PGS.TS. Trần Hoàng Ngân: Quốc hữu hóa NH âm vốn lớn trong năm 2015 là lựa chọn đúng!

02/03/2015 09:59 AM |

Ở giai đoạn hiện nay, quá trình tái cơ cấu hệ thống NH mặc dù đã đạt được rất nhiều thành công nhưng vẫn chưa hoàn tất. Vì vậy, trong năm 2015 chúng ta không nên áp dụng phương án phá sản để xử lý các NHTM yếu kém.

Nội dung nổi bật

Theo TS Trần Hoàng Ngân:

- Cổ đông đều bị mất vốn như nhau cho trường hợp quốc hữu hóa hay cho phá sản ngân hàng yếu kém âm vốn lớn.

- Trong bối cảnh quá trình tái cơ cấu hệ thống NH chưa hoàn tất, việc áp dụng quốc hữu hóa ngân hàng âm vốn nhiều là lựa chọn đúng nhằm đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống.

- Nên áp dụng phá sản ngân hàng âm vốn lớn/yếu kém từ năm 2016 trở đi, vừa giúp lành mạnh hóa thị trường, vừa tránh tình trạng tâm lý ỷ lại.

- Hạn mức bảo hiểm tiền gửi nên tăng lên từ 100 triệu đồng – 200 triệu đồng từ năm 2016.


Quốc hữu hóa Ngân hàng thương mại yếu kém (nợ xấu cao, âm vốn lớn) như Ngân hàng Xây dựng (VNCB) được đánh giá là cách làm khôn ngoan của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi kịp thời can thiệp xử lý những ngân hàng có nguy cơ sụp đổ lớn nhất, đã thành công và đã loại bỏ được tác động xấu lan truyền của nó đến toàn hệ thống.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, NHNN nên áp dụng phương án quốc hữu hóa hay cho phá sản đối với những ngân hàng yếu kém như VNCB? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với PGS. TS Trần Hoàng Ngân – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing về vấn đề này.

Thưa ông, mới đây trong một cuộc trao đổi với báo giới, lãnh đạo NHNN cho biết “GPBank có thể sẽ là trường hợp được quốc hữu hóa tiếp theo”. Có ý kiến cho rằng, quốc hữu hóa NH yếu kém như trường hợp của VNCB hay dự kiến tới đây là GPBank là không cần thiết vì tiền ngân sách còn dùng cho việc khác quan trọng hơn. Ông có đồng tình với quan điểm này không?

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân: Trước hết chúng ta cần xác định rằng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là 1 trong 3 trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế đang được thực hiện.

Trong tái cơ cấu ngân hàng và hệ thống tín dụng, chúng ta ưu tiên củng cố, phát triển hệ thống NHTM; nâng cao năng lực cho các NHTM và trên hết là phải đảm bảo được mục tiêu quan trọng nhất - ổn định được hệ thống tài chính quốc gia. Ổn định hệ thống tài chính quốc gia được xem là mục tiêu quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, khi NHNN đưa ra một giải pháp xử lý nào đối với các ngân hàng yếu kém phải đặt vào trong tổng thể nói trên.

Đến nay, chúng ta nhìn nhận rằng quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đạt được những kết quả rất tốt. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số ngân hàng yếu kém như trường hợp của VNCB. VNCB có nợ xấu cao và lỗ từ hoạt động kinh doanh đã “ăn hết” vốn chủ sở hữu, nhưng các cổ đông của VNCB đã không góp thêm vốn để đảm bảo hoạt động của NH khi được yêu cầu. Trong khi đó, người dân và doanh nghiệp vẫn còn tiền gửi tại Ngân hàng này; NHNN cũng đang cho VNCB vay.

Vì vậy để xử lý một ngân hàng rơi vào tình huống nợ xấu cao, âm vốn, có 2 khả năng xảy ra: (i) Cho NH phá sản; (ii) Quốc hữu hóa NH. Cả 2 trường hợp này, cổ đông đều mất hết vốn (chấp nhận nguyên tắc trong đầu tư “lời ăn lỗ chịu” – PV). Tuy nhiên:

(i) Cho phá sản NH chúng ta phải cân nhắc được gì và mất gì? Cái nguy hiểm nhất khi xử lý một NH phá sản áp theo Luât phá sản (Luật phá sản sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2015) thì người gửi tiền sẽ được nhận khoản tiền bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi – tối đa 50 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ được nhận (nếu có) phải theo trình tự của Luật phá sản (Trình tự số 3 – PV). Điều này đồng nghĩa rủi ro còn lại người gửi tiền phải chịu - ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người gửi tiền qua đó gây ra bất ổn định cho hệ thống và gây ra hiệu ứng dây chuyền “domino”, đe dọa tính an toàn của hệ thống.

Sử dụng phương án “cho phá sản Ngân hàng” trong thời điểm hiện tại tôi cho rằng, giữa cái được và không được thì cái không được quá lớn. Cái được từ việc cho phá sản nếu có trong bối cảnh hiện này là đảm bảo tính minh bạch, “có chơi có chịu”, người gửi tiền phải chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Nhưng việc cho phá sản ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống NH khi mà quá trình tái cơ cấu vẫn chưa hoàn tất.

(ii) Quốc hữu hóa ngân hàng. Phương án này đảm bảo an toàn cho hệ thống NH. Ở phương án này, NHNN rất vất vả, họ phải lo củng cố, phát triển NH, chuyển giao NH yếu kém cho một NHTM khác quản lý, điều hành hoạt động, thực hiện các nghiệp vụ chi trả tiền gửi cho dân, đảm bảo an sinh, hoạt động có lãi để bù đắp các khoản thiếu hụt đó. Điều quan trọng là cần thời gian để xử lý.

Ở giai đoạn hiện nay, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mặc dù đã đạt được rất nhiều thành công nhưng vẫn chưa hoàn tất, vẫn đang diễn ra. Hệ thống NHTM mặc dù đã vượt qua những khó khăn trước đây nhưng tính bền vững phải có thêm thời gian. Vì vậy, tôi cho rằng, năm 2015 này chúng ta không nên áp dụng phương án phá sản để xử lý các NHTM yếu kém, thay vào đó nên áp dụng phương án quốc hữu hóa NH cho các tình huống tương tự VNCB.

Nhưng sang năm 2016 trở đi, chúng ta phải áp dụng Luật phá sản. Bởi thời điểm đó (từ năm 2016) tính an toàn của hệ thống và hệ thống NHTM đã có quá trình tái cơ cấu tương đối hoàn thành, các NH đã hiểu luật và nâng cao năng lực của mình; người gửi tiền phải cân nhắc trong việc chọn NH gửi tiền. Khi đó chúng ta phải triển khai và áp dụng Luật Phá sản.

Vậy ông có cho rằng nếu áp dụng phương án cho phá sản ngân hàng yếu kém trong năm 2015 sẽ ảnh hưởng đến lộ trình tái cơ cấu NH như đã đề ra vì “tính mới” của Luật Phá sản và các thủ tục phá sản không?

Theo Luật phá sản, chủ nợ được quyền làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp/NH thiếu nợ mình. Vì vậy, NHNN với tư cách là một chủ nợ của VNCB được quyền yêu cầu cho phá sản.

Tuy nhiên, quá trình để “được phá sản” sẽ tốn thêm chi phí, thời gian, nhưng quan trọng hơn là nó tạo ra tâm lý bất an cho cả hệ thống. Bởi như tôi đã đề cập, quá trình tái cơ cấu hệ thống NH chưa xong, vẫn còn vài NH yếu kém cần tái cơ cấu. Trong khi chúng ta chưa kịp xử lý các NH yếu kém mà hệ thống bị bất ổn sẽ rất nguy hiểm.

Vì vậy chọn phương án quốc hữu hóa NH là lựa chọn đúng để quá trình tái cơ cấu NH diễn ra nhanh chóng hơn, thông suốt hơn.

Theo như thông tin đã đưa thì năm nay khả năng sẽ còn quốc hữu hóa thêm 2 NHTM yếu kém như VNCB, ông ước tính lượng tiền NSNN phục vụ cho quá trình quốc hữu hóa NHTM có lớn không?

Tôi nghĩ rằng, không thể lấy Ngân sách Nhà nước - NSNN bù đắp vào đây được mà quan trọng là cần thời gian. Hiện, chúng ta chưa biết chính xác các NHTM yếu kém nói trên lời lỗ, âm vốn bao nhiêu. Vì vậy, phải quốc hữu hóa NH thì NHNN mới có thể nắm được bên trong một cách cặn kẻ hơn và đồng thời duy trì hoạt động lấy thu bù chi, bù đắp các thiệt hại, giảm thiệt hại, giảm khoản NS phải chi ra. Cái này chính xác là NHNN “lấy công làm lời”, NHNN phải tốn công, NHNN đang hỗ trợ. Không chi có NHNN hỗ trợ mà cả hệ thống NH đang hỗ trợ, vì trong kinh doanh thì “buôn có bạn bán có phường”. Các NHTM cùng với NHNN hỗ trợ tái cơ cấu NH yếu kém để hệ thống ngân hàng an toàn, bền vững.

Mức bảo hiểm tiền gửi tối đa chi trả cho người gửi tiền trong trường hợp NH bị phá sản 50 triệu đồng đang được cho là quá thấp, theo ông hạn mức bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam bao nhiêu là phù hợp?

Theo tôi, hạn mức bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam nên từ mức 100 – 200 triệu đồng, áp dụng từ năm 2016 trở đi.

Xin cảm ơn ông!

>> OceanBank và GPBank sẽ là trường hợp tiếp theo được quốc hữu hóa như VNCB?

Theo Q. Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM