Mất tiền vì chứng khoán lao dốc, Warren Buffett vẫn cảm thấy hạnh phúc

11/07/2015 09:59 AM | Nhân vật

Chẳng có thời điểm nào thích hợp hơn để Buffett hưng phấn mua cổ phiếu giá rẻ như khi thị trường chứng khoán đang trì trệ và mọi người đang uể oải.

Nội dung nổi bật:

- Một câu nói sau tóm gọn mọi lời khuyên hữu ích nhất cho các nhà đầu tư đang phải trải qua thị trường chứng khoán lao dốc: “Hãy cố tham lam khi người khác sợ hãi và hãy sợ hãi khi người khác đang tham lam.”

- Đó là lời mách nước cũng như trạng thái của Warren Buffett khi đối mặt lần đầu ở thời kỳ khủng hoảng 1973-1974. Tuy mất tiền nhưng ông vẫn vui vì có thể mua cổ phiếu giá rẻ.


Trong quá khứ, nhà đầu tư Warren Buffett đã đối mặt với 3 thời kỳ mà tài sản của ông dễ dàng bốc hơi trong phút chốc như bao người trên thị trường chứng khoán. Đáng kể nhất là lần đầu tiên vào thập niên 1970, lúc ông thể hiện và trỗi dậy bản năng mạnh mẽ nhất: “Trở nên tham lam khi mọi người sợ hãi.”

Cơn sốt công nghệ cuối thập niên 1960

Một trong những điều để nhận biết thị trường đang trong gia đoạn bùng phát là khối lượng giao dịch của nó. Khi Buffett khởi nghiệp vào đầu những năm 1960, khối lượng giao dịch trên sàn chứng khoán New York mới chỉ vào khoảng 2 triệu cổ phiếu mỗi ngày.

Bảy năm sau, con số đã tăng gấp 5 lần. Năm 1968, một năm sau những biến động chính trị bao trùm nước Mỹ, giao dịch chứng khoán đã đạt đến mức cuồng loạn. Tại thị trường New York, khối lượng giao dịch đã đạt trung bình 13 triệu cổ phiếu mỗi ngày, hơn 30% so với mức kỷ lục năm 1967. Lần đầu tiên trong lịch sử, chỉ số Dow Jones vượt mốc 1.000 điểm.

Lý giải cho sức bật bất thường của chứng khoán là sự ra đời của những công ty, tập đoàn hoạt động trong ngành công nghệ mới mẻ. Trong khi các chỉ số nền tảng ít nhiều không thay đổi thì niềm tin của mọi người vào ngành công nghệ quá lớn đủ để khiến thị trường trở nên nóng bỏng.

Thị trường chứng khoán là một đám đông, bao gồm bất kỳ người nào đang chạy theo giá cả ở bất kỳ một thời điểm nào. Bàn tay vô hình đã đẩy giá cổ phiếu dưới tác động của số đông. Mọi người đều mê mẩn các cổ phiếu điện tử. Mỗi đợt IPO của những cổ phiếu này đều được trông đợi sẽ tạo thành một cơn sốt. Thị trường bắt đầu thuộc về bên bán.

Đặc điểm tiếp theo của thị trường giá lên là tỷ lệ P/E cao cùng với mức giá cao lịch sử. Qũy Merrill Lynch chào mua cổ phiếu IBM với mức P/E 39 lần. Bache & Co đẩy giá cổ phiếu Xerox lên gấp 50 lần và Blair & Co thì chào bán Avon Products ở mức 56 lần.

Với mức lợi nhuận thực tế vào thời điểm đó thì các cổ đông sẽ phải mất cả nữa thế kỷ mới hoàn lại số vốn mình bỏ ra.

Ngoài ra, hình ảnh tiêu biểu cho thời kỳ bùng phát chính là việc mọc lên như nấm sau mưa của các quỹ hiệu suất, một dạng biến thể của quỹ hổ tương. Mô hình này cố gắng kiếm được lợi nhuận trên thị trường không phải trong dài hạn mà là trong từng quý, từng tháng hay tuần liên tiếp. Thậm chí là hàng ngày hàng giờ. Cơn sốt giá lên đã tạo nên vô số cơ hội kiếm tiền bằng đầu cơ.

Quyết định rời bỏ cuộc chơi

Việc thị trường giá lên mạnh mẽ khiến công việc tìm kiếm cổ phiếu giá rẻ của Buffett trở nên khó khăn. Giống như các nhà đầu tư chuyên nghiệp, Buffett không mua một lúc mà mua dần dần để tránh đẩy giá cổ phiếu lên cao trong khi đang gom vào.

Với trạng thái hưng phấn trên thị trường chứng khoán đang sôi động, vì thế mà người khác đã nẫng tay trên những cố phiếu tiềm năng và nâng mức giá ngoài tầm ông có thể mua thêm. Số còn lại thì bị người khác mua hết mất. Tâm trạng của Buffett giờ đây là trở nên lo lắng trong khi mọi người đang tham lam và bắt đầu cảm thấy lạc điệu so với bản nhạc đương thời.

Đỉnh điểm cho nỗi lo của ông là việc thanh lý quỹ đầu tư Buffett Partnership vào giữa năm 1969, sau một năm làm ăn có lãi nhất. Qũy của ông đạt lợi nhuận 59% trong năm 1968, vượt chỉ số Dow tới 50 điểm %, thế nhưng ông lại rời khỏi cuộc chơi khi đang ở đỉnh cao của thị trường.

Quỹ của Buffett đã thanh lý tất cả trừ hai khoản đầu tư: Berkshire Hathaway và Diversified Retailing. Không lâu sau, ông sáp nhập Diversified vào Berkshire và biến công ty dệt may này thành chiếc túi đầu tư đại chúng duy nhất.

Nhân tài tái xuất

Trước đây, chính giá cổ phiếu cao đã khiến ông đứng ngoài rìa quan sát. Kể từ khi thanh lý quỹ đầu tư của mình, phần lớn thời gian của ông là dành cho các hoạt động xã hội công ích. Chiếc túi Berkshire có danh mục đầu tư trị giá tới 101 triệu đô la vào năm 1972. Nhưng trong số đó chỉ có 15% cho cổ phiếu. Số còn lại ông dành cho trái phiếu.

Nhưng dần dần, ông bắt đầu quay trở lại cuộc chơi. Một lần nữa, chất xúc tác cho sự thay đổi của ông chính là phố Wall. Mọi người đang bắt đầu lo lắng do thị trường bắt đầu sụp đổ vào năm 1973.

Các cổ phiếu hầu như đang quay đầu giảm tốc. Ngay cả những cổ phiếu an toàn, top 50 công ty đứng đầu thị trường về giá trị cơ sở cũng bắt đầu đi xuống. Chỉ số Dow có lúc đã phá ngưỡng 1.000 giờ rớt xuống dưới 950.

Phố Wall vừa mới trải qua sự hồ hởi của thị trường bùng phát giờ lại ở trong tình trạng trì trệ. Thông tin môi giới cạn kiệt và chẳng ai quan tâm đến các báo cáo phân tích. Những cổ phiếu giờ đây đã rớt giá quá nửa. Tất cả đều biết một điều duy nhất. Dù sớm hay muộn, chiếc bong bóng được bơm căng rồi sẽ nổ tung. Và bây giờ, thời điểm đó đang đến.

Sự uể oải của thị trường cũng có tác động đến Buffett nhưng theo cách hoàn toàn ngược lại. Trong thời kỳ bùng phát, ý tưởng và ham muốn của ông dần cạn kiệt, nhưng bây giờ, lúc thị trường đang trùm xuống mạnh mẽ thì ông lại cảm thấy hưng phấn.

Buffett lướt nhanh dọc theo cột chỉ số giá trên cổ tức ở bảng cổ phiếu, tất cả đều chỉ ở mức thấp một con số. Đó quả là lần hiếm hoi của phố Wall: Nước Mỹ đang được cho không mà chẳng có muốn lấy.

Như trong một cuộc mua sắm hàng giảm giá, Buffett mua vào hàng đống cổ phiếu rẻ như cho: Washington Post, National Presto, Ford Motor, Multimedia, Booth Newspapers, Grand Union, Affiliated Publications, Detroit International Bridge và rất nhiều công ty khác.

Mặc dù các cổ phiếu này đã rớt giá một cách đáng kể sau một năm mua và giá trị tài sản ròng của ông đã giảm một nửa nhưng điều đó không khiến ông nản lòng. Cổ phiếu Berkshire đã từng đạt mức đỉnh 87 đô la nhưng sự sụp đổ của thị trường vào năm 1973-1974 đã rớt giá dưới 50% ban đầu.

Tuy nhiên điều đó không ảnh hướng đến bản năng tham lam đang trỗi dậy của Buffett mà ngược lại, nếu mất tiền như thế này còn làm ông thích thú. Cổ phiếu rớt giá thảm hại như thể trái chín cây rớt bịch xuống đất và cứ nằm nguyên ở đó.

Nó nhiều đến nỗi mà lần đầu tiên trong sự nghiệp, Buffett phải dùng tiền vay ngân hàng với lãi suất 8% để có thể mua càng nhiều càng tốt.

Theo tính toán của giới tài chính thì khoảng 40% giá trị ngành công nghiệp Mỹ đã bốc hơi không tăm tích. Vào đúng thời điểm đó, cuối năm 1974, Buffett lần đầu tiên trong đời đưa ra lời dự đoán công khai về thị trường chứng khoán với tờ Forbes. Lúc ấy chỉ số công nghiệp Dow Jones ở mức thấp đỉnh điểm 580.

Forbes hỏi: “Ông cảm thấy thế nào?” Buffett nói: “Đây là thời điểm thích hợp nhất để đầu tư.” Cổ phiếu trong danh mục đang ở mức thấp lịch sử nhưng tinh thần của ông lại chưa bao giờ vui sướng đến thế. Danh mục đầu tư của Berkshire đã ngập tràn cổ phiếu rẻ nhưng Buffett vẫn tiếp tục mua chúng hàng ngày.

Buffett đã rời bỏ cuộc chơi khi thị trường giá lên năm 1969, nhưng giờ đây, năm giá xuống kỷ lục 1974 và ông đã mách nước rằng: “Thời điểm này là lúc thích hợp nhất để đầu tư và làm giàu.”

Đinh Lộc

Cùng chuyên mục
XEM