[Q&A] Hỏi Phạm Lê Nguyên làm sao khởi nghiệp?

24/03/2015 09:06 AM |

Phạm Lê Nguyên là cô gái góp mặt trong danh sách “30 Under 30” do Forbes bình chọn năm 2015. Nổi tiếng với vai trò đồng sáng lập Kenh14.vn, Lê Nguyên đã từ bỏ công việc với mức thu nhập hấp dẫn để khởi nghiệp với 5Desire – nơi kết nối start-up với các nhà đầu tư, hoặc trực tiếp đầu tư vào các start-up tiềm năng.

Q: Tôi nên khởi nghiệp từ khi nào? Đang ngồi trên ghế nhà trường có thể khởi nghiệp được hay không?

A: Có người bảo các bạn nên khởi nghiệp từ khi là sinh viên. Có người nói không nên khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tôi quan niệm: Khởi nghiệp vào lúc nào không phụ thuộc vào độ tuổi mà phụ thuộc vào tích lũy của các bạn. Những tích lũy ấy các bạn hoàn toàn có thể làm được khi đang còn là sinh viên.

Q: Tức là tôi hoàn toàn có thể khởi nghiệp dù chưa ra trường?

A: Có thể, nếu những tích lũy của bạn đã đủ. Với những bạn chưa tích lũy đủ, khi ra trường các bạn sẽ gặp nhiều khó khăn. Khi không có quan hệ, kiến thức, hiểu biết trong thị trường, lúc khởi nghiệp sẽ rất bơ vơ. Các bạn sẽ phải học mọi thứ bằng chính doanh nghiệp của mình. Học như vậy rất lâu.

Khi đã có nền tảng từ trước, khởi nghiệp sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Q: Nếu đang làm việc cho một công ty và làm part-time cho start-up của riêng mình, làm sao biết đâu là thời điểm “chín” để tách khỏi công ty và là full-time cho start-up?

A: Tùy vào từng người và bạn là người quết định. Bạn có đủ đam mê để theo đuổi start-up của riêng mình, đủ đam mê để gạt bỏ các thú vui khác hay không? Bạn đừng tô hồng khởi nghiệp. Khởi nghiệp cực kỳ gian khổ.

Còn xác định thời điểm tách, chúng tôi luôn thích các doanh nghiệp full-time và không thích làm việc với các doanh nghiệp part-time chút nào. Nếu tự tin, bạn nên từ bỏ công việc để tập trung vào doanh nghiệp start-up của mình cho “ra ngô ra khoai”.

Q: Làm thế nào xây dựng được mối quan hệ tốt trong quá trình khởi nghiệp? Có phải khi start-up rồi sẽ chỉ chọn đối tác mà không chọn bạn bè?

A: Giữa đối tác và bạn bè, cần có ưu tiên. Nhưng không phải là khi chọn đối tác sẽ không có bạn bè gì hết.

Khi xây dựng mối quan hệ, điểm đầu tiên là khi đến với bất kỳ ai, bạn cũng đến với tâm tốt, làm quen không phải vì muốn lợi dụng mà đến để làm bạn, hoặc đến để làm giúp họ cái gì đấy. Khi đến bằng tâm tốt, người ta sẽ đáp lại bằng tâm tốt.

Bạn có thể gieo một tâm tốt nhưng đừng vội mong chờ điều tốt đó quay lại với bạn. Cứ làm thế đi, đến khi bạn cần người nào giúp thì người ta sẽ giúp bạn.

Nếu muốn tạo cơ hội gặp gỡ nhiều người, bạn có thể đến các networking events.

Q: Khi sinh viên khởi nghiệp, đâu là điều khó khăn nhất?

A: Không cần phân chia start-up là sinh viên hay không là sinh viên, vì cứ start-up là khó khăn.

Khó khăn thứ nhất là không có một đội ngũ (team) tốt. Nếu các bạn có team với background (nền tảng) khác nhau và mọi người bù đắp được cho nhau thì tốt hơn rất nhiều cho khởi nghiệp. Nếu team thiếu 1 mảng thì đã rất khó khăn rồi.

Các bạn trong team cần có kinh nghiệm, hiểu biết thị trường, và cả năng lực kỹ thuật nếu start-up trong lĩnh vực IT (công nghệ thông tin)...

Khó khăn thứ 2 là về tài chính.

Khó khăn thứ 3 là mọi người trong team đều thiếu kinh nghiệm trong khi ở Việt Nam rất thiếu mentor (người hướng dẫn).

Tôi vẫn nhấn mạnh việc thiếu kinh nghiệm và kiến thức. Khi không hiểu sâu được vấn đề mà khởi nghiệp thì rất khó khăn. Khi ấy, fail (thất bại) là đương nhiên.

Q: Vậy nên tìm team theo tiêu chí nào?

A: Họ phải hợp với mình, chia sẻ giá trị công ty mà mình đang theo đuổi.

Họ phải có thế mạnh mà mình không mạnh bằng họ.

Cofounder (đồng sáng lập) phải cần nhau. Nếu không, họ sẽ tự lập business (doanh nghiệp) của họ mà không cần Cofounder là mình.

“Tôi nghĩ là các start-up Việt cần nghiên cứu thật kĩ thị trường trước khi khởi nghiệp. Các bạn cũng cần liên kết với nhau nhiều hơn để rút ngắn thời gian tìm hiểu xuống. Nếu các bạn muốn làm điều gì lớn lao, đừng chỉ dừng lại ở mong muốn và đam mê mà các bạn phải thực sự hết mình vì nó. Đấy là điều tôi mong muốn nhất đối với các bạn trẻ khởi nghiệp” – Phạm Lê Nguyên, Nhà sáng lập và Giám đốc Điều hành CTCP Truyền thông và Đầu tư 5Desire.

 

Nội dung chia sẻ của Phạm Lê Nguyên được chúng tôi ghi lại tại Sự kiện Kết nối khởi nghiệp, diễn ra ngày 21/3/2015 tại Hà Nội. Đây là sự kiện bên lề cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai 2015 do CLB Nhà Doanh nghiệp Tương lai – Trường Đại học Ngoại thương tổ chức.

Được tổ chức thường niên từ năm 2006, Khởi nghiệp cùng Kawai là cuộc thi Ý tưởng kinh doanh dành cho sinh viên dưới sự tài trợ của Quỹ học bổng Kawai, Nhật Bản. Bắt đầu từ năm 2014, cuộc thi đã chính thức nhận được sự bảo trợ từ phía Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.

>> Phạm Lê Nguyên: Người đi 'ươm mầm' những đam mê

Thanh Thủy (ghi)

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM