Nhà báo Anh Ngọc nói về "Nghề nguy hiểm" ở Italy: Sống cùng mafia trong vòng tay cảnh sát

21/06/2015 11:19 AM |

"Các anh có biết điều gì là tệ hại nhất không?", Michele Albanese, phóng viên về pháp luật của nhật báo Quotidiano del Sud, nói trên kênh truyền hình RAI.

"Là khi anh cảm thấy mình như một người xa lạ, một kẻ bị cô lập, một người trốn chui trốn lủi và bị đối xử như một như một bệnh dịch. Những người thân quen, bạn bè, những nguồn tin mà bạn từng làm việc, sẽ dẫn dần xa lánh bạn. Họ sợ hãi bị liên lụy. Cả cuộc đời bạn thay đổi. Cách suy nghĩ của bạn cũng thay đổi. Nhiều lúc tôi nghĩ, tôi đã sống trong sự bảo vệ của cảnh sát vì những gì tôi đã viết. Nhưng chúng ta đang ở Italy và đây là năm 2015".

Đấy là những suy nghĩ của người mới nhất được đưa vào danh sách bảo vệ của cảnh sát Italy, sau khi ông nhận được những lời đe dọa của mafia. Albanese đã sống cùng với ba nhân viên của lực lượng đặc biệt chống mafia từ gần một năm nay. Cảnh sát canh nhà ông 24/24 giờ. Họ đưa xe đến đón mỗi khi ông đi đâu và kiểm soát mọi dấu hiệu khả nghi. Căn phòng làm việc của ông giờ không khác gì một cái lô cốt.

Cuộc sống của ông hoàn toàn thay đổi, khi các nguồn tin được cung cấp cho ông ít hơn, ông trở nên cô đơn và trầm lặng hơn ngày trước. Những bài báo của ông, vốn đã nói lên khá nhiều điều về đời sống tội phạm ở thành phố Gioia Tauro đầy rẫy mafia này, ngày càng trở nên ít hơn. Ông nói ông luôn cảm thấy mình đang sống trong một cái lồng ngày càng trở nên nhỏ hẹp lại.

"Bố già" của các bố già Italy, Toto Riina

"Bố già" của các bố già Italy, Toto Riina

Tất cả thay đổi chóng mặt kể từ một ngày tháng 7/2014, khi cảnh sát trưởng thành phố Reggio Calabria, miền Nam Italy, gọi ông lên trình diện khẩn cấp để nói rằng, tính mạng của ông đang bị đe dọa. Một tiếng trước đó, cảnh sát đã nghe trộm được cuộc thoại giữa những tên trùm sỏ của một băng đảng thuộc 'Ndrangheta, hệ thống mafia của vùng Calabria, có nhắc đến tên Albanese và lời bàn bạc cần phải "trừ khử" ông.

'Ndrangheta không thích ông. Những bài báo điều tra của ông vào công việc tội ác của chúng ở đây khiến chúng giận dữ. Chúng muốn ông im lặng mãi mãi bằng cách sẽ cho chiếc xe ô tô của ông nổ tung cùng với ông trong đó. Chúng chưa làm được điều đó, bởi Albanese giờ đã trong vòng tay cảnh sát. Nhưng cuộc sống này không làm cho Albanese hạnh phúc. "Nếu mục tiêu của chúng là làm cho tôi buông cây bút, tôi nghĩ là chúng đã thành công", ông nói. "Tôi chỉ mong những ngày như thế này kết thúc, để trở lại với tự do".

Michele Albanese chỉ là một trong số gần rất nhiều phóng viên Italy đang sống trong sự bảo vệ đêm ngày của cảnh sát, sau khi nhận những lời đe dọa giết của mafia. Người nổi tiếng nhất trong số này là Roberto Saviano. Tác giả của cuốn Gomorra mô tả một cách chân thực sự tàn bạo và nguy hiểm của băng đảng Casalesi cũng như những tội ác của chúng ở vùng Campania, miền Nam Italy.

Trước cuốn sách ấy, hầu như không ai biết đến một băng đảng đã nhúng tay vào những hoạt động công nghiệp, kinh tế và cả chính trị của một khu vực rộng lớn của nước Ý, xung quanh Napoli. Băng Casalesi đã phản ứng lại bằng cách lên tiếng công khai đe dọa giết Saviano. Nhà báo ấy đã sống trong sự bảo vệ của cảnh sát từ gần 10 năm nay. Năm nay, Saviano mới 38 tuổi.

Báo chí Italy ước đoán rằng, có 30 đến 50 nhà báo đang ở hoàn cảnh ấy, nhưng con số thực sự-hiện do Bộ Nội vụ Italy nắm và từ chối cung cấp, có lẽ còn cao hơn thế nữa. Theo một thống kê của tổ chức Ossigeno, được điều hành bởi Alberto Spampinato, em trai của một nhà báo bị mafia sát hại năm 1972, trong 6 tháng đầu năm ở Italy, có 156 trường hợp nhà báo bị mafia đe dọa và kể từ năm 2006 đến nay, đã xảy ra 2.261 trường hợp như vậy, trong đó, đáng ngạc nhiên thay, đứng đầu là các vụ xảy ra ở vùng Lazio, nơi có thủ đô Rome, với 290 vụ.

Các phóng viên không chỉ bị đe dọa ở Palermo hay Reggio Calabria, nơi mà các hệ thống Cosa Nostra và 'Ndrangheta đang hoành hành, mà còn ở Milan hay Turin, những thành phố lớn ở miền Bắc. Những đe dọa diễn ra theo nhiều hình thức và mức độ: những chiếc xe của phóng viên bị đốt cháy, những phong bì chứa viên đạn được gửi tới nhà, những cú điện thoại nặc danh lúc nửa đêm, những lời bình luận hằn học trên Facebook, những cú đụng xe trên đường... Và cuối cùng, những cái chết.

Nhà báo Puca của tuần báo Panorama, người nổi tiếng với loạt bài điều tra về tổ chức mafia khét tiếng Camorra ở Naples, miền nam nước Ý cắt tóc trước khi rời khỏi Scampia.  Ảnh: Panorama

Nhà báo Puca của tuần báo Panorama, người nổi tiếng với loạt bài điều tra về tổ chức mafia khét tiếng Camorra ở Naples, miền nam nước Ý cắt tóc trước khi rời khỏi Scampia. Ảnh: Panorama

Trong những năm 1980, những đe dọa đối với các nhà báo không ít. Nhưng ngày đó, hiểm họa đến từ những lực lượng khủng bố cánh tả hoặc cánh hữu. Bây giờ, mọi chuyện khác hẳn, thậm chí theo hướng nguy hiểm hơn. Người ta đôi khi không thể nào biết được những kẻ đe dọa đến từ đâu và chúng sẽ làm gì, nhất là đối với những phóng viên điều tra các vụ tham nhũng của các quan chức và mối quan hệ mờ ám giữa họ với mafia.

Theo Lirio Abbate, cây viết hàng đầu của tuần báo nổi tiếng L'Espresso, đã 8 năm nay được cảnh sát bảo vệ đêm ngày: "Chính tiền đã thúc đẩy các vụ đe dọa nghiêm trọng nhất. Khi bạn tìm thấy một điều gì đó rất bất bình thường trong một công trường xây dựng, bạn cũng đánh động những kẻ sống trong bóng tối, vì bạn bắt đầu đụng chạm đến quyền lợi của họ, vốn được họ giữ bí mật". Lirio Abbate không có một cuộc sống bình thường.

Một số phóng viên của La Repubblica, một trong những nhật báo lớn nhất nước Ý, cũng như các phóng viên mảng tội phạm ở miền Nam Italy cũng thế. Magdi Allam, cây bút hàng đầu của nhật báo Il Giornale, là một người gốc Ai Cập và là một trường hợp khác. Từ 4 năm nay, ông đã sống với cảnh sát nhiều hơn là gia đình mình kể từ khi ông nhận được những lời đe dọa của những kẻ nặc danh sau loạt bài ông viết về những đền thờ Hồi giáo ở Italy, mô tả các thầy tế đã dùng những lời lẽ của mình để kích động Thánh chiến chống lại những người không theo Hồi giáo.

Sandro Ruotolo, một phóng viên nổi tiếng của chương trình truyền hình điều tra có tên "Servizio Pubblico", mới đây đã nhận được lời đe dọa từ Michele Zagaria, trùm của băng Casalesi. Đó là một lời đe dọa giết. Zagaria, hiện đang ngồi tù, đã bắn lời đe dọa đó qua nhiều người, trước khi nó đến tai Ruotolo. "Tôi tin rằng, với việc bắt giữ Ruotolo và Iovine (một bố già khác-A.N), bọn camorra (mafia vùng Campania, miền Nam Italy-A.N) rơi vào tình trạng hỗn loạn", Ruotolo nói trên tạp chí L'Espresso.

"Kể từ năm 2008 đến 2013, cảnh sát đã bắt giữ hơn 5 nghìn tên camorra. Nhưng có 300 tên trong số đó đã được thả tự do. Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano mới đây đã cung cấp thông tin về camorra cho Ủy ban chống mafia của Hạ viện. Có 78 băng camorra đang hoạt động tại khu vực Napoli, trong đó có 32 băng hoạt động trong thành phố, với 1.600 tên, trong tổng số 4 nghìn tên camorra trong vùng này. Nhưng những thông tin này chưa bao giờ được chuyển tới các nhà báo. Tôi tin rằng, chính phủ đang giấu giếm một sự thật kinh khủng về tội phạm ở Napoli". Ông kết luận: "Chúng tôi đang làm một công việc thật kinh khủng".

Cuộc chiến chống mafia vẫn tiếp diễn. Và ngày càng nhiều nhà báo trong sự bảo vệ của cảnh sát. Khi họ trong làn đạn của mafia, và đôi khi, cả sự bực bội của cảnh sát, khi những điều "tế nhị" liên quan đến họ bị các phóng viên phanh phui.

Trương Anh Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM