Ông Andy Hồ: Dòng vốn FII vào Việt Nam đang trong xu hướng tăng

02/01/2015 15:43 PM |

Theo CIO của Tập đoàn VinaCapital, năm 2015 sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào Việt Nam thông qua kênh FDI lẫn FII. Thị trường chứng khoán Việt Nam là kênh đầu tư hấp dẫn nhưng thị trường BĐS cũng là một kênh đầu tư rất quan trọng.

Năm 2015 được dự báo là năm thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường tài chính trong nước, đồng thời các yếu tố đầu vào giảm trong những tháng cuối năm 2014 là tín hiệu quan trọng để các nhà đầu tư lạc quan về hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2015. Xung quanh nội dung này chúng tôi đã có trao đổi với ông Andy Ho, Giám đốc điều hành  - trưởng bộ phận đầu tư (CIO) của tập đoàn VinaCapital – tập đoàn hàng đầu Việt Nam về quản lý tài sản, quản lý đầu tư và phát triển bất động sản, sở hữu một danh mục đầu tư đa dạng với tổng tài sản quản lý gần 1,5 tỷ đô la Mỹ.

Ông đánh giá thế nào về kinh tế Việt Nam năm 2014?

Trong năm 2014, kinh tế Việt Nam đang trong xu hướng cải thiện, các chỉ số vĩ mô chủ yếu khá ổn định và sẽ dần tốt hơn trong năm tới. Giá xăng dầu thế giới hiện đã và đang  xuống thấp kỷ lục khiến chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp giảm đi rất nhiều và qua đó sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP. Các loại sản phẩm sẽ được điều chỉnh về mức giá cạnh tranh hơn so với thị trường thế giới và qua đó góp phần thúc đẩy xuất khẩu.

Khi lạm phát đã được kiềm chế một phần do giá dầu hạ dẫn đến chi phí vận tải giảm, người tiêu dùng sẽ cảm thấy mức thu nhập khả dụng của mình cao hơn trước dẫn đến việc nhu cầu tiêu thụ trong nước sẽ tăng mạnh và giúp tăng trưởng GDP trong thời gian tới.

Ông có cho rằng tiến trình cải cách các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện riêng trong năm 2014 thành công không?

Hoạt động tái cấu trúc/cổ phần hóa các DNNN trong năm 2014 đã có rất nhiều khởi sắc. Một số doanh nghiệp đã thực hiện thành công việc IPO và được rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.

Tuy nhiên để cổ phần hóa trên 400 DNNN với thời gian 2 năm 2014-2015, việc thực hiện cần rất nhiều nỗ lực và chúng tôi tin rằng, các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng sẽ có sự điều chỉnh kịp thời cho những kế hoạch IPO tiếp theo được thành công hơn.

Tại hội nghị của VinaWealth vào đầu tháng 12, ông khá lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2015, điều gì khiến ông tin là kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn trong năm 2015 khi mà cầu đang yếu, các doanh nghiệp vẫn khó khăn cục bộ?

Lý do để chúng tôi lạc quan vào triển vọng kinh tế của Việt Nam năm 2015 rất dễ thấy:

Về mặt chủ quan, các chính sách kinh tế đang đi đúng hướng, chỉ ra những vấn đề chính cần cải thiện, nổi bật nhất có thể kể đến việc cải tổ hệ thống ngân hàng, kiểm soát các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, từng bước giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

Các yếu tố trên đã giúp giảm nhẹ chi phí tài chính của doanh nghiệp qua đó giúp họ có thêm các cơ hội tiếp cận vốn vay nhằm phát triển sản xuất, góp phần khơi thông dòng tiền nhàn rỗi trong dân đưa vào các hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán, bất động sản hay tiêu dùng, làm cho hoạt động của các lĩnh vực này khởi sắc, thị trường bất động sản “ấm” dần hơn ...

Về mặt khách quan, các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng bắt đầu hồi sinh, nhu cầu tiêu dùng tăng hơn trước, đặc biệt là khi giá dầu giảm mạnh, các thị trường hàng hóa khởi sắc và Việt Nam, với nền kinh tế phụ thuộc khá lớn vào việc xuất khẩu, lợi ích sẽ tỷ lệ thuận với mức tăng trưởng GDP thế giới.

Ông cũng từng cho rằng, năm 2015 thu nhập của các doanh nghiệp sẽ tăng. Đâu là lý do chính (ngoài lý do tăng trưởng kinh tế) để ông cho rằng  thu nhập của các doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng 10%-15% trong năm 2015?

Thu nhập của doanh nghiệp sẽ tăng lên khi doanh thu tăng lên và chi phí sản xuất kinh doanh giảm đi. Hiện tại, lãi suất cho vay đang ở mức "chịu đựng được",các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn để mở rộng sản xuất với chi phí tài chính giảm hơn rất nhiều so với trước đây.

Giá dầu đang trên đà giảm, doanh nghiệp tiết kiệm được khoản chi phí vận hành, vận tải không nhỏ.

Hơn thế nữa, do lãi suất ngân hàng tại Việt Nam và ở các nền kinh tế lớn trên thế giới đã và đang được điều chỉnh giảm, điều này sẽ khiến người dân chuyển tiền từ việc gửi tiết kiệm sang các kênh kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn như địa ốc, chứng khoán hoặc sử dụng cho tiêu dùng...qua đó, tạo ra nhiều nhu cầu hơn trong các lĩnh vực kinh tế, mở rộng độ rộng thị trường giúp các doanh nghiệp có động lực để phát triển, tạo thêm sản phẩm để đáp ứng nhu cầu nhu cầu tiêu dùng nội địa và nhu cầu xuất khẩu.

Các yếu tố này (giá dầu, chi phí tài chính, nhu cầu tiêu dùng) có thể được coi là những yếu tố chính giúp thu nhập doanh nghiệp có thể tăng 10-15% trong năm 2015.

Vì sao ông cho rằng năm 2015 sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng? Cụ thể là nhà đầu tư trực tiếp hay gián tiếp (trên TTCK) sẽ tăng?

Lượng giải ngân FDI đã đạt khoảng 12-13 tỉ USD trong năm 2014 và dự kiến trong năm 2015, có thể cả những năm tiếp theo, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tăng cao hơn các năm trước.

Chỉ tính khoản đầu tư trực tiếp cam kết của tập đoàn Samsung đã vượt trội so với các năm qua, chưa kể đến các tập đoàn khác trong đó LG đã điểu chỉnh chiến lược sản xuất dài hạn của mình bằng việc mở thêm các cơ sở tại Việt Nam ... những hoạt động này sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm mới chuyên về sản suất các sản phẩm chất lượng cao phục vụ cho người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á và trên toàn thế giới.

FDI là dòng tiền đầu tư khá ổn định, dựa trên các yếu tố vĩ mô và không phụ thuộc vào những biến động tạm thời của thị trường nên có thể nói rằng, các nhà đầu tư quốc tế đang đáng giá cao sự phát triển kinh tế Việt Nam về mặt vĩ mô, môi trường đầu tư cũng như sự ổn định về mặt chính trị. Niềm tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam đã trở lại mạnh mẽ hơn mà ví dụ gần đây nhất là việc Moody’s và Fitch nâng mức đánh giá về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.

Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đã đạt 200-250 triệu USD trong năm 2014 và đang có xu hướng tăng trong thời gian tới. Thị trường chứng khoán là 1 kênh đầu tư hấp dẫn nhưng thị trường bất động sản cũng là một kênh đầu tư rất quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của nền kinh tế cũng như sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Bất động sản 2015 dưới góc nhìn chuyên gia

Thanh Giang

Cùng chuyên mục
XEM