Những doanh nhân sinh ra thời khắc đất nước thống nhất
40 năm kể từ khi chiến tranh chấm dứt và 20 năm kể từ khi hai quốc gia bình thường hóa quan hệ cùng chủ trương đổi mới và hội nhập của Việt Nam, nhiều thay đổi kinh tế, xã hội lớn lao đã diễn ra, một thế hệ doanh nhân trẻ cũng ra đời góp phần vào thay đổi diện mạo đất nước.
40 năm kể từ khi chiến tranh chấm dứt và 20 năm kể từ khi hai quốc gia bình thường hóa quan hệ cùng chủ trương đổi mới và hội nhập của Việt Nam, nhiều thay đổi kinh tế, xã hội lớn lao đã diễn ra, một thế hệ doanh nhân trẻ cũng ra đời góp phần vào thay đổi diện mạo đất nước. Sau đây là một số doanh nhân sinh ra vào thời khắc thống nhất đất nước- năm 1975.
Trịnh Văn Quyết- Chủ tịch tập đoàn FLC
Ông Quyết vốn là một luật sư lâu năm trước khi rẽ bước vào lĩnh vực bất động sản. Năm 2008, FLC Group thành lập từ tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Trường Phú Fortune với vốn điều lệ ban đầu 18 tỷ đồng.
Năm 2011, FLC Group niêm yết trên sàn HNX. Chỉ sau 1 năm khi sáp nhập FLC Land, tập đoàn này tăng vốn điều lệ từ 170 tỷ lên 722 tỷ đồng và nhanh chóng trở thành tên tuổi đáng chú ý trong ngành.
Hiện doanh thu chủ yếu của FLC đến từ bất động sản và thương mại, ngoài ra còn hoạt động trong các lĩnh vực như dịch vụ trực tăng và du thuyển, truyền thông và công nghệ, gofl, resort, đầu tư quốc tế.
Tính đến tháng 4/2015, doanh nhân 40 tuổi này đứng trong top 50 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản gần 330 tỷ đồng. Vốn xuất thân từ luật sư nên triết lý kinh doanh của ông Quyết là sự cẩn trọng, “Sự cẩn trọng luôn đem lại sự an toàn pháp lý cho mọi hoạt động của tập đoàn, cho các cổ đông và đối tác.” Nói như vậy không có nghĩa ông Quyết sẽ bỏ qua cơ hội kinh doanh bởi như doanh nhân này từng chia sẻ “máu liều trong tôi cũng sôi sục chẳng thua kém ai cả.”
Phạm Đình Nguyên và giấc mơ cà phê Việt trên đất Mỹ
Năm 2012, truyền thông Việt Nam và Mỹ rộ lên thông tin một nhà đầu tư Việt Nam đã mua lại một thị trấn nhỏ nhất tại Mỹ- Buford với giá 900.000 USD, trở thành thị trưởng và đổi tên thành PhinDeli. Đó chính là Phạm Đình Nguyên. Theo lý giải của ông Nguyên, cái tên PhinDeli có nghĩa là phin coffee delicious tức là cà phê phin Việt Nam rất ngon.
Với việc mua lại thị trấn tại Mỹ, ông Nguyên kỳ vọng “sự xuất hiện của cà phê phin đúng gu và đậm đà hương vị Việt Nam tại thị trấn PhinDeli là thông điệp khẳng định vị thế cà phê Việt trên bản đồ thế giới”. Sau khi mua thị trấn này, Phạm Đình Nguyên lập công ty PhinDeli kinh doanh cà phê mang thương hiệu PhinDeli. Hiện thương hiệu cà phê này đã xuất hiện rộng rãi tại các siêu thị tại Việt Nam với 2 nhóm sản phẩm cà phê hòa tan và cà phê rang xay.
Năm 2014, PhinDeli lại là cái tên gây chú ý với thông tin tập đoàn Kinh Đô sẽ mua lại cổ phẩn của công ty PhinDeli để bước chân vào thị trường cà phê. Nói về quyết định này, ông Nguyên cho biết nếu phải tự mình xây dựng một hệ thống phân phối chỉ để bán PhinDeli sẽ mất rất nhiều thời gian, tiền bạc cũng như công sức. Vì vậy quyết định hợp tác với một công ty đã có sẵn hệ thông phân phối như Kinh Đô để cả hai cùng vươn ra biển lớn.
Tuy nhiên đến nay việc hợp tác này vẫn chưa ngã ngũ do trong năm 2014 Kinh Đô bận rộn với thương vụ bán lại 80% mảng bánh kẹo cho Mondelez International và cùng lúc hợp tác với Vewong, Vocarimex mở rộng ngành hàng sang các lĩnh vực mới là mì gói và dầu ăn.
Phạm Đình Nguyên có thể xem là hiện tượng, đại diện cho hình ảnh lớp doanh nhân mới, sáng tạo và đề cao tinh thần “không gì không thể”.
Trần Anh Đức- Tổng giám đốc CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà
Sở hữu khối tài sản khoảng 228 tỷ đồng, lọt vào top 100 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng không hề có thông tin về ông Đức. Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà, thường được biết đến với cái tên Sudico, trong những năm 2011-2012 được biết đến là doanh nghiệp bất động sản có kết quả kinh doanh khá bết bát.
Mặc dù tài sản công ty khoảng 5000 tỷ đồng nhưng doanh thu năm 2011 chỉ đạt gần 145 tỷ đồng, lợi nhuận năm này còn -84,4 tỷ đồng. Năm 2012, doanh thu của Sudico thậm chí chỉ còn gần 59 tỷ đồng, lỗ tới 302 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trước tình hình này, Sudico liên tục có những thay đổi nhân sự cấp cao nhằm vực dậy công ty. Sang năm 2014, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này có chuyển biến tích cực khi ghi nhận doanh thu 1.293 tỷ đồng, gấp 9 lần năm 2011, lợi nhuận đạt tới 162 tỷ đồng.
Tuy nhiên trong đại hội cổ đông mới đây, lãnh đạo Sudico cho biết công ty còn lỗ lũy kế đến 31/12/2014 là -128 tỷ đồng nên không chi cổ tức năm 2014, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này có thể nói mới trở lại vạch xuất phát sau nhiều năm thua lỗ.
>> Muốn làm sếp, hãy học cách tự quản lý bản thân trước!
Kim Thủy