Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: ‘Ra biển lớn, nếu để các CEO tự bơi lội, giữa dòng sẽ tự đắm’

26/09/2014 11:06 AM | Nhân vật

''Khi ra biển lớn, chính phủ cần đứng sau, hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu để các CEO tự bơi lội, giữa dòng sẽ tự đắm”.

Phần 1: Câu thần chú của ‘vua hàng hiệu’ Johnathan Hạnh Nguyễn: ‘Mặt bằng, mặt bằng và mặt bằng’ 

Một câu hỏi khác được đặt ra cho ông Johnathan Hạnh Nguyễn tại buổi đối thoại với chủ đề “Chiếc la bàn ra biển lớn’’ trong khuôn khổ Diễn đàn Việt Nam CEO Forum 2014 là: Các doanh nghiệp F & B (thực phẩm và đồ uống) Việt Nam thường ‘sớm nở tối tàn’. Vậy doanh nghiệp Việt thiếu những điều gì để kinh doanh chuỗi F&B thành công và ra được biển lớn?

‘’Muốn làm fastfood phải LUÔN đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng (standard)’’

Ngoài hàng hiệu, ông Johnathan Hạnh Nguyễn kinh doanh thành công các chuỗi cửa hàng fastfood nhượng quyền như Domino’s Pizza, Fresh Chicken hay Burger King…

Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh nhượng quyền với các chuỗi thương hiệu fastfood quốc tế, ông Hạnh Nguyễn bật mí: “Bí mật của các thương hiệu fastfood quốc tế là luôn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng (standard). Doanh nghiệp Việt chưa đảm bảo được điều này thì chưa thể mở chuỗi’’.

Minh họa bằng cửa hàng ăn gia đình, ông nói: Cửa hàng thứ nhất được mở ra bán một món ăn nào đó thành công, cửa hàng thứ 2 món ăn đó chỉ giống đến 90 %, cửa hàng thứ 3 hương vị đã khác đi nhiều, đến cửa hàng thứ 10 là không còn là món ăn ban đầu nữa.

Chuỗi fastfood quốc tế sở dĩ mở được hàng trăm, hàng nghìn cửa hàng tại nhiều quốc gia là bởi họ đảm bảo được định lượng và tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

‘’Ví dụ ở chuỗi cửa hàng Fresh Chicken (bán các món gà).

Trước khi mở cửa hàng, doanh nghiệp phải kí hợp đồng với nhà cung ứng, đảm bảo đúng 8h sáng, trong vòng 30ph phải có gà tươi đem tới. Sản phẩm làm ra quá 30 phút không có khách ăn phải đem đổ bỏ. Gà tươi không được để đông đá, phải để tủ lạnh mát, ngày hôm sau không hết phải bỏ. Một cái đùi gà cần bao nhiêu muối, đường, bột chiên đều được quy định rõ.

Kiểm tra thời gian sau khi làm ra sản phẩm, nếu vi phạm quá giờ quy định mà hàng vẫn còn thì quản lý cửa hàng phải chịu trách nhiệm. Do đó, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá thành thường cao hơn để bù đắp chi phí hàng tồn kiểu này’’.

Đó là cách làm của chuỗi quốc tế. Còn các doanh nghiệp Việt, thường sẽ chọn cách lấy công làm lãi, bán giá thấp để cạnh tranh, nhưng chất lượng sản phẩm không ổn định. Cũng bởi giá bán thấp nên không còn chi phí cho những thiệt hại xảy ra.

Ngoài ra, cũng như kinh doanh thời trang, mặt bằng cũng là yếu tố mấu chốt trong kinh doanh fastfood. ‘’Mặt bằng – mặt bằng – mặt bằng” là câu ông Hạnh Nguyễn nhắc đi nhắc lại khi chia sẻ bí quyết kinh doanh của mình.

Doanh nghiệp Việt phải ‘chạy vượt rào’ để đua với các doanh nghiệp ‘chạy đường trường’ 

Trao đổi về các chính sách kinh doanh dành cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, ông Hạnh Nguyễn ví von rằng: ‘’Trên đường đua, tất cả các nước có mặt sân thoáng, doanh nghiệp của họ là các vận động viên đường trường, có thể chạy hết tốc lực. Còn doanh nghiệp Việt Nam lại phải nhảy rào, tức là chạy vượt rào, đua với doanh nghiệp chạy đường trường’’.

Hiện tại, vẫn còn có những rào cản về cơ chế làm chậm, làm khó doanh nghiệp trong nước. Ông Hạnh đề xuất: ‘’Tôi không muốn bỏ hết rào cản, vì nếu bỏ hết thì doanh nghiệp sẽ chạy loạn. Nhưng cần gỡ bỏ bớt, giãn bớt rào cản, ví như 10 cái gỡ bớt 3-4 cái, các doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận nhảy rào nhưng cần có đà để vượt rào. Khi ra biển lớn, chính phủ cần đứng sau, hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu để các CEO tự bơi lội, giữa dòng sẽ tự đắm”.

Vị doanh nhân này cũng khẩn thiết đề nghị các bộ ngành khi ban hành quyết định thời gian cần thời gian có hiệu lực rộng hơn: ‘’Không thể ký công văn ngày hôm nay thì văn bản có hiệu lực ngay trong hôm nay. Bởi quyết định này đến doanh nghiệp phải qua công báo, và doanh nghiệp thường biết khi đã đặt hàng rồi. Văn bản cần quy định rõ ngày có hiệu lực sau một khoảng thời gian sau khi ban hành, 30 ngày hay 60 ngày chẳng hạn, để doanh nghiệp có thời gian thích ứng’’.

Đề xuất cuối cùng của vị chủ tịch 65 tuổi của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPP: ‘’Tôi về Việt Nam đã 30 năm, tôi chứng kiến việc kinh tế đất nước mở cửa hội nhập. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật hiện hành đang như tấm lưới đan với nhau, nếu sửa đổi cũng giống như rút chỗ này lại đụng chỗ nọ, kéo chỗ này lại trùng chỗ kia. Chúng ta cần xây dựng lại bộ luật kinh doanh hoàn chỉnh, dù có mất 10 năm đi nữa, nhưng có thể để lại được cho các thế hệ sau’’.

Kỳ Anh

Kỳ Anh

Cùng chuyên mục
XEM