Rebecca Nguyễn: "Dù ở đâu tôi vẫn là người Việt Nam"

29/07/2015 08:54 AM | Nhân vật

Sau rất nhiều lần hẹn không thành, cuối cùng tôi cũng gặp được Rebecca Nguyễn tại văn phòng công ty do cô điều hành ở trung tâm thành phố Auckland, New Zealand.

Vừa vui vẻ mời tôi ngồi, Rebecca vừa nhanh tay mở chiếc bao thư cô mới nhận từ Việt Nam. Không giấu được niềm vui trong ánh mắt, Rebecca đưa cho tôi xem tấm bằng xác nhận phần đóng góp 90 triệu đồng của cô vào việc xây dựng cây cầu cho trẻ em nghèo đến trường...

"Dù ở đâu tôi vẫn là người Việt Nam", Rebecca cười nói khi tôi tỏ ra ngạc nhiên vì một người bận rộn như cô vẫn dành thời gian để nắm bắt thông tin về các hoạt động từ thiện, những mái ấm tình thương, những hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam thông qua báo chí và người thân.

Rebecca tới New Zealand du học vào những năm đầu thập niên 2000 khi vừa hoàn tất chương trình trung học phổ thông và chuẩn bị vào đại học. Cuộc sống vất vả của một du học sinh khi phải vừa học vừa làm để tự trang trải mọi chi phí không hề làm Rebecca cảm thấy mệt mỏi mà trái lại là chất xúc tác giúp cô có thêm động lực để thu nạp kinh nghiệm cũng như kỹ năng sống.

Có thời điểm, khi vừa lấy bằng Diploma, Rebecca đã phải tạm ngưng việc học ở trường đại học để tập trung cho công việc. Sau khi mọi việc ổn định cô mới quay lại trường để tiếp tục lấy bằng cử nhân (Bachelor).

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc một cô gái ở độ tuổi ngoài hai mươi chỉ sau một thời gian vừa học vừa làm tại đất khách quê người đã có thể tự lập ra một công ty tư vấn định cư mà nhân viên đa phần là người bản xứ.

Khó khăn, áp lực cạnh tranh và vô vàn thử thách đến với Rebecca tại thời điểm khởi nghiệp. Tuy nhiên, với cô gái 8X này, đó là những bài học quý giá giúp cô vững bước trên những chặng đường tiếp theo.

Khi được hỏi tại sao quyết định chọn con đường trở thành một chuyên gia tư vấn nhập cư, Rebecca cho biết lúc đầu là nghề chọn cô nhưng rồi càng làm, càng thấy gắn bó và yêu nghề, càng cảm thông với người dân di cư khi phải hòa nhập với môi trường sống mới, nền văn hóa mới, hệ thống luật pháp mới.

Hơn nữa, bản thân cũng là người nhập cư nên Rebecca thấu hiểu các khó khăn liên quan đến việc nhập cư và sự cần thiết có một chuyên gia tư vấn định cư chuyên nghiệp, có kinh nghiệm hỗ trợ quá trình nhập cư, giúp cho quá trình tưởng như phức tạp này trở nên suôn sẻ, thuận lợi.

"Ngoài các yếu tố khách quan và sự nỗ lực của bản thân, tôi nghĩ mình cũng là người may mắn" - Rebecca nói - "Tôi may mắn vì đã được học và làm việc cho một người chủ rất giỏi và rất tốt bụng, người đã hướng dẫn và tạo điều kiện cho tôi từ khi bước chân vào nghề cho tới khi trở thành chuyên gia tư vấn nhập cư được Chính phủ New Zealand công nhận và cấp bằng hành nghề chuyên nghiệp vào tháng 3/2009 theo Luật Immigration Advisers Licensing Act 2007 và sau này, khi tôi thành lập công ty riêng. Những gì học được trong thời gian làm việc tại công ty cũ đã giúp tôi có được những thành công nhất định như ngày hôm nay".

Rebecca Nguyễn thành lập Best Immigration Service., Ltd (BIS) vào năm 2012 với mục tiêu cung cấp các dịch vụ và tư vấn nhập cư, bao gồm cả việc đại diện khách hàng khiếu nại hay kháng cáo đối với tòa án bảo hộ và nhập cư. Chỉ sau hơn 3 năm hoạt động, với đội ngũ chưa tới mười thành viên, BIS đã hỗ trợ hàng trăm khách hàng đạt được các mục tiêu di trú.

Điều khiến Rebecca hài lòng nhất với hoạt động của Công ty là đội ngũ chuyên nghiệp, gồm cả những người bản xứ có kiến thức sâu rộng về luật pháp để hỗ trợ cô đưa ra những tư vấn chính xác cho khác hàng cũng như giúp giải quyết các trường hợp khó khăn khách hàng gặp phải.

Một ví dụ điển hình là trường hợp một khách hàng ở Việt Nam, thông qua một công ty tư vấn làm hồ sơ để xin thị thực theo diện đoàn tụ gia đình, đã 2 lần bị Sở Di trú New Zealand từ chối cấp thị thực do không tin vào sự trong sạch và mức độ trung thực trong mối quan hệ của các đương đơn cũng như các giấy tờ có liên quan.

Chỉ đến khi BIS tiếp nhận hồ sơ, bằng kinh nghiệm, khả năng, sự kiên nhẫn trong việc rà soát từng chi tiết tưởng chừng rất nhỏ, Rebecca đã tháo gỡ nút thắt, thuyết phục được nhân viên Sở Di trú New Zealand và giúp cho gia đình đương đơn được đoàn tụ.

Nắm bắt được tình hình phát triển kinh tế cũng như ngoại giao giữa New Zealand và Việt Nam, Rebecca đang thực hiện ý định đóng góp vào việc phát triển quê hương thông qua việc thành lập một văn phòng đại diện tại Việt Nam để thúc đẩy việc giao thương giữa hai nước.

Đây sẽ được coi là mảng hoạt động chính thứ hai của Công ty BIS. Rebecca giải thích: "Trong quá trình làm việc và hợp tác với khách hàng là những doanh nhân thành đạt, những nhà đầu tư cũng như đối tác, tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa giữa thị trường Việt Nam và New Zealand vào những năm tới.

Bên cạnh đó, tôi cũng nhận được sự ủng hộ từ các đối tác tại New Zealand, đặc biệt là Trung tâm Thương mại New Zealand và sự hậu thuẫn từ các khách hàng Việt Nam, những người đang là chủ các doanh nghiệp trong nước, khi quyết định mở rộng lĩnh vực hoạt động".

"Người Việt, đặc biệt là người Việt trẻ, có thể thành công ở bất cứ quốc gia nào, trong bất cứ lĩnh vực nào nếu họ tự tin, đam mê, chịu khó học hỏi và nỗ lực phấn đấu không ngừng cũng như biết tích lũy kinh nghiệm khi làm việc trong những môi trường chuyên nghiệp. Rào cản về văn hóa, ngôn ngữ chỉ là những trở ngại ban đầu trên con đường khởi nghiệp", Rebecca khẳng định.

Theo Phan Hà

Cùng chuyên mục
XEM