Ông Ban Ki-moon về Việt Nam nhận là con cháu họ Phan?

31/10/2015 23:03 PM |

Theo một đại diện của dòng họ Phan, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã về Việt Nam dâng hương lên nhà thờ dòng họ Phan Huy ở xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, Hà Nội) và ghi lưu bút nhận là "một người con của dòng họ Phan".

Sáng 31-10, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Phan Huy Thanh - Trưởng chi 2, dòng họ Phan Huy ở Hà Nội, xác nhận thông tin Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã về Việt Nam để dâng hương lên nhà thờ dòng họ Phan Huy ở xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) vào tháng 5 vừa qua.

Theo ông Phan Huy Thanh, sự việc trên diễn ra vào ngày 23-5-2015.

“Khi vừa về, ông Ban Ki-moon chào hỏi mọi người rồi vào thẳng nhà thờ dòng họ Phan Huy để thắp hương. Thắp hương xong ông ra viết lưu bút rồi chụp ảnh lưu niệm cùng người trong dòng họ. Đến khoảng 16 giờ 45 thì ông cùng đoàn tùy tùng lên thẳng xe ra về” - ông Thanh cho biết.

Ông Phan Huy Thanh và lưu bút của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon

Ông Phan Huy Thanh cũng cho biết thêm trước khi ông Ban Ki-moon tới, khoảng ngày 10-5, có một nữ phiên dịch về liên hệ trước với ông thủ từ Phan Huy Giám thông báo việc sẽ có đoàn Liên hợp quốc về thăm nhà thờ dòng họ. Sáng 21-5, Đoàn bảo vệ về liên hệ với dòng họ Phan Huy để lên phương án đón tiếp và bảo vệ ông Ban Ki-moon.

Theo ông Phan Huy Thanh, ông Ban Ki-moon rất tình cảm, khi đến ông có bế và ôm ấp vỗ về 2 đứa trẻ trong dòng họ. Gặp người dân, ông đều bắt tay nói 2 từ “Cảm ơn”. Người dân ở đây đều cảm nhận ông rất thân thiện.

Ông Ban Ki-moon, phu nhân và những người trong đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng những người trong dòng họ Phan Huy trước nhà thờ Phan Huy ở Sài Sơn - Ảnh PV chụp lại

Ông Phan Huy Thanh cùng bức ảnh chụp với ông Ban Ki-moon trước nhà thờ họ Phan Huy

Ông rời nhà thờ Họ Phan Huy vào khoảng 16 giờ 45 phút cùng ngày 23-5.

Theo bút tích mà ông Ban Ki-moon để lại và được dòng họ Phan Huy trân trọng bảo quản, dịch ra, ông viết: “Tôi rất xúc động khi viếng thăm và tỏ lòng thành kính sâu sắc trước ngôi nhà thờ Phan Huy Chú và các thành viên khác của dòng họ Phan.

Cảm ơn dòng họ đã giữ gìn và bảo quản nhà thờ dòng họ này. Là một người con của dòng họ Phan, giờ đây giữ chức Tổng Thư ký của Liên Hợp Quốc. Tôi tự hứa với bản thân sẽ cố gắng làm theo những lời dạy của tổ tiên”.

Bút tích và bản dịch của ông Ban Ki-moon được lưu giữ tại nhà thờ dòng họ Phan Huy

Cũng trong sáng 31-10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một cán bộ truyền thông của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam xác nhận trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5-2015, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cùng phu nhân và rất ít người trong đoàn đã có chuyến đi đến huyện Quốc Oai. Đại diện truyền thông của UNDP Việt Nam cho biết đây là chuyến đi mang tính chất cá nhân của ngài Tổng thư ký Liên hợp quốc.

* Trước đó, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22 đến 23-5 theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của ông Ban Ki-moon kể từ khi nhậm chức Tổng thư ký Liên hiệp quốc từ năm 2007.

Trong chuyến thăm, Tổng thư ký Ban Ki-Moon đã hội kiến với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chào xã giao Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Ông Ban Ki-moon có cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, tham gia Lễ Khánh thành Toà nhà Xanh Một Liên hợp quốc, nói chuyện với với các sinh viên Học viện Ngoại giao và cán bộ ngoại giao trẻ và tham dự lễ kỷ niệm 1 năm ngày thành lập Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Năm 2010, Tổng thư ký Ban Ki-moon đã đến Hà Nội tham dự Hội nghị Cấp cao Liên hiệp quốc - ASEAN.

Ông Ban Ki-moon sinh ngày 13-6-1944, tốt nghiệp Trường Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), chuyên ngành quan hệ quốc tế, sau đó ông có bằng thạc sĩ về quản trị công tại Trường đại học Harvard (Mỹ). Ông Ban Ki-moon có vợ và 3 con. Ngoài tiếng Hàn Quốc, ông nói tiếng Anh và Pháp.

Ông trở thành Tổng thư ký Liên hợp quốc từ 1-1-2007. Trước đó, ông giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc.

Ông đã có nhiều nỗ lực và đóng góp trong việc thúc đẩy vai trò của Liên hợp quốc trên cả ba trụ cột là hòa bình-an ninh, phát triển và bảo đảm quyền con người.

Theo Nguyễn Hưởng - Dương Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM