Người khơi ra vụ sữa dê Danlait nói gì?
“Là người tiêu dùng, con tôi đã dùng sữa của họ, tôi không hy vọng và không dám nghĩ sữa của họ có vấn đề".
"Nhưng tôi sẽ làm rõ những điểm còn mập mờ của công ty Mạnh Cầm và nguồn gốc sữa dê Danlait”, chị Hà nói.
Xót con nên phải đi tìm sự thật
Chị Cao Ngân Hà (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) là người đã đưa ra nghi ngờ về chất lượng, nguồn gốc sữa dê nhãn hiệu Danlait của Pháp, do Công ty TNHH Mạnh Cầm (trụ sở ở quận Thanh Xuân phân phối), sau khi con bị bị ốm vào những ngày Tết và cách hành xử thiếu tôn trọng khách hàng của công ty Mạnh Cầm.
Theo chị Hà, con chị nay 9 tháng tuổi, khi mới sinh bé nặng 4kg, bố là người Mỹ, nên thể chất bé phát triển rất tốt. Nhưng vì chị không có sữa nên phải cho bé dùng sữa ngoài. Sau một thời gian dùng sữa bò bé bị nóng, nên chị đổi sang sữa dê. Chị đã lựa chọn sữa dê nhãn hiệu Danlait của Pháp, do Công Mạnh Cầm nhập khẩu và phân phối.
Sữa dê Danlait được công ty Mạnh Cầm nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam. |
Tối 8/2, con chị Hà phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Nhi vì bị sốt, chị kể: “Các bác sĩ kết luận bé bị thiếu canxi, suy dinh dưỡng thể phù, sức đề kháng yếu. Có thể sữa Danlait đã không cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé, trong khi mình cứ tin tưởng nó”. Tuy không đổ tội cho sữa làm con ốm, nhưng chị Hà vẫn thắc mắc về chất lượng của sữa.
Vì vậy, chị đã nhờ bạn bè ở Pháp (cả Việt kiều và người Pháp) tìm hiểu về sản phẩm sữa dê Danlait tại thị trường Pháp, nhưng không tìm được. Chỉ phát hiện Công ty F.I.T - được Mạnh Cầm giới thiệu là Tập đoàn lớn ở châu Âu, nhưng thực chất chỉ có 26 nhân viên, và là một công ty môi giới về sữa, chứ không trực tiếp sản xuất. Một công ty có 26 nhân viên, không có công ty con thì không thể gọi là Tập đoàn được.
Càng nghi ngờ, chị tìm hiểu và phát hiện sữa Danlait thực chất chị là thực phẩm bổ sung, một dạng thực phẩm chức năng, trong khi Công ty Mạnh Cầm lại quảng cáo trên web là sữa dành cho bé ăn ngoài, mẹ không có sữa…
“Thực phẩm chức năng và sữa là hai loại hoàn toàn khác nhau, Mạnh Cầm đã cố tình nhập nhèm chuyện này”, chị Hà nói thêm, “nhìn đứa con sốt, vật lộn, gào khóc… bố mẹ nào chả xót, cùng với những thông tin tìm hiểu được, đó là động lực để tôi tiếp tục đi tìm sự thật thôi. Chứ tôi không đổ tội cho sữa, có thể con tôi ốm chỉ là trùng hợp”.
Công ty Mạnh Cầm xúc phạm người tiêu dùng?
Tối 28 Tết (tức 8/2), sau khi con nhập viện, chị Hà đã gọi điện để phản ánh với Công ty Mạnh Cầm. Chị được nhân viên công ty cho số điện thoại nói là của ông Sang (Đặng Minh Sang - PV), Phó giám đốc công ty. Chị Hà gọi và hỏi rất kỹ người nghe máy, người này nhận đúng là ông Sang, nên chị nói chuyện.
“Sau khi phản ánh, ít ngày sau có người khác gọi lại cho tôi, nói là “tôi mới là Sang, còn người hôm trước nói chuyện với chị chỉ là nhân viên thôi”. Cứ cho là vậy, nên tôi hỏi về những thông tin trên web của công ty F.I.T (Pháp) vì nghi là web giả, ông Sang nói không trả lời được.
Rồi anh ta đề nghị được tới nhà tham cháu, đền bù tinh thần, sức khỏe cho cháu… Tôi nghe thế là đã thấy vớ vẩn rồi. Con tôi ốm đã biết do đâu mà tới thăm với đền bù. Tôi là người có học, nhận thức đầy đủ, tôi không đổ tội tại sữa mà con tôi ốm. Nên tôi không đồng ý cho họ tới nhà. Tôi chỉ yêu cầu, nếu công ty không sai, cứ đưa thông tin đó ra cho mọi người cùng biết”, chị Hà kể lại.
Thậm chí, khi phản hồi với công ty, chị Hà còn bị nhân viên công ty Mạnh Cầm chửi mắng, xúc phạm, nói là “vu khống, làm tiền doanh nghiệp…”. Quá bức xúc, chị Hà đã đưa thông tin về sữa Danlait lên mạng.
Theo chị Hà, khi chị đưa thông tin lên diễn đàn, Công ty Mạnh Cầm vào lập các nick ảo để chửi bới, xúc phạm chị. Bức xúc qua, chị Hà đã phải nhắn tin cho ông Sang nói rằng: “Giờ người tiêu dùng cũng thông minh lắm, anh không việc gì phải lập những nick thế để làm gì, chỉ làm xấu hình ảnh công ty anh thôi, anh bỏ kiểu đó đi”.
Được biết, tới nay con chị đã khỏe lại, giờ chị Hà chỉ thắc mắc thương hiệu sữa Danlait có thật sự của Pháp không. Nếu đúng, công ty hãy đưa ra giấy bảo hộ thương hiệu sữa Danlait của Chính phủ Pháp cấp. Nếu không, Công ty Mạnh Cầm đang lừa dối người tiêu dùng.
“Còn về chất lượng sữa, cơ quan chức năng phải có trách nhiệm kiểm tra. Còn cá nhân tôi, tôi đang tìm đơn vị của nước ngoài để gửi mẫu sữa Danlait sang kiểm tra”, chị Hà nói thêm, “là một người mẹ, không ai lại nghĩ và cũng không hy vọng sữa có vấn đề, con mình đang bị đầu độc, rất đau lòng, sữa thì con mình đã dung rồi”.
Sau khi thông tin sữa dê Danlait do Công ty TNHH Mạnh Cầm nhập khẩu và phân phối có những dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, chiều 21/2, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm kho sữa của Công ty Mạnh Cầm, tại số 13, ngõ 2 Nguyễn Viết Xuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện công ty Mạnh Cầm đã không tuân thủ các điều kiện kinh doanh của Việt Nam về mặt hàng sữa, công ty đăng ký là “thực phẩm bổ sung”, nhưng nhãn sản phẩm lại đề là “sữa”. Theo quy định sản phẩm được gọi là “sữa” khi có độ đạm từ 34% trở lên, nhưng sản phẩm sữa dê Danlait của Mạnh Cầm chỉ có độ đạm từ 13 - 17%. Vì vậy, lực lượng chức năng đã quyết định niêm phong và tạm giữ toàn bộ 6.000 hộp sữa còn lại của Công ty Mạnh Cầm, để xử lý. |