Tổng giám đốc Dai-ichi Life VN: Tôi không xây lâu đài trên cát
06/06/2013 10:03 AM
|
Năm mươi ba tuổi, 27 năm làm trong lĩnh vực tài chính ở nhiều nước Á, Âu đã giúp cho vị tổng giám đốc người Nhật gốc Việt này những trải nghiệm quý giá.
Tháng 1/2007, sự kiện Công ty Bảo hiểm Bảo Minh CMG (liên doanh giữa Tổng công ty CP Bảo Minh và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Colonial Mutual Life Assurance Society Limited - Úc) đã thuộc về Tập đoàn Dai-ichi Nhật Bản gây chấn động ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vì đây là một thương vụ mua bán chưa có tiền lệ trong lĩnh vực này.
Và người "mai mối" cho lương duyên giữa hai bên không ai khác chính là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Dai-ichi Life Việt Nam hiện nay - ông Takashi Fujii. Ông được đánh giá là một chuyên gia dạn dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - bảo hiểm và là một người có khả năng lãnh đạo vững vàng với những định hướng chiến lược đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế.
Takashi Fujii thuộc kiểu người dám nghĩ, dám làm và quyết đi đến cùng với những gì đã chọn. Trong số những bài diễn văn ông biết, Takashi Fujii rất thích bài nói chuyện của Steve Jobs, người sáng lập hãng máy tính Apple, trong đó có đoạn: "Đôi khi cuộc sống dường như muốn cố tình quật ngã bạn. Nhưng đừng đánh mất lòng tin. Tôi biết chắc chắn rằng điều duy nhất đã giúp tôi tiếp tục bước đi chính là tình yêu của tôi dành cho những gì tôi đã làm".
Đây cũng chính là điều đã giúp Takashi Fujii vượt qua những khó khăn nhất của cuộc đời, đặc biệt là trong "hành trình" tái cấu trúc Dai-ichi Life Việt Nam.
Chưa thể dừng chân
Tháng 5/2006, Takashi Fujii rời chiếc ghế Tổng giám đốc và cố vấn cấp cao ở Công ty Quản lý quỹ Prudential Việt Nam. Ông dự tính sẽ không tiếp tục vai trò lãnh đạo, điều hành để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Thế nhưng, sau khi "mai mối" cho Bảo Minh CMG với đối tác Nhật Bản, ông lại được chính những người lãnh đạo phía đối tác mời gia nhập công ty trong vai trò "người cầm trịch" cho Dai-ichi tại Việt Nam.
Ảnh: Quý Hòa |
Có lẽ, cũng giống như Steve Jobs, "tình yêu dành cho những gì tôi đã làm" đã giữ chân ông lại thương trường và giúp ông mạnh dạn "tái thiết" công ty.
* Đã có ý định không tiếp tục vai trò lãnh đạo ở các công ty bảo hiểm và sẽ dành thời gian cho gia đình nhưng cuối cùng ông lại làm tổng giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam. Chắc hẳn phải có điều gì đó lớn lao khiến ông thay đổi?
- Nghỉ làm ở Prudential là tôi muốn dành thời gian để lo cho hai con học ở Úc và tôi cũng muốn có nhiều thời gian hơn cho mình. Nhưng khi trở về Úc, bắt đầu cuộc sống của một người làm vườn an nhàn thì tôi được Bộ Tài chính Việt Nam nhờ tìm người mua lại Công ty Bảo Minh CMG.
Trong khi đó, Công ty Dai-ichi Nhật Bản cũng muốn mở rộng thị trường sang các nước và Việt Nam là nơi đến đầu tiên của họ. Biết tôi đã có nhiều năm làm việc ở Nhật Bản, lại có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên họ nhờ tôi làm "cầu nối" với Bảo Minh CMG.
Cái khó của người môi giới khi quan hệ với cả hai bên mua và bán là làm sao để dung hòa lợi ích cho cả hai phía. Và may mắn là sau một năm thương thảo, thương vụ mua bán này đã thành công.
Thực hiện thành công một sự kiện chưa có trong tiền lệ ngành bảo hiểm khiến tôi hãnh diện. Và tôi nghĩ sau thương vụ này, mình sẽ tiếp tục cuộc sống thư thái cùng gia đình.
Thế nhưng, không ngờ là sau khi mua được Bảo Minh CMG, lãnh đạo Dai-ichi Life Nhật Bản lại đặt vấn đề muốn tôi giúp họ điều hành, tái cấu trúc toàn bộ hoạt động công ty.
Họ cho rằng, tôi có hiểu biết về thị trường lại là người Việt mang quốc tịch Nhật nên rất thuận lợi trong việc tái thiết công ty. Lúc đó, tôi phân vân nhưng vợ tôi đã thuyết phục tôi suy nghĩ lại.
Cô ấy bảo tôi là người của công việc trí óc chứ không phải lao động chân tay nên nếu không làm tôi sẽ không còn là tôi nữa. Hơn nữa, đã từng làm tư vấn đầu tư, tái cấu trúc cho các doanh nghiệp (DN) nên tôi nghĩ, đây là cơ hội để thể hiện mình.
Ngày xưa, tôi làm tái cấu trúc nhưng chỉ là tư vấn nên không có quyền trực tiếp, còn với Dai-ichi Life Việt Nam, tôi có thể quyết định mọi thứ mình muốn để phát triển công ty. Vậy là cuộc "chia tay" với vai trò quản lý các công ty bảo hiểm của tôi không thành hiện thực.
* Vậy sau gần 6 năm tái thiết, Dai-ichi Life Việt Nam của ông đã có kết quả như thế nào?
- Việc tái cấu trúc đến năm 2012 là xong. Khi chuyển văn phòng qua tòa nhà Dai-ichi (149-151 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) là chúng tôi xóa hết cái cũ. Chúng tôi đã xây dựng một hướng đi hoàn toàn mới, một bước phát triển mới và không phải vừa đi vừa sửa mà đang trên đà tăng tốc.
Hiện tại, chúng tôi đã xây dựng mạng lưới với hơn 100 văn phòng và tổng đại lý trên toàn quốc. Chỉ trong tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã đưa vào hoạt động 8 văn phòng và tổng đại lý mới tại nhiều tỉnh, thành.
Cùng với việc mở rộng quy mô, chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và hiện đại.
Sau khi kế hoạch hoàn thành, Dai-ichi Life Việt Nam sẽ là điểm đến của mọi nhân tài. Người ta thường nói, muốn nhân viên gắn bó dài lâu thì phải có chế độ lương thưởng hấp dẫn nhưng tôi nghĩ đấy chỉ là một yếu tố nhưng không phải là quan trọng nhất.
Phải có một môi trường làm việc mà ở đó nhân viên biết sự cống hiến của mình sẽ như thế nào, nhằm mục đích gì và họ là mắt xích nào trong công ty mới là quan trọng. Và khi người ta nhận thức được công việc của mình, dù nhỏ bé nhưng là mắc xích quan trọng trong cả một chuỗi hệ thống thì họ sẽ cảm thấy gắn bó với công ty.
Sự dung hòa
Tuy được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ công ty mẹ về tài chính, về mô hình quản lý nhưng ông Takashi Fujii vẫn phải vạch ra chiến lược của riêng mình. Bởi, có sự khác biệt quá lớn giữa thị trường bảo hiểm nhân thọ của một nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới là Nhật Bản với một thị trường đang phát triển như Việt Nam.
Đây là một áp lực rất lớn nhưng ông bảo cũng là lợi thế vì nhiều khi chính khuôn mẫu sẽ dẫn đến tình trạng lối mòn.
* Trong lĩnh vực bảo hiểm, điều quan trọng nhất là xây dựng được đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đại lý bảo hiểm chưa được coi là nghề và cũng chưa ai nghĩ sẽ theo nghề này suốt đời. Điều này có là thách thức cho "người mới" như ông?
- Ở Nhật, người làm bảo hiểm lâu đời nhất lên đến 55 năm và họ làm việc gần như không có tuổi về hưu. Tại Dai-ichi Life Nhật Bản, số người có thâm niên làm việc trong công ty 30-40 năm rất nhiều. Bạn có biết yếu tố nào là khiến người Nhật gắn bó với công ty lâu đến vậy?
Đó là họ coi công ty như ngôi nhà của mình và làm việc ở đây như những sinh hoạt thường nhật trong cuộc sống. Có những người phục vụ khách hàng đến ba đời (vợ chồng, con cái, cháu chắt). Họ làm nghề không còn là vì tiền mà là niềm vui và khách hàng của họ đã trở thành những người bạn chí tình.
Ngành bảo hiểm Việt Nam đã có thâm niên 14 năm và cũng đã có thời gian ồ ạt tuyển dụng đại lý. Lúc đầu, họ làm thử, rồi bán cho tất cả những người quen biết. Sau khi đã khai thác hết số lượng những người quen biết thì họ không biết bán cho ai.
Bán bảo hiểm nhân thọ không phải như bán chiếc ti vi mà mình phải tạo được nhu cầu, phải có mối quan hệ. Từ trước tới nay, những người bán bảo hiểm ở Việt Nam mới chỉ dừng ở mối quan hệ mua-bán và họ đến với khách hàng cũ là để thu phí hơn là thăm hỏi. Chính điều đó đã tạo khoảng cách giữa người bán và người mua.
Đây là thách thức lớn không chỉ cho Dai-ichi Life Việt Nam mà còn cho tất cả các công ty bảo hiểm nhân thọ. Chính vì vậy, chúng tôi lên kế hoạch xây dựng đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp và hiện đại.
* Và đây là mô hình mà ông học được từ công ty mẹ tại Nhật Bản?
- Đúng vậy. Người Nhật rất tỉ mỉ và giữ chữ tín, khi đã làm ăn với đối tác họ thường giữ mối quan hệ rất bền chặt. Ngay từ khi là một đứa bé họ đã được huấn luyện về sự tự lập, tôn trọng người khác và phải trung thành với điều mình đã học.
Muốn có sự thay đổi trong công ty, trước hết, phải làm sao có sự thay đổi trong chính nhận thức của nhân viên. Muốn vậy, phải cho nhân viên sang Nhật tiếp cận thực tế để họ học và thay đổi. Người Nhật rất hạ mình khiêm tốn nhưng hạ mình để nâng mình lên chứ không phải "hạ thấp".
* Nhưng được biết, hoạt động ở Dai-ichi Life Việt Nam không chỉ mang "âm hưởng Nhật Bản" mà còn có chút gì đó rất phương Tây?
- Trước khi làm ở Prudential, tôi đã làm cho các công ty ở Mỹ và các ngân hàng ở Singapore. Ở các công ty phương Tây, người làm việc có điều kiện để phát triển, sáng tạo; làm với người Nhật còn có sự thể hiện của tinh thần tập thể, sự đoàn kết và tính kỷ luật.
Về khả năng thì người Việt không thua kém bất cứ người nước nào nhưng điều buồn là nước mình vẫn chưa phát triển như đúng tiềm năng vốn có. Niềm tin giữa người với người cũng như uy tín và sự phát triển bền vững đã không được coi trọng trong một bộ phận người dân.
Người ta thường nói: "Có uy tín là có tất cả”. Trong kinh doanh, nếu uy tín càng cao thì đồng tiền sẽ càng nhiều và càng sâu. Tại Dai-ichi Life Việt Nam, tôi đang áp dụng cả hai phương diện của phương Tây và Nhật Bản. Mọi thứ vừa mang tính hiện đại để các cá nhân có thể phát triển nhưng cũng rất đoàn kết, gắn bó, để tạo nên uy tín thương hiệu.
Tự tin tiến lên
Tuy ra đời sau so với nhiều thương hiệu bảo hiểm nhân thọ khác nhưng dưới sự lèo lái của Takashi Fujii, Dai-ichi Life Việt Nam là một trong những thương hiệu hàng đầu trong ngành bảo hiểm.
Không dừng lại ở vị trí thứ tư, người lãnh đạo tài ba này đang hướng đến vị trí thứ 3 và cao hơn nữa. Để chuẩn bị cho sự đi lên này, Dai-ichi Life Việt Nam đang làm một "cuộc cách mạng" trên toàn bộ các mặt trận...
* Như ông đã nói, Dai-ichi Life Việt Nam đang trong quá trình thực hiện một dự án mà khi hoàn thành sẽ nâng tầm thương hiệu lên nhiều lần. Cụ thể đó là gì, thưa ông?
- Chúng tôi đang thử nghiệm mô hình đội ngũ tư vấn viên chuyên nghiệp và hiện đại. Trong năm nay, chúng tôi triển khai bước đầu với 40 người cốt cán nhất. Sau khi được đào tạo, họ sẽ trở thành những người gắn bó lâu dài với thị trường, với khách hàng, với công ty.
Trên thực tế, công ty nào cũng muốn hướng đến sự chuyên nghiệp, chất lượng nhưng vấn đề là cách triển khai. Mỗi công ty có một cách làm khác nhau và không có công ty nào làm đúng - sai mà vấn đề là mình có kiên trì làm hay không.
Làm thế nào ngồi tại công ty tôi có thể biết được 3 năm sau có 200 văn phòng, biết được điểm yếu, điểm mạnh của từng người. Và tất cả những điều này được chia sẻ cho tất cả mọi người trong công ty. Thực hiện được điều này cần có sự đồng bộ về nhận thức giữa các cấp nhân viên trong công ty.
Hiện tại, chúng tôi đang triển khai cho đội ngũ lãnh đạo cấp cao. Hết năm nay sẽ triển khai xuống hàng trung cấp để năm thứ 3 triển khai xuống từng cá nhân. Khi đã gắn được từng cá nhân vào chiến lược, mục tiêu của công ty thì mọi kế hoạch, chiến lược đều có thể làm được.
* Và ông tin mình sẽ thành công với dự án này?
- Công ty mẹ có cái nhìn rất dài hơi nên họ không đặt vấn đề thời gian với tôi. Người Nhật rất kiên trì và tôi cũng đã học được điều này ở họ. Với kế hoạch của công ty, tôi sẽ làm đến cùng để thay đổi quan điểm, cái nhìn của mọi người về ngành bảo hiểm Việt Nam. Tôi hay nói với nhân viên là học cái gì cũng có lợi.
Vấn đề là làm sao để vận dụng cái mình học vào đâu chứ không phải học là để đó, học để trưng bày. Với tôi, càng phức tạp tôi càng thích đi tìm vì chắc chắn sự phức tạp nào nó cũng có nguyên nhân và nguyên lý của nó.
Năm nay, dù kinh tế vẫn chưa hết khó khăn nhưng chúng tôi vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 20% cùng với hơn 100 văn phòng phủ kín các tỉnh, thành. Cùng với việc tăng chất lượng đại lý, chúng tôi thành lập một đội ngũ chuyên nghiệp, hiện đại để có thể triển khai toàn quốc trong năm tới.
* Vậy còn mục tiêu vươn lên vị trí thứ 3 thị trường như ông đã từng nói thì sao?
- Bất kỳ một DN nào cũng đều muốn vươn lên ở thứ hạng cao hơn. Nhưng trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, để tăng lên 1% thị phần không phải là dễ. Vì vậy, tôi đang xây một hệ thống theo một chuẩn mực khá thực tế và phải mất 3 năm nữa mới hoàn thành.
Mọi việc vừa mang tính chiến lược, chiến thuật, vừa mang tính phối hợp đồng bộ giữa các bộ phận trong công ty. Nếu mình tạo được hệ thống, sự minh bạch và gắn kết được quyền lợi cá nhân vào tầm nhìn công ty thì chẳng phải là vị trí số 3, số 2 mà số 1 cũng có thể làm được. Mọi thứ đang thực hiện một cách chắc chắn và tôi không xây lâu đài trên cát.
Đừng nghĩ đến sự "đền bù”
Takashi Fujii quan niệm khi đã làm thì đừng nghĩ đến sự đền bù. Vì khi đã làm việc bằng cả tấm lòng, bằng tất cả sức lực và khả năng thì sẽ được đền bù xứng đáng. Đó cũng chính là điều khiến ông được lãnh đạo công ty mẹ tin tưởng đề bạt vào ban lãnh đạo cấp cao - vị trí mà nhiều người Nhật dù đã cống hiến mấy chục năm vẫn chưa dám nghĩ đến.
Dù đã "đưa Dai-ichi Life về Việt Nam" và đang dốc toàn sức cho sự phát triển của công ty nhưng ông vẫn ấp ủ sẽ làm nhiều việc hơn nữa cho xã hội, cho cộng đồng, đặc biệt là làm cầu nối cho nhiều công ty Nhật đầu tư vào Việt Nam.
* Là tổng giám đốc một công ty con của Dai-ichi Life Nhật Bản nhưng ông lại được lãnh đạo bổ nhiệm làm thành viên cấp cao của công ty mẹ. Chắc hẳn ông phải có điều gì đó thật đặc biệt mới có thể thuyết phục được lãnh đạo tập đoàn?
- Thành viên HĐQT công ty có 24 người và tôi đã được bổ nhiệm hai năm nay. Khi đưa tôi lên vị trí này, lãnh đạo công ty đã tính đến chuyện sẽ tiếp tục mua thêm những công ty khác và họ muốn tôi phát huy triệt để lợi thế của mình.
Nói thật là vào thành viên HĐQT cũng là niềm hãnh diện của tôi vì để có được vị trí này không phải dễ. Để "bật lên" giữa hàng chục ngàn nhân viên là cả một chặng đường phấn đấu.
Tuy nhiên, tính tôi đã làm thì làm cho đến cùng, làm thì phải tròn vai, phải cố gắng hết sức và làm hết trách nhiệm chứ không phải làm vì cái "chức vụ” mình đang có. Bởi tôi nghĩ khi mình đã làm tất cả những gì có thể thì chắc chắn sẽ được đền bù.
* Sau những cống hiến và những gì xứng đáng nhận được tại Dai-ichi, ông có nghĩ mình sẽ đồng hành với thương hiệu này đến cuối đời?
- Hiện tại, lãnh đạo công ty mẹ đang tạo điều kiện tốt nhất để tôi đi về giữa Việt Nam và Úc - nơi vợ và các con tôi đang sống. Họ cũng muốn tôi mang những kinh nghiệm điều hành công ty tại Việt Nam để áp dụng cho những công ty khác mà họ mua ở châu Á.
Với tôi, không có sự ngừng nghỉ. Tuy nhiên, làm như thế nào cho phù hợp với tuổi của mình thì còn đang phải tính toán.
Không ai có thể gắn mãi với công ty được. Vì thế, tôi đang xây dựng đội ngũ kế thừa đủ vững vàng để đến một lúc nào đó khi mình rời đi, công ty vẫn vận hành như nó vốn có.
* Không chỉ lo "kế thừa" sau này cho Dai-ichi Life Việt Nam, ông còn có ý định làm cầu nối cho các DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam?
- Hiện nay, dù đang làm việc tại Dai-ichi nhưng vẫn có nhiều DN Nhật Bản nhờ tôi giúp những thông tin về thị trường Việt Nam. Với những gì trước nay đã làm, tôi nghĩ, mình sẽ có thể giúp được nhiều DN Nhật khi muốn đầu tư vào Việt Nam.
Đó cũng là hướng tôi nghĩ đến sau khi về hưu. Đến hôm nay, tôi vẫn giữ quốc tịch Nhật là vì thế. Với lợi thế của một công dân Nhật Bản, tôi có điều kiện tốt để làm cầu nối giữa hai nền văn hóa, hai dân tộc, hai nền kinh tế dễ dàng hơn
Theo Hồng Nga
Theo Doanh nhân Sài Gòn
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!