Tinh thần "tu sĩ" của Carlos Ghosn
Carlos Ghosn là vị CEO lâu đời nhất và cũng là người đã tạo ra một trong những thay đổi ngoạn mục nhất trong lịch sử của sản xuất xe hơi hiện đại, giải cứu thành công Nissan bên bờ vực phá sản.
Năm 1999, theo đề xuất của hãng Renault (Pháp), Ghosn được chuyển đến để giúp Nissan Motor đang bên bờ vực thẳm.
Khoảng thời gian này, ông đã cắt giảm chi phí, đóng cửa nhà máy thua lỗ, thu hẹp mạng lưới nhà cung cấp, bán các tài sản không sinh lời, và tái cấu trúc văn hóa của Nissan.
Chỉ sau 1 năm, Ghosn đã đưa Nissan mạnh mẽ trở lại đường đua khi lợi nhuận bắt đầu chảy về công ty.
Kể từ đó, Ghosn với cương vị CEO đã đưa Nissan trở thành một trong những công ty thu về lợi nhuận cao nhất thế giới.
Dưới sự lãnh đạo của ông, Nissan đã đẩy mạnh thị phần tại các thị trường mới nổi như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, và Đông Nam Á. Nhiều dây chuyển sản xuất cốt lõi cũng được đưa ra ngoài Nhật Bản để cắt giảm chi phí.
Không dừng lại ở đó, năm 2010, Ghosn cho ra mắt dòng xe hơi điện Nissan LEAF dẫn đầu doanh số bán ra của thị trường xe hơi điện thế giới cho đến nay.
Sinh ra ở Brazil, lớn lên ở Lebanon, học tại Paris, Ghosn thông thạo bốn ngoại ngữ, hiện đang giữ chức vụ CEO cho 3 công ty sản xuất xe hơi lớn của thế giới là Renaut (Pháp), Nissan (Nhật Bản) và AvtoVaz (Nga).
Kỷ luật là trên hết
Điều hành 3 công ty sản xuất xe hơi lớn của thế giới tại ba quốc gia khác nhau, năm 2014, Ghosn đã gia tăng thị phần của tất cả các dòng xe lên 10% với lợi nhuận thu về hơn 140 tỷ USD.
Mô tả về cuộc sống của mình, Ghosn dùng từ "tu sĩ". "Mọi việc đều phải được lên kế hoạch và liên lạc", ông chia sẻ với Daniel Roth, biên tập viên cao cấp của LinkedIn trong cuộc phỏng vấn diễn ra vào tháng 4/2014.
Ghosn cho biết lịch làm việc của ông đã được lên kế hoạch trước tận 15 tháng. Thời gian di chuyển là thời gian để ngủ. Khi bước xuống sân bay, ông phải ngay lập tức xử lý từng vấn đề của mỗi doanh nghiệp ông đến.
Vì vậy, Ghosn có nguyên tắc là khi ở công ty nào thì chỉ tập trung giải quyết vấn đề của công ty đó. Không nhập nhằng công việc nhiều công ty với nhau.
"Tôi bắt đầu với nguyên tắc khi tôi ở Nhật Bản, tôi xử lý công việc của Nissan. Khi ở Paris, tôi xử lý công việc của Renault. Và tương tự với AvtoVAZ khi tôi ở Nga. Tôi không nhầm lẫn công việc giữa các quốc gia vì không muốn nhân viên dưới quyền của mình ở mỗi nơi phải băn khoăn và lo lắng".
"Ở đây không có chỗ cho những người mơ mộng hoặc thích làm việc tự do. Nếu bạn thích điều đó, bạn đừng làm công việc này", ông thẳng thắn chia sẻ.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Ghosn cứng nhắc và bảo thủ. Bất kể ở quốc gia, văn hóa nào, Ghosn đều yêu cầu nhân viên dưới quyền của mình phải bày tỏ ý kiến trong mọi cuộc họp, dù rằng các ý kiến đó sẽ gây ra tranh cãi.
"Trong tất cả những cuộc họp chung, tôi luôn đề cao văn hóa tranh luận giữa các thành viên trong nhóm. Tôi cho phép các nhân viên đưa ra các quan điểm riêng nhưng phải đi kèm lập luận cho mỗi quan điểm. Sau đó, chúng tôi cùng thảo luận những mặt được và mất, rồi đưa ra quyết định cuối cùng".
Ghosn cho rằng điều này cực kỳ quan trọng, cần thực hiện ngay cả khi vị giám đốc điều hành đã có quyết định riêng. Lý do là môi trường tự do tranh luận sẽ cho mọi người cơ hội cùng lắng nghe và cùng tập trung thảo luận cho vấn đề chung. Khi quyết định được đưa ra là lúc cuộc tranh luận kết thúc, doanh nghiệp sẽ không phí thời gian để đắn đo khi thực thi sau đó.
Tôn trọng sự đa dạng
Trong bài trả lời phỏng vấn với McKinsey cách đây 2 năm, Ghosn đã chia sẻ rõ quan điểm lãnh đạo của mình.
Trong quá trình điều hành doanh nghiệp, Ghosn nhận ra tất thảy các công ty đều phải đối mặt với hai dạng khủng hoảng. Một là cuộc khủng hoảng nội bộ phát sinh do công ty đã không được quản lý tốt. Hai là khủng hoảng bên ngoài do những yếu tố khách quan tác động như các trận động đất ở Nhật Bản, lũ lụt ở Thái Lan.
Ghosn cho rằng các doanh nghiệp cần tập trung nhiều hơn cho các cuộc khủng hoảng bên ngoài, bởi chúng thách thức khả năng thích nghi, tìm ra chiến lược phù hợp để lèo lái doanh nghiệp của các CEO.
Sau trận động đất tại Nhật năm 2011, Nissan tuy bị ảnh hưởng nhưng vẫn ở tình trạng khá hơn rất nhiều so với các công ty sản xuất xe khác của Nhật. Lý do là trong suốt 10 năm trước đó, Nissan liên tục tập dượt để ứng phó với các thiên tai có thể xảy ra.
Ghosn cũng cho biết Nissan được hưởng lợi nhiều từ môi trường làm việc đa văn hóa. Chính sự đa đạng của cuộc sống đã giúp Ghosn cũng như các nhân viên khác của Nissan có được nhiều góc nhìn hơn khi đưa ra một vấn đề.
"Khi xảy ra khủng hoảng, chúng tôi cũng huy động được đa dạng kinh nghiệm ứng phó hơn từ những lối suy nghĩ của các nền văn hóa khác nhau trong công ty".
Về tinh thần lãnh đạo, Ghosn nhấn mạnh "các nhà lãnh đạo của tương lai phải cực kỳ giỏi trong việc ổn định cảm xúc của mình. Vì thế giới truyền thông hiện tại thích tìm kiếm các yếu tố tiêu cực. Và khi bạn làm điều gì đó ngược lại với lối suy nghĩ thông thường, bạn sẽ bị đả kích rất lớn. Điều này rất dễ đẩy các CEO rơi vào cái bẫy của sự an toàn, dễ dàng. Chúng ta cần tỉnh táo".
Theo Daniel Roth, tinh thần điều hành doanh nghiệp như một "tu sĩ" của Ghosn có thể không phù hợp với tất cả, nhưng đó là bài học mà mọi người cần cố gắng thực hiện để kiểm soát công việc lẫn cuộc sống riêng.
>> 'Bỏ việc ngân hàng là quyết định đúng đắn nhất của đời tôi!'
Theo LÂM NGHI