[Hồ sơ] Chứng khoán 2014: Đầu năm 'ăn' bao nhiêu, cuối năm 'trả' lại bấy nhiêu

31/12/2014 09:38 AM |

Một năm thị trường chứng kiến nhiều thăng trầm chưa từng có, những con sóng lên rồi xuống tạo ra nhiều cung bậc cảm xúc cho các nhà đầu tư...

Vốn hóa TTCK năm 2014 bằng 31,5% GDP

Theo Báo cáo tổng kết của UBCKNN, mức vốn hóa toàn thị trường đạt 1.128 nghìn tỷ đồng (tăng 179 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2013), tương đương 31,5% GDP.

Ủy ban cho biết, thanh khoản thị trường năm 2014 có sự cải thiện rõ rệt. Theo đó, quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên (bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu) đạt 5.500 nghìn tỷ đồng, tăng 104% so với năm 2013.

Tổng giá trị niêm yết tăng 19% và trái phiếu tăng 25% so với năm 2013. Tổng giá trị huy động vốn ước đạt 237 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa là 23 nghìn tỷ đồng.

Số công ty niêm yết hoạt động có lãi, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2013. Tổng lợi nhuận sau thuế của toàn bộ công ty niêm yết trong chín tháng đầu năm 2014 tăng 6,1% và tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,37 triệu, tăng 6% so với cuối năm 2013.

4 cột mốc quan trọng

Giai đoạn 1: Tháng 1 - cuối tháng 3

Đà tăng của thị trường trong những tháng đầu năm đến chủ yếu từ nhóm cổ phiếu bluechip với sự dẫn dắt của GAS, VCB, MSN, VIC.

Nguyên nhân đến từ: Dòng tiền khối ngoại đẩy mạnh gom ròng nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp thúc đẩy đà tăng mạnh của thị trường chung. Bên cạnh đó, với triển vọng kinh tế hồi phục như lãi suất giảm, chính sách tiền tệ nới lỏng, CPI thấp cũng thúc đẩy dòng tiền đổ mạnh vào để đón đầu kết quả kinh doanh quý 1/2014.

Giai đoạn 2: Tháng 3 - giữa tháng 5

Sau giai đoạn tăng điểm mạnh đầu năm, thị trường đã giảm điểm trở lại gần như trở về vạch xuất phát hồi đầu năm, nguyên nhân là do khối ngoại bắt đầu đẩy mạnh bán ra, hoạt động chốt lời tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu bluechip khi các thông tin liên quan đến kết quả kinh doanh bắt đầu xuất hiện.

Đặc biệt, thị trường bị ảnh hưởng lớn từ việc căng thẳng gia tăng trên biển Đông khi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Những thông tin này đã khiến giới đầu tư lo lắng và đẩy mạnh tháo hàng trên diện rộng.

Giai đoạn 3: Giữa tháng 5 - tháng 9

Dòng tiền đầu cơ đẩy mạnh bắt đáy và sự trở lại của dòng tiền khối ngoại đã hỗ trợ tích cực cho xu hướng hồi phục của thị trường. Dòng tiền trong giai đoạn tăng điểm này chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu Chứng khoán, Bất động sản, Xây dựng và Dầu khí.

Cổ phiếu GAS thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường và giúp VN-Index tăng vọt chạm ngưỡng 644 điểm vào đầu tháng 9, cùng với các cổ phiếu nổi bật như PVD, PVS, PET…

Giai đoạn 4: Tháng 9 - cuối năm

Sau khi tạo đỉnh 644 điểm, thị trường lại bước vào chu kỳ giảm điểm, gần như quay trở lại mức điểm xuất phát từ đầu năm. Hai nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sự sụt giảm của thị trường là:

- Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 để quản lý rủi ro tại các tổ chức tín dụng. Thông tin này đã phần nào khiến giới đầu tư lo lắng hơn đối với dòng tiền margin, khi NHNN thể hiện quan điểm thắt chặt hơn dòng vốn cho vay đối với việc đầu tư cổ phiếu.

Theo đó, tín dụng cho vay đầu tư cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ của TCTD (giảm từ mức 20% vốn điều lệ cho vay đầu tư chứng khoán trước đó). Ngoài ra, TCTD chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán khi đáp ứng được đầy đủ các tỷ lệ an toàn hoạt động và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

- Giá dầu thế giới giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến nhóm cổ phiếu dầu khí, khiến thị trường chung cũng suy giảm theo.

Kịch bản nào cho năm 2015?

Năm 2014, GDP năm 2014 đã tăng khoảng 5,98%  – cao hơn mức tăng 5,42% của năm 2013 và 5,25% năm 2012. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, điều này cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.

CPI năm 2014 (so với cuối năm 2013) chỉ tăng 1,84%, mức tăng thấp nhất trong khoảng 10 năm qua. Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ tiếp tục được thực hiện thành công, góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng.

Kinh tế Việt Nam năm 2015 có khả năng đạt mức tăng trưởng từ 6% - 6,2%, các hiệp định mậu dịch tư do đang đàm phán sẽ được hoàn thành trong năm 2015. Triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế được duy trì sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của TTCK.

Ngoài ra, giá dầu giảm mạnh nhiều khả năng sẽ tác động mạnh đến triển vọng kinh doanh của nhóm cổ phiếu dầu khí trong năm 2015. Tuy nhiên, giá xăng dầu giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy tiêu dùng.

Tháng 02/2015, Thông tư 36 sẽ chính thức được áp dụng, nhiều khả năng nguồn cung cổ phiếu ngân hàng có thể sẽ tăng mạnh do hoạt động siết sở hữu chéo được thực thi và tác động lên giao dịch của nhóm cổ phiếu này. Điều quan trọng nhất được quan tâm, là việc thoái vốn của các tổ chức tín dụng đang nắm lẫn nhau, tức gỡ các mắt xích của sở hữu chồng chéo. Một ngân hàng thương mại theo Thông tư 36 chỉ được sở hữu tối đa hai tổ chức tín dụng với tỷ lệ vốn không quá 5%. Số cổ phần dôi ra, ngân hàng buộc phải thoái trước thời hạn cuối 2015.

Tinh thần chính của Thông tư 36 là làm minh bạch dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán.

Dòng tiền của các tổ chức nước ngoài vào Việt Nam có thể sẽ có biến động, khi mà Fed đã chính thức kết thúc các gói QE (kích thích kinh tế), và lãi suất đồng đô la sẽ tăng lên trong năm tới. Một điểm đáng chú ý nữa là, quyết định điều chỉnh nới room khối ngoại sẽ trình Chính phủ vào tháng 10/2015.

Chính dự đoán về việc nới room khối ngoại đã đẩy chỉ số VN-Index tăng vọt 22% trong năm 2013 và tiếp tục tiến thêm 12% trong năm 2014. Từ đầu năm đến nay, NĐTNN đã rót ròng 131.9 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam, đây là năm rót vốn thứ 9 liên tiếp của họ vào TTCK nước ta.

Xét về mặt kỹ thuật, sau giai đoạn sụt giảm từ tháng 9, thị trường dần lui về mức điểm khởi đầu của năm 2014. Hoạt động bắt đáy đang được diễn ra khá sôi động giúp kìm hãm đà giảm sâu của thị trường, khi mà các cổ phiếu đã giảm về mức giá hợp lý hơn.

Thị trường cần một cú hích đủ lớn để "kích hoạt" một con sóng mới, có thể là sau dịp nghỉ tết Âm lịch (nếu nhìn lại lịch sử của Vnindex những năm gần đây).

Kiên nhẫn và chờ đợi có lẽ là chiến thuật phù hợp cho các nhà đầu tư tại thời điểm hiện tại.

Nhận xét về thị trường trong năm 2014, ông Vũ Bằng - Chủ tịch UBCKNN cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi vào năm tới khi bức tranh kinh tế vĩ mô đang dần trở nên sáng sủa hơn.

Phân tích của Bloomberg cũng cho thấy cái nhìn lạc quan về TTCK Việt Nam. Theo số liệu của Bloomberg, giá trị giao dịch bình quân hàng ngày trong năm nay trên HOSE đạt 98 triệu USD, cao hơn gấp đôi so với mức 47 triệu USD trong năm ngoái.

Hiện chỉ số VN-Index đang được định giá với P/E forward 12,3 lần, thấp hơn mức 13 lần của chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương.

>> 'Năm 2015, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 3,5% nhờ AEC'

Ban biên tập

Nguyễn Trung Anh

Cùng chuyên mục
XEM