Tổng Giám đốc Viettel: “Hãy nghĩ như một người thợ thủ công và như một nhà đổi mới”

27/10/2015 17:50 PM |

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cho rằng, chủ nghĩa trung bình đã hết thời, chúng ta phải xuất sắc để có thể tồn tại, nhưng để xuất sắc phải có óc sáng tạo. Vì vậy, hãy nghĩ như một người nhập cư, như một người thợ thủ công và như một nhà đổi mới.

Trong bài phát biểu mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cho rằng, sức sống và năng lực cạnh tranh của Viettel phụ thuộc vào sáng tạo và khả năng thích nghi với điều kiện thay đổi.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chủ nghĩa trung bình đã hết thời, chúng ta phải xuất sắc để có thể tồn tại, rất nhiều máy móc thông minh đã làm được những việc trên mức bình thường. Để xuất sắc, chúng ta phải có óc sáng tạo. Có 3 cách tư duy hữu ích để trở thành người có óc sáng tạo. Hãy nghĩ như một người nhập cư, như một người thợ thủ công và như một nhà đổi mới.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích, người nhập cư thì luôn đói khát, luôn phải thích nghi, bền bỉ và tập trung. Thợ thủ công là người làm ra sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ với tài năng, sự tinh tế đặc biệt của cá nhân mình, là niềm tự hào của riêng họ, họ tỉ mỉ trong từng thứ họ làm, họ khắc tên mình lên sản phẩm.

Hãy nghĩ như một thợ thủ công, đặc biệt hãy tự hào về bất cứ gì mà mỗi cá nhân chúng ta đã làm. Tư duy như một nhà đổi mới, tức là sản phẩm luôn là bản beta, luôn phải hoàn thiện, sản phẩm chưa bao giờ là hoàn thành, phải liên tục tái phát minh, tái xây dựng và tái hình dung, không bao giờ dừng lại. Chúng ta không bao giờ được nghĩ mình đã làm tốt mà phải thường xuyên cải thiện chính bản thân mình.

"Các nhà phân tích cho rằng, trên thế giới đã từng có một thời đại của các sản phẩm trung bình. Đó là vào khoảng nửa đầu thế kỷ 20, các nhà sản xuất thành công nhất trên thế giới là những công ty có thể sản xuất hàng hóa đồng đều với mức giá rẻ, tốc độ cao và được cung ứng rộng rãi trên thị trường.

Tính khác biệt của hàng hóa trong thời kỳ này không được chú trọng bằng sự đồng nhất và chất lượng ổn định. Các công ty thời đó cho rằng, làm thật tốt sản phẩm trung bình, chắc chắn sẽ bán được hàng, chắc chắn có lợi nhuận. Công nhân trên thế giới trong thời kỳ này cũng tư duy theo cách trung bình.

Họ không cố gắng bộc lộ sự khác biệt cá nhân mà luôn hướng tới hoàn thành những gì được giao, lặp đi lặp lại một công việc với độ chính xác cao, hưởng mức lương trên tối thiểu một chút và nghỉ hưu với một khoản tiết kiệm vừa vừa. Đây là đặc điểm tư duy của thời kỳ đại công nghiệp.

Có nhiều lý do khiến cho các nhà sản xuất trung bình có thể thành công vào thời kỳ đó. Đầu tiên là sự thiếu hụt nguồn cung. Trên thị trường rất thiếu những sản phẩm như ô tô, đồ điện gia dụng. TV thời đó cũng chỉ có vài ba kiểu dáng. Vì vậy, sản xuất đại trà, tự động hóa là cách nhanh nhất để đáp ứng sự thiếu hụt nguồn cung.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, nếu đi theo chủ nghĩa trung bình thì sẽ bế tắc. Một ví dụ cho thấy, Apple trở nên rất thành công nhờ sản xuất những sản phẩm nổi bật, đem lại trải nghiệm khác biệt. Xiaomi bán được nhiều điện thoại vì ít đối thủ cạnh tranh sản xuất điện thoại giá rẻ như họ. Điều này cho thấy nếu muốn thành công cần phải bỏ mô hình sản xuất các sản phẩm trung bình.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu chúng ta lấy chiếc iPhone 6 và một chiếc điện thoại giá rẻ của Xiaomi cộng lại rồi chia trung bình để ra một chiếc điện thoại tương đối đẹp, tương đối sành điệu, mức giá trung bình, đi kèm với dịch vụ khách hàng bình thường, liệu chúng ta có thành công? Liệu có thể có tỉ lệ lợi nhuận cao và doanh số bán cao như Apple và Xiaomi? Trái với logic thông thường, câu trả lời ngắn gọn là một sản phẩm trung bình cộng kiểu như vậy không thể thành công được như Apple hay Xiaomi.

Một xu hướng hoàn toàn khác đã diễn ra mạnh mẽ ở nửa sau thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21: Máy móc tự động hóa dần thay thế những công việc lặp đi lặp lại của công nhân. Nhờ vậy mà sản xuất sản phẩm trung bình không còn khó khăn nữa. Các công ty không cần lượng vốn lớn và kinh nghiệm quản trị dồi dào cũng có thể sản xuất được sản phẩm với chất lượng vừa phải, độ đồng đều cao. Vì thế, hoạt động sản xuất sản phẩm trung bình bị cạnh tranh khốc liệt.

Số chủng loại mặt hàng không còn là một vài loại mà là hàng trăm loại. Người tiêu dùng không thể so sánh từng loại sản phẩm với nhau được nữa. Một là họ sẽ bị cuốn hút bởi những sản phẩm đặc biệt, hai là từ bỏ việc chọn lựa và tìm đến sản phẩm rẻ nhất. Sản phẩm trung bình trở nên mờ nhạt trong danh sách sản phẩm, không có sự khác biệt sản phẩm mà cũng không có mức giá hấp dẫn.

Tầng lớp công nhân trung bình tại nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ, đang gặp khó khăn lớn và dần biến mất. Họ không thể cần cù lao động, hưởng mức lương trung bình, có cuộc sống ổn định nữa.

Giờ đây hoặc là phải chấp nhận mức lương thấp như những nhân viên ở Trung Quốc, Ấn Độ hay ở châu Phi, hoặc phải học liên tục và mơ ước trở thành Mark Zuckerberg - CEO của Facebook. Cùng với điều này là sự phân hóa về tâm lý tiêu dùng và sự biến mất của người tiêu dùng trung bình".

Theo LM

Cùng chuyên mục
XEM