũng nằm trong gói ngân sách này nên bị thấp theo.

Cụ thể hơn, ông Cao Minh Tuân, Trưởng ban TCCB-LĐ Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, do nguồn sự nghiệp kinh tế cấp có hạn nên chi phí nhân công trong công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt cũng phải chiết giảm theo. Thống kê cho thấy, nguồn vốn thực cấp cho công tác này chỉ đáp ứng từ 36-38% nhu cầu vốn tính đủ định mức kinh tế kĩ thuật. Trong đó, số tiền chi phí nhân công trực tiếp cân đối theo nguồn vốn thực cấp cũng chỉ đáp ứng được từ 42,6% - 45,8% nhu cầu tính đủ.

Đơn cử năm 2017, thực cấp được 2.190 tỷ/6.089 tỷ đồng, bằng 35,9%, chiếm tỷ lệ thấp hơn năm 2015 (38,1%) và năm 2016 (36,4%). Trong đó, chi phí nhân công cân đối theo nguồn thực cấp năm 2017 được hơn 768 tỷ đồng và đã điều chỉnh tăng so với 2 năm trước nhưng cũng chỉ được 45,8% so với nhu cầu.

Theo ông Tuân, nếu tính đúng, tính đủ mức tiền lương theo chế độ quy định thì tiền lương tháng bình quân có ăn ca của công nhân duy tu đường sắt và công nhân tuần đường phải hơn 8,3 triệu đồng/người, của công nhân gác chắn đường ngang phải hơn 7,4 triệu đồng/người. Tuy nhiên, con số này trong giá sản phẩm được duyệt năm 2017 chỉ là 6,7 triệu đồng/công nhân duy tu, 6 triệu đồng/công nhân tuần đường và 5,28 triệu đồng/công nhân gác chắn. Như vậy, tỷ lệ tiền lương được duyệt/tiền lương chế độ chỉ từ 70-80%. Chưa kể, con số thực lĩnh đến tay người lao động còn thấp nữa, do phụ thuộc công lao động, bậc thợ… và trừ các loại phí bảo hiểm.

Để giải bài toán tăng thu nhập cho người lao động các chức danh nói trên, theo ông Vũ Anh Minh, không thể một sớm một chiều. Với tuần đường, gác chắn, Tổng công ty Đường sắt VN đã kiến nghị và được Chính phủ chấp thuận, hàng năm tăng khoảng 1/3 vốn ngân sách cho bảo trì hạ tầng đường sắt so với năm trước để đến năm 2023 đáp ứng đủ nhu cầu theo định mức kinh tế kĩ thuật. Khi đó, lương hệ này cũng cao hơn. Riêng năm 2018, lương cho tuần đường, gác chắn sẽ được điều chỉnh tăng 12%.

Còn với các chức danh chạy tàu nhà ga, khi vận tải tăng trưởng sẽ được tăng theo. Tuy nhiên, Tổng công ty Đường sắt VN cũng sẽ rà soát, có các giải pháp nhằm tiết giảm các chi phí, dồn cho lương anh em hiện trường.

“Tổng công ty Đường sắt VN đang có lộ trình nâng mức lương bình quân người lao động ngành Đường sắt đến 2020 đạt mức 9,5-10 triệu đồng/tháng”, ông Minh nói.

Theo Kỳ Nam

Cùng chuyên mục
XEM