Sợi Thế Kỷ: "Nghịch lý" xuất khẩu sợi khi Việt nam đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung vải
Theo ông Đặng Triệu Hòa, các quy định về xuất xứ “Từ vải trở đi” theo EVFTA hay JVFTA và “Từ sợi trở đi” theo TPP sẽ làm thay đổi cơ cấu ngành dệt may của Việt Nam một cách mạnh mẽ.
Những năm gần đây, việc ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) hay mới đây nhất là hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã mở ra cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành dệt may nói riêng.
Tuy vậy, để được hưởng lợi từ các hiệp định thì sản phẩm dệt may cần phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe hơn như xuất xứ “từ sợi trở đi” và đây cũng là rào cản gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Triệu Hòa- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Sợi Thế Kỷ (STK), một trong những doanh nghiệp lớn sản xuất sợi trong nước về tác động của các hiệp định thương mại tới ngành dệt may.
* Các hiệp định thương mại tự do (FTA), TPP đang mở ra cơ hội lớn cho kinh tế Việt Nam. Ông có thể đánh giá tác động những hiệp định này tới ngành dệt may?
Ông Đặng Triệu Hòa: Theo đánh giá của tôi thì các hiệp định TPP, FTA sẽ có tác động rất tích cực tới lượng và chất của ngành dệt may Việt Nam.
Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được chính thức thông qua, thuế suất các sản phẩm may mặc sẽ được giảm từ 17,5% xuống 0%. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại song phương với Hàn Quốc (KVFTA) sẽ giúp dòng thuế cho dệt may sẽ giảm từ 12% xuống 0%; với châu Âu (EVFTA) giảm từ 9,6% xuống 0%, và với Nhật Bản (JVFTA) giảm từ 10% xuống 0%.
Với Sợi Thế Kỷ, thuế suất nhập khẩu sợi vào Hàn Quốc, một thị trường đang nhập khẩu sợi của chúng tôi sẽ giảm từ 8% xuống 0% ngay khi KVFTA có hiệu lực (đầu năm 2016).
Việc giảm thuế suất đáng kể từ các Hiệp định thương mại này sẽ là động lực lớn cho các hãng thời trang quốc tế chuyển các đơn hàng may mặc sang Việt Nam nhiều hơn và doanh thu xuất khẩu các mặt hàng may mặc của Việt nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm tới.
Mặt khác, các quy định về xuất xứ “Từ vải trở đi” theo EVFTA hay JVFTA và “Từ sợi trở đi” theo TPP sẽ làm thay đổi cơ cấu ngành may mặc của Việt Nam một cách mạnh mẽ. Trong chuỗi sản xuất dệt may của Việt nam hiện nay chỉ có khâu may mặc là phát triển nhất, khâu dệt nhuộm còn rất yếu và Việt nam đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung vải.
Để được hưởng ưu đãi thuế ở các hiệp định EVFTA, JVFTA và TPP, vải bắt buộc phải sản xuất ở Việt nam và để đón đầu các hiệp định thương mại nói trên. Hiện đang có một làn sóng đầu tư vào lĩnh vực dệt- nhuộm- sợi ở Việt Nam với khá nhiều doanh nghiệp nội, FDI xây nhà máy và/hoặc tăng công suất.
* Như đã nói về làn sóng đầu tư mạnh vào các khâu khác của ngành dệt may, trong đó có sợi, vậy Sợi Thế Kỷ có lo ngại áp lực cạnh tranh?
Đối với Sợi Thế Kỷ, việc cạnh tranh với các công ty nước ngoài không phải là điều mới vì trong suốt 15 năm qua chúng tôi luôn phải cạnh tranh với các doanh nghiệp hàng đầu của Đài Loan, Trung Quốc trên các thị trường xuất khẩu và nội địa.
Để tồn tại trong cuộc cạnh tranh với các công ty đó, Sợi Thế Kỷ luôn phải cải tiến hoạt động SXKD để nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng và hạ giá thành sản phẩm. Tôi cho rằng có cạnh tranh mới có tiến bộ. Việc các doanh nghiệp này xây dựng nhà máy ở Việt Nam thì sẽ có thêm cạnh tranh trên thị trường lao động.
Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng với môi trường làm việc chuyên nghiệp, văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, nhiều cơ hội thăng tiến và chính sách lương, thưởng cũng như chương trình phát hành cổ phiếu cho người hấp dẫn thì Sợi Thế Kỷ vẫn có sức hấp dẫn người lao động.
* Lý do gì khiến xuất khẩu là hướng đi chủ đạo của công ty trong khi thị trường dệt may trong nước vẫn đầy tiềm năng?
Trước đây và hiện nay xuất khẩu vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu doanh thu (chiếm trên 70% tổng tiêu thụ sản phẩm) là vì các doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều nhu cầu sử dụng loại sợi phân khúc cao cấp trong khi chúng tôi có thể xuất khẩu các mặt hàng này với giá bán cao hơn các loại sợi thông thường. Trong thời gian tới, Sợi Thế Kỷ sẽ gia tăng tỷ trọng bán nội địa nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng sợi của các nhà máy dệt nhuộm mới được thành lập hoặc đang mở rộng công suất.
* Công ty có kế hoạch mở rộng phát triển đầy đủ chuỗi giá trị của ngành để tận dụng thêm lợi thế từ các hiệp định thương mại?
Hiện tại, Sợi Thế Kỷ đang có định hướng mở rộng sang mảng dệt nhuộm nhằm mục đích tiếp cận thị trường và nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển cũng như gia tăng lợi nhuận cho công ty. Chúng tôi đang làm nghiên cứu khả thi cho dự án này.
Chúng tôi cũng có thể liên kết với các công ty may mặc để tạo thành chuỗi cung ứng Sợi – Dệt nhuộm – May Mặc khép kín nhằm gia tăng chuỗi giá trị của ngành dệt may. Chiến lược phát triển này cũng sẽ khai thác thêm được ưu thế kinh doanh cho công ty trong khuôn khổ hiệp định TPP cũng như đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị trường trong tương lai.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!