Thủ tướng Angela Merkel: Từ kẻ bị căm ghét đến vị thế của người hùng

16/09/2015 17:46 PM |

“Đó không phải là nước Đức, nếu bây giờ mới bắt đầu lên tiếng xin lỗi vì chỉ tỏ ra thân thiện trước một tình huống khẩn cấp, đây không phải cách xử sự tại đất nước của tôi” – bà Angela Merkel tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Berlin vào thứ ba.

Một bức tranh hoàn toàn trái ngược đang xảy ra với Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel. Từ việc bị chỉ trích vì những chính sách cứng rắn đối với sự sụp đổ của Hy Lạp, giờ đây, chính trị gia này đang được tung hô như người hùng thực sự trước cơn bão di cư vào châu Âu.

Một số nhận định cho rằng, quyết định biến Đức trở thành trại tị nạn lớn nhất tại châu Âu có thể đưa sự nghiệp chính trị của Angela Merkel lên một đỉnh cao mới, hoặc hoàn toàn phá hủy nó.

Vào ngày 26/8, nữ thủ tướng đi thăm một trại tị nạn ở thị trấn Heidenau miền đông nước Đức và lắng nghe câu chuyện của những người Syria về hành trình đau thương mà họ đã trải qua để tới được đây. Họ bị chế nhạo, bị ruồng bỏ, thậm chí một số khác thậm chí còn gọi họ là những “kẻ phản quốc”. Chứng kiến điều đó, một người vốn nổi tiếng cứng rắn như Angela Merkel đã bị thôi thúc hành động ngay, để cứu lấy những con người khốn khổ này.

Công việc tiếp theo mà bà thực hiện, như chúng ta đã biết, đó là lên một kế hoạch chào đón cơn bão tị nạn tiến vào nước Đức. Trong khi động thái này gần như thay đổi hoàn toàn hình ảnh của Merkel so với những gì bà đã làm trước cuộc khủng hoảng của Hy Lạp, ở mặt khác nó lại gây nên một làn sóng chia rẽ tại lục địa già còn hơn cả sự kiện đồng Euro mất giá.

“Đó không phải là nước Đức, nếu bây giờ mới bắt đầu lên tiếng xin lỗi vì chỉ tỏ ra thân thiện trước một tình huống khẩn cấp, đây không phải cách xử sự tại đất nước của tôi” – bà Angela Merkel tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Berlin vào thứ ba.

“Chào mừng tới nước Đức”

Đức vốn là quốc gia được ví như thỏi nam châm về việc làm cho cư dân các nước cùng khu vực châu Âu như Tây Ban Nha, Hy Lạp hay Ý. Hiện nay, đây thậm chí còn là miền đất hứa, là điểm đến lý tưởng cho tất cả những người tị nạn đúng như chiến lược mà bà Merkel mong muốn “Chào mừng tới nước Đức”. Thay vì con số 800.000 người theo ước tính của bộ trưởng bộ Nội vụ Đức, thực tế lượng người đến Đức đã đạt mốc 1 triệu theo thống kê mới nhất vào tuần qua. Và dường như, con số này không có dấu hiệu ngừng lại.

Trong khi nền kinh tế Đức tăng trưởng tốt với tỷ lệ thất nghiệp thấp, các quốc gia khác tại châu Âu đang phải “oằn mình” chống đỡ khủng hoảng và sự giận dữ đến từ người dân.

Angela Merkel từng kêu gọi châu Âu đoàn kết trong cuộc khủng hoảng tài chính trước đó, giờ đây bà cho rằng các nước khác cũng phải chia sẻ trách nhiệm trong việc bao bọc những người di cư.

Theo như thủ tướng Đức, “đây là một sự rủi ro lâu dài”, bởi nếu tất cả những người tị nạn đều đến Đức, họ sẽ cạnh tranh không chỉ công việc mà còn nơi ăn chốn ở với chính những người bản địa. Tất cả các nước châu Âu đều chào đón họ thì sẽ tốt hơn rất nhiều.

Ông Holger Schmieding, chuyên gia kinh tế hàng đầu của ngân hàng Berenberg nhận định: “Những động thái của các chính trị gia trong vấn đề tị nạn sẽ ảnh hưởng đến tương lai của khu vực này, đặc biệt là mang đến rủi ro cho chính trái tim của châu Âu.”

Quay trở lại năm 1989

Tổng thống Hungary, ông Victor Orban, dường như chẳng có chút đồng tình với người đồng cấp tại Đức. Hungary được biết đến là một trong những nước thu hút lượng dân di cư cùng với Hy Lạp và Italia, mới đây đã chặn hàng nghìn người tị nạn tại biên giới với Áo.

Phản ứng của bà Merkel vào ngày 5/9 nhằm kêu gọi sự mở cửa không chỉ do bị tác động bởi nỗi sợ hãi trước sự phẫn nộ tại các biên giới, mà còn bởi quan chức này dường như được gợi nhắc lại những gì đã xảy ra tại biên giới Hungary mùa hè năm 1989. Tình cảnh lúc đó không khác gì so với hiện nay, khi những người ở Đông Đức phải xếp những hàng dài, chờ đợi được tiến vào Tây Đức.

Cuộc khủng hoảng di cư giống như một thảm họa về tính nhân đạo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nước Đức nên chọn một thời điểm thích hợp để thay đổi vĩnh viễn hình ảnh của mình. Thay vì là trái tim, quốc gia này nên là một cái đầu lạnh và tỉnh táo của cả châu Âu.

“Có lẽ bà Merkel đã nhìn thấy khả năng kêu gọi các nhà lãnh đạo khác của châu Âu về sự đoàn kết khu vực. Phải chăng thủ tướng Đức đang nỗ lực trấn an châu Âu, đồng thời cải thiện hình ảnh của bản thân, đặc biệt sau những chỉ trích về cách hành xử của bà trước cuộc khủng hoảng Hy Lạp.” – Jackson Janes, chủ tịch viện nghiên cứu nước Đức đương đại tại Washington, Mỹ nhận định.

Các cảnh báo chính trị

Nội tại nước Đức cũng đang gánh chịu sự phản đối trước những thay đổi về chính sách.

Hàng ngày văn phòng Đảng liên minh của bà Angela Merkel tiếp nhận hàng trăm e-mail và thư từ chỉ trích cách làm của người đứng đầu quốc gia. Những ý kiến phải đối tập trung vào việc nếu nước Đức thất bại trong việc kiểm soát những người nhập cư từ Syria, bà Merkel sẽ phải chịu trách nhiệm với những hậu quả xảy đến với đất nước.

Động thái giang tay chào đón người tị nạn đồng thời kêu gọi các nước trong khu vực cùng hành động của bà Merkel cũng vấp phải sự bất động từ các chính trị gia khác, điển hình là thủ tướng xứ Bavaria, ông Horst Seehofer đã lên tiếng chỉ trích việc “tiếp nhận những người tị nạn không được phép vào Hungary tới nước Đức”. Quan chức này cho rằng xứ Bavaria giờ đây là nơi trú chân của nhiều người tị nạn còn hơn cả trên toàn nước Pháp, tất cả chỉ vì sai lầm của Angela Merkel.

Một số thành viên cấp cao trong Đảng cũng tỏ ra không mấy vui vẻ trước chính sách mở cửa của thủ tướng Đức. Họ nghi ngờ về việc người đứng đầu quốc gia này không thể đưa ra một con số cụ thể trong việc giới hạn lượng người di cư tràn tới Đức tại buổi họp báo mới đây.

Sau khi bảo vệ quan điểm của mình về việc cho phép những người tị nạn chưa đăng ký được đến nước Đức, bà Angela Merkel hiện tại vẫn giành được phần lớn sự ủng hộ của người dân trong nước khi vẫn có khoảng 62% cho rằng nước Đức hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề, bên cạnh 35% cảm thấy choáng ngợp với tình trạng nhập cư tại đây.

Nhà lãnh đạo "mềm dẻo"

Cho dù Angela Merkel luôn lắng nghe và cân nhắc những cảnh báo dành cho mình liên quan đến việc tranh cử sắp tới. Đã mười năm rồi bà Merkel ngồi trên ghế thủ tướng của Đức, ở giữa nhiệm kỳ thứ 3 của mình, liệu chính trị gia này có những chiếc lược mềm dẻo nào trước cuộc chạy đua vào năm 2017.

Những người tị nạn vẫn cứ tiếp tục kéo đến. Bộ ngoại giao Đức ước tính có khoảng 40.000 người tới Đức vào cuối tuần trước, gấp đôi lượng người được chính phủ Anh cho phép trong vòng 5 năm tới.

Thư Anh

Cùng chuyên mục
XEM