Rùng mình nghe chuyện làm báo trong nhà tù Hỏa Lò

21/06/2015 09:44 AM |

Nhà tù Hỏa Lò là một nhà tù lớn do thực Pháp xây dựng từ cuối thế kỉ XIX để giam cầm các chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, ở cái nơi hà khắc được ví như “địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” ấy, các chiến sĩ cách mạng trung kiên vẫn cho ra đời nhiều tờ báo - một việc làm nguy hiểm, nếu lộ ra là có thể mất cả mạng sống.

Làm báo dưới làn roi gân bò

Để có được những tờ báo, tạp chí, “êkíp” làm báo phải trải qua những công việc rất công phu và nguy hiểm tột cùng. Một số đồng chí thanh niên tin cậy, chữ đẹp nhất được chọn lựa như chiếc máy “photocopy”. Họ phải viết trên giấy thuốc lá bằng bút chì niger đen để lưu hành nội bộ và khi có những chuyến phát vãng đi Sơn La, Côn Đảo…, các đồng chí mang theo để tuyên truyền vận động cách mạng.

Giấy để viết được cung cấp từ hai nguồn: Từ ngoài vào như giấy thuốc lá, giấy bạch hoặc anh em trong tù tự kiếm lấy bằng cách dùng ngay các quyển kinh do cố đạo Đrônây mang vào. Anh em viết bằng bút chì đen hoặc bằng một thứ nước đặc biệt trên các khoảng trống giữa hai dòng chữ in. Khi nào đọc thì dùng một thứ hóa chất (tích trữ được) bôi lên, chữ sẽ hiện rõ. Bút viết thời kỳ này cũng hết sức đặc biệt, thuốc đỏ, thuốc xanh methylen được dùng làm mực, ngòi bút làm bằng nụ hoa ăngtigôn, quản bút làm bằng cành bàng.

Các “nhà báo” thời kỳ này làm việc trong điều kiện hết sức vất vả vì phải bí mật che mắt kẻ địch. Họ phải chui xuống gầm sàn để viết, ban ngày nhờ ánh sáng lọt qua các lỗ châu mai, ban đêm nhờ ánh đèn điện hoặc đèn dầu. Việc biên soạn tài liệu đã khó, việc cất giấu tài liệu lại càng khó hơn, sao cho tài liệu không lọt vào tay địch. Anh em phải tạo ra các “kho” bí mật để giữ gìn tài liệu. Đó là một kỳ công. Các đồng chí đục tường, rút gạch, làm thành kho để tài liệu rồi trát ximăng, quét hắc ín lại như cũ. Trong khi một số đồng chí đục tường, một số đồng chí khác phải giả vờ vật lộn nhau, làm ồn ào để át tiếng động, làm cho địch không phát hiện được. Tài liệu còn được bỏ vào hộp sữa, bọc kín lại, dòng dây thả xuống thùng phân. Ở trại nữ, chị em cũng đục tường làm chỗ cất tài liệu hoặc giấu tài liệu trong khố. Khâu lưu giữ kì công là thế nhưng nhiều khi cũng không tránh khỏi được “tai mắt” của kẻ thù. Khi phát hiện ra, chúng tìm mọi cách phá bỏ, rồi uy hiếp người cách mạng bằng đòn roi, lưu đày, thậm chí là thủ tiêu.

Khâu “phát hành” báo cũng phải tính toán rất kĩ lưỡng. Để đảm bảo việc liên lạc được bí mật, chi bộ chọn những đồng chí có tinh thần trách nhiệm cao và có khả năng bảo vệ tài liệu. Tài liệu cần chuyển thường được dựng trong túi vải con, đến giờ ra chơi, địch khó kiểm soát, các đồng chí đến nơi giao hẹn cho nhau. Địa điểm giao hẹn thường là hai bên bức tường ngăn khu xà lim với các trại nhất, nhì, ba. Hai bên ném đá để ra hiệu rồi sau đó ném túi tài liệu cho nhau. Phòng thuốc cũng là nơi liên lạc. Thông qua một số giám thị có cảm tình với tù chính trị, anh em tù cũng có thể liên lạc với nhau; ngoài ra, một số nhân viên phòng lục sự được cảm hóa cũng trở thành đường dây liên lạc, phát hành của ta.

Có thể nói rằng, vào thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, những tờ báo của người cộng sản vốn đã khó phát hành, việc xuất bản và tuyên truyền trong nhà tù càng khó hơn gấp bội. Nhưng chính sự khó khăn, nguy hiểm đó càng thể hiện được ý chí sắt đá của những người cách mạng kiên trung. Và khi những tờ báo đó đến tay người đọc, nó có một “sức mạnh” vô cùng lớn, giúp họ vững tin hơn vào lí tưởng để tranh đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

“Đồ nghề tác nghiệp” của các nhà báo cách mạng. 

“Đồ nghề tác nghiệp” của các nhà báo cách mạng. 

“Làng báo” sôi động

Một điều đáng khâm phục là mặc dù làm báo trong thời kỳ gian khổ, nguy hiểm là thế nhưng “làng báo” vẫn rất sôi động và đa dạng. Vào những năm 1930 - 1931, hàng trăm người Việt Nam yêu nước và chiến sĩ cách mạng bị bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò. Vào khoảng cuối năm 1931, sau nhiều thời gian bàn bạc, Chi bộ Đảng ở nhà tù Hỏa Lò được thành lập, do đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) làm Bí thư.

Sau khi ra đời, Chi bộ Đảng đã chủ trương cho ra Báo “Lao tù đỏ”. Vào ngày 4.1.1932, báo “Lao tù đỏ” số đầu tiên đã chính thức ra mắt (sau đổi tên là Lao tù Tạp chí). Ấn phẩm này xuất bản 1 tuần/lần. Nội dung của tờ báo chủ yếu đăng những bài vận động tù nhân tham gia Lao tù hội (hội quần chúng của Chi bộ Đảng), nêu lên các cuộc đấu tranh phản đối việc ngược đãi tù nhân, kêu gọi tù nhân đoàn kết, đấu tranh đòi thực dân Pháp cải thiện đời sống, hỏi và đáp về chủ nghĩa cộng sản; vận động, tuyên truyền lính người Việt, lính người Pháp, một số cai, đội ngả về phe cách mạng…

Cùng với tờ Lao tù Tạp chí, Lao tù hội cũng cho ra đời báo “Đời tù”, ra mỗi tháng 2 kỳ, vào ngày 7 và 24 hàng tháng. Nội dung của báo nhằm tuyên truyền, liên lạc giữa các tù nhân, giữa trại giam nam và nữ. Đồng thời, hướng dẫn, giáo dục phương pháp công tác, các hình thức đấu tranh cho tù nhân. Báo cũng nhằm trao đổi ý kiến, kinh nghiệm chống bọn phản động.

Cũng trong thời gian này, tù chính trị ở Hỏa Lò chủ yếu là cộng sản và Việt Nam Quốc dân đảng. Cùng bị giam chung trong một nơi nhưng do sự khác nhau về thế giới quan, quan điểm nên 2 bên đã có nhiều cuộc “bút chiến” trên báo chí. Quốc Dân đảng cho ra tờ “Bút tiêu sầu” để tiêu khiển với nhau trong những ngày tuyệt vọng và nói xấu những người cộng sản.

Những người cộng sản cũng cho ra đời tờ “Đuốc đưa đường” (do đồng chí Lê Duẩn làm chủ bút), tờ “Con đường chính”, “Đuốc Việt Nam” (do đồng chí Trường Chinh làm chủ bút); tờ “Thế giới” (do đồng chí Giáo Thẩm, Nguyễn Văn Chi biên soạn) để đấu tranh với những luận điệu sai trái, lạc hậu của Quốc Dân đảng và tuyên truyền vận động họ. Bằng những lý luận sắc bén, phù hợp với thời cuộc, báo chí của những người cộng sản đã góp phần làm phân hóa hàng ngũ Việt Nam Quốc dân Đảng, cô lập bọn cầm đầu phản động, tranh thủ những anh em có cảm tình với Đảng Cộng sản, rất nhiều người đã từ bỏ hàng ngũ Quốc dân Đảng chuyển sang Đảng Cộng sản.

Theo Đông Xuyên

Cùng chuyên mục
XEM