'Năm 2015 sẽ là năm có nhiều cơ hội mới'

05/01/2015 12:10 PM |

Với thị trường chứng khoán, tôi kỳ vọng năm 2015 sẽ là một năm có sự phát triển và tăng trưởng cả về chất và lượng, sẽ là một kênh đầu tư và huy động vốn hiệu quả của các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế.

Thị trường chứng khoán sắp sửa bước vào phiên giao dịch đầu tiên của năm 2015. Một năm mới với nhiều hy vọng mới. Để giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ nét hơn về bối cảnh thị trường hiện tại, chúng tôi có trao đổi với ông Phan Quốc Huỳnh-Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Sài gòn Thương Tín (Sacombank–SBS) kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam.

Một năm 2014 đầy gian khó với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã trôi qua, nhân dịp phiên giao dịch đầu tiên của năm 2015, ông có lời gì muốn chia sẻ với nhà đầu tư về bối cảnh nền kinh tế của chúng ta hiện nay?

Bước sang năm mới tôi xin kính chúc các thành viên thị trường, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế lời chúc mừng tốt đẹp nhất, sức khỏe an khang và thịnh vượng.

Năm 2015 sẽ là năm có nhiều cơ hội mới, vận hội mới, có tính nền tảng và vững chắc hơn. Nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng đã trải qua năm 2014 với đầy thử thách cam go từ yếu tố khách quan và chủ quan đưa lại. Đó là sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan 981 vào thềm lục địa biển Đông Việt Nam, là dư chấn của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Các sự kiện an ninh xảy ra trên thế giới nhưng cũng đã ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, nhất là lĩnh vực kinh tế. Sự kiện gần đây nhất là giá dầu liên tục rớt giá cũng đã tác động không nhỏ đến ngành dầu khí non trẻ của chúng ta.

Dù thị trường chứng khoán năm 2014 được nhìn nhận là khó kiếm lãi nhưng nếu chúng ta nhìn nhận lạc quan một chút thì sẽ thấy kinh tế vĩ mô năm qua đã chuyển biến rõ rệt. Bằng sự lãnh đạo sáng suốt, nhất quán, vận dụng sáng tạo vào nền kinh tế thị trường của Đảng và chính phủ, chúng ta đã vượt qua một cách ngoạn mục các thử thách cam go và đã đạt được các thành tựu to lớn đó là: GDP 2014 tăng 5,98%, cao hơn chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra. Lần đầu tiên trong mấy năm trở lại đây, chúng ta đã bội thu ngân sách, vượt chỉ tiêu đề ra. Trên thị trường tiền tệ, hệ thống các ngân hàng đã hoạt động ổn định và an toàn, lãi suất được đưa về mức hợp lý, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đạt xấp xỉ 12%, bảo đảm cung vốn cho nền kinh tế tốt với khả năng thanh khoản dồi dào. Thị trường tỷ giá hối đoái giữ ở mức ổn định và xu thế tiền VNĐ ngày càng mạnh lên. Vượt lên tất cả, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam trong 2014 chỉ ở mức trên dưới 4%, mức tốt nhất trong mấy năm trở lại đây đặt cơ sở và nền tảng cho sự phục hồi của nền kinh tế trong 2015 và các năm tiếp theo.

Nói như vậy là chúng ta có rất nhiều thứ để có thể lạc quan! Vậy, ông nhận định thị trường chứng khoán 2015 như thế nào?

Với thị trường chứng khoán, chúng tôi kỳ vọng năm 2015 sẽ là một năm có sự phát triển và tăng trưởng cả về chất và lượng, sẽ là một kênh đầu tư và huy động vốn hiệu quả của các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế.

Thị trường chứng khoán đang ngày càng khẳng định là một định chế trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, góp phần to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước, xứng đáng là hàn thử biểu của nền kinh tế quốc gia. Những tín hiệu đã phát đi từ những phiên giao dịch cuối năm 2014 sẽ là một thông điệp tốt cho những phiên giao dịch đầu năm 2015 và thị trường chứng khoán 2015 sẽ có một triển vọng tốt đẹp theo sự phát triển của nền kinh tế.

Điều khiến Hiệp hội kinh doanh chứng khoán nói chung và bản thân ông nói riêng vẫn đang “nặng lòng” là Thông tư 36. Theo quan điểm của ông thì khi Thông tư này có hiệu lực thì ảnh hưởng ra sao đến thanh khoản thị trường chứng khoán?

Theo quan điểm của tôi, nhìn chung Thông tư 36 là công cụ pháp lý cần thiết giúp cho việc tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng ngày càng đi vào hoạt động ổn định và lành mạnh, góp phần xử lý nợ xấu quyết liệt hơn nhằm đưa nợ xấu về mức 3% trong năm 2015. Tuy nhiên, về ảnh hưởng của Thông tư 36 đến thị trường chứng khoán và tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thì chúng ta cần phải có một cái nhìn đa chiều hơn và thực tế hơn.

Về ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường chứng khoán, theo quan điểm của tôi, khi một cơ chế chính sách ra đời, nó phải có một sự ảnh hưởng tích cực lên lĩnh vực mà cơ chế chính sách đó điều chỉnh. Có nghĩa là cơ chế chính sách đó phải được đón nhận và phát huy hiệu quả thì sẽ là một cơ chế chính sách tốt, phát huy tác dụng của chính nó với thị trường.

Qua quan sát tôi thấy rằng về lĩnh vực chứng khoán, từ khi có Thông tư 36, đã xuất hiện một phản ứng không tích cực mà báo chí vẫn hay gọi “cú sốc của Thông tư 36”, đó là thị trường chứng khoán đã đi xuống rõ rệt, thanh khoản ngày càng giảm sút. Tuy nhiên, hiện tượng này có kèm theo cộng hưởng của giá dầu thế giới nhưng sự ảnh hưởng của Thông tư 36 cũng đã tác động không nhỏ lên tâm lý của nhà đầu tư bởi vì hiện nay chúng ta cũng chưa thể có số liệu chính xác để biết được là dòng tiền từ các ngân hàng đã chảy vào thị trường chứng khoán là bao nhiêu. Nhưng theo các số liệu tham khảo, khoảng 17 đến 20 nghìn tỷ đang lưu thông trên thị trường chứng khoán của hệ thống ngân hàng thì là một con số khiêm tốn trong tổng quy mô của thị trường chứng khoán.

Theo chúng tôi, đối với thị trường chứng khoán non trẻ của Việt Nam, việc ngân hàng có room phù hợp sẽ trở thành đồng tiền dẫn vốn, vừa hỗ trợ TTCK, vừa là niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước, giúp TTCK trở thành thị trường đầu tư hấp dẫn và là kênh huy động vốn có hiệu quả, góp phần phát triển nền kinh tế đất nước.

  Đối với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thì thế nào?

Đối với cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, nếu như theo quy định của Thông tư 36 thì rõ ràng TTCK sẽ gặp khó khăn về mặt thanh khoản như đã xảy ra trong thời gian qua. Có nghĩa rằng tính hấp dẫn của TTCK sẽ bị giảm sút. Một khi các cổ phiếu đang niêm yết đã bị xuống giá thì việc tham gia của nhà đầu tư vào các cổ phiếu chuẩn bị cổ phần hóa sẽ kém đi rất nhiều.

Mặt khác, muốn thực hiện cổ phần hóa được thuận lợi thì phải có dòng tiền lưu thông phù hợp tham gia vào lĩnh vực cổ phần hóa. Vì vậy Thông tư 36 đã hạ thấp tỷ lệ room xuống, hạn chế dòng tiền vào lĩnh vực chứng khoán thì không những gây hiệu ứng trên thị trường niêm yết mà chúng tôi chắc chắn rằng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình cổ phần hóa trong 2015. Vừa qua hiệp hội kinh doanh chứng khoán đã có bản kiến nghị lên Ngân hang Nhà nước về vấn đề này.

Theo quan điểm của chúng tôi, tiến trình tái cấu trúc TTCK đang được tiến hành và đã gặt hái được một số thành công tốt, quản trị rủi ro của toàn thị trường và các công ty chứng khoán trong 2014 là an toàn cho cả nhà đầu tư và công ty chứng khoán, không xảy ra bất kỳ sự cố lớn nào. Đây là nền tảng để cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế yên tâm đầu tư vào TTCK Việt Nam để gặt hái thành công khi nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu phục hồi và khởi sắc.

Vì lẽ đó, chúng tôi mong rằng các nhà hoạch định chính sách nên xem xét những tác động trực tiếp khi Thông tư 36 có hiệu lực lên TTCK. Theo quan điểm của chúng tôi, nên tiếp tục thực hiện các chính sách đã có trước Thông tư 36 như hiện nay để cho thị trường tiếp tục phát triển tốt hơn, thu hút được dòng vốn đầu tư trong nước và quốc tế, góp phần thực hiện thành công tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước mà Đảng và chính phủ đã đề ra trong 2015.

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!

>> “2015 là năm bản lề tái cấu trúc thị trường chứng khoán”

Theo Phương Chi

Cùng chuyên mục
XEM