Margaret Thatcher: Người đàn bà thay đổi nước Anh

09/04/2013 12:11 PM | Nhân vật

Người đàn bà thép được yêu nhiều nhưng cũng ghét lắm.

“Người đàn bà thép” Margaret Thatcher là nhân vật đỉnh cao của chính trị nước Anh thế kỷ 21, được khắc hoạ bởi những hình ảnh đối chọi nhau với hàng loạt cải cách triệt để và rất nhiều cuộc biểu tình chống đối rầm rộ.

Bà qua đời ngày hôm qua, hưởng thọ 87 tuổi, sau một cơn đột quỵ. Trong cuộc đời làm chính trị, bà được nhiều người tôn thờ như một nhà cải cách đã thay đổi toàn bộ đất nước, nhưng bà cũng bị không ít người chỉ trích vì làm rộng thêm vực sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo.

Dấu ấn lãnh đạo của bà Thatcher được khắc hoạ bằng những hình ảnh đối chọi nhau: Hàng loạt cuộc đối đầu quy mô lớn giữa cảnh sát và liên minh thợ mỏ, cưỡi xe tăng với chiếc khăn trùm đầu màu trắng, lửa bùng lên trên quảng trường Trafalgar trong những đợt nổi dậy phản đối chính sách thuế dẫn đến việc bà phải từ chức sau 11 năm cầm quyền.

Trong hơn 1 thập kỷ, bà khiến quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu xấu đi, nhưng việc đồng ý trao trả thuộc địa Hong Kong cho Trung Quốc, và tiến hành cuộc chiến tranh giành lại quần đảo Falkland từ quân xâm lược Argentina khiến bà rất được lòng người dân yêu nước.

Cựu Thủ tướng quá cố gây nhiều phản ứng khi rất thân thiết với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan thời Chiến tranh Lạnh. Bà là lãnh đạo đầu tiên ủng hộ Tổng thống George Bush trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, và tuyên bố có thể có quan hệ kinh tế với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Bà Thatcher cũng phản đối biện pháp cấm vận đối với Nam Phi như một cách để chấm dứt chính sách phân biệt apartheid, và ủng hộ mạnh mẽ nhà lãnh đạo độc tài quá cố của Chile Augusto Pinochet.

Chủ nghĩa Thatcher

Nữ thủ tướng duy nhất của nước Anh đã lãnh đạo Đảng Bảo thủ chiến thắng liên tiếp 3 kỳ bầu cử, cầm quyền suốt từ năm 1979 đến 1990, thời kỳ lãnh đạo liên tiếp dài nhất của một Thủ tướng kể từ thế kỷ 19.

Cùng với Tổng thống Mỹ Reagon, bà Thatcher tạo nên một liên minh vững mạnh trước phe Liên Xô và vui mừng khi thấy bức tường Berlin bị kéo đổ vào năm 1989 dù lo lắng nước Đức thống nhất sẽ thống trị châu Âu.

Chính trị gia Ai-len erry Adams nói rằng chính sách của bà Thatcher ở Bắc Ai-len, nơi hàng ngàn người đã chết trong cuộc đấu tranh chống lại sự cai trị của Anh, đã gây nên “nỗi đau lớn” cho người dân nơi đây.

Con đường cải cách – mà một số  người gọi là triệt để - đã phá vỡ hoàn toàn khuôn mẫu trong nền chính trị nước Anh, tạo nên thay đổi sâu sắc đến mức chính phủ của Đảng Lao động sau đó đã chấp nhận rất nhiều chính sách của bà.

Người đàn bà thường được gọi là “Maggie” đã thay đổi căn bản nền kinh tế từ chỗ nằm trong tay nhà nước đến sở hữu tư nhân.

Chính sách coi trọng cạnh tranh, doanh nghiệp sở hữu tư nhân, tự chủ và tiết kiệm của bà đã dẫn đến sự ra đời của triết lý chính trị mang tên “Chủ nghĩa Thatcher”.

Tuy nhiên, liều thuốc quá mạnh tay đối với nền kinh tế đã khiến hàng triệu người mất việc, phá hỏng nhiều ngành công nghiệp lớn như khai mỏ.

Quan điểm hiếu chiến của bà làm xấu quan hệ của Anh với các đồng minh ở châu Âu, và việc không chấp nhận ý kiến bất mãn cuối cùng đã khiến bà phải dừng sự nghiệp chính trị.

Tại đỉnh cao quyền lực, cá tính mạnh mẽ, cương quyết khiến bà Thatcher trở thành một trong những nhân vật nổi tiếng nhất phương Tây. Là người tham công tiếc việc, bà làm việc 18 tiếng mỗi ngày, và thường thư giãn bằng một ly rượu whisky.

 - 1
Bà Margaret Thatcher chỉ tay lên trời khi nhận được sự ủng hộ lớn tại hội nghị của Đảng Bảo thủ vào tháng 10/1989. (Ảnh tư liệu)

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3/5/1979, bà Thatcher tiến hành hàng loạt cải tổ xã hội và kinh tế nhằm chấm dứt cái mà bà gọi là vòng xoáy luẩn quẩn của ngành công nghiệp, các chính sách thuế méo mó và sự kiểm soát quá mức của nhà nước đối với nền kinh kế, thời kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động mà người ta thường gọi là “mùa đông của sự bất mãn”.

Chống lại chính sách trả lương tiếp tay cho lạm phát và hiện đại hoá nền kinh tế nghĩa là làm giảm quyền lực của công đoàn.

Sau hàng loạt thay đổi luật pháp và cuộc biểu tình kéo dài cả năm trời kết thúc bằng thất bại cho thợ mỏ vào năm 1985, chuỗi ngày công đoàn có thể ảnh hưởng chi phối tới chính phủ Anh cũng chấm dứt.

Năm 1982, bà Thatcher đưa hạm đội hải quân tới Falklands để đòi lại quần đảo bị Argentina chiếm. Dù mất nhiều chiến hạm, quân Anh đã đòi lại quần đảo phía nam Đại Tây Dương sau 74 ngày. Tổng số 649 quân Argentina và 255 lính Anh đã thiệt mạng.

Một cuộc trưng cầu dân ý năm 1981 bình chọn bà Thatcher là Thủ tướng bị ghét nhất mọi thời đại. Nhưng, 2 năm sau chiến tranhh Falkland, bà đã chiếm được lòng tin của dân chúng yêu nước. Năm 1987, bà lại chiến thắng rầm rộ trong cuộc bầu cử lần thứ 3.

Ra đi trong nước mắt nhưng tự hào

Bà Thatcher mở ra một thời kỳ “chủ nghĩa tư bản được yêu thích”, giúp tăng tỷ lệ người dân Anh được sở hữu nhà lên 68% và cứ 5 người thì có 1 người có cổ phần trong doanh nghiệp.

Cựu nữ Thủ tướng cho tư nhân hoá hàng loạt công ty độc quyền nhà nước trong lĩnh vực khí gas, dầu, thép, điện thoại, cảng hàng không, sau đó là điện và nước.

Nhưng bên cạnh việc nâng cao cạnh tranh và cải thiện chất lượng dịch vụ, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng gấp đôi trong những năm giữa thập kỷ 80 lên hơn 3 triệu người – tỷ lệ chưa từng thấy kể từ thời gian đại suy thoái kinh tế thế giới thập kỷ 30. Những người chỉ trích nói rằng bà Thatcher đã tạo ra đường phân chia những người giàu có ở miền nam và người nghèo khổ ở miền bắc.

Báo Liên Xô Red Star đã đặt biệt danh “Người đàn bà thép”, nhưng bà cũng rất thích cái tên này. Khi Gorbachev lên cầm quyền năm 1985, Thatcher thiết lập mối quan hệ thân thiết với nhà lãnh đạo được cho là nhân tố dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô hồi những năm 90.

Quan hệ giữa Anh với các nước láng giềng châu Âu xấu đi sau khi bà Thatcher miễn cưỡng chấp nhận kế hoạch tăng cường hội nhập.

Người đàn bà quyền lực cũng có sức hấp dẫn cá nhân không nhỏ. Cố Tổng thống Pháp Francois Mitterrand từng nói bà có “đôi mắt của Caligula và đôi môi của Marilyn Monroe”.

Năm 1984, bà Thatcher và Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương hồi đó ký tuyên bố đồng ý sẽ trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997 sau 156 năm dưới quyền cai trị của nước Anh.

Sau 11 năm cầm quyền, bà Thatcher chấm dứt sự nghiệp chính trị sau khi cho áp dụng chính sách thuế thân, dẫn đến cuộc biểu tình lớn nhất từng xảy ra tại London vào ngày 31/3/1990.

“Tôi chiến đấu, tôi chiến đấu để giành chiến thắng” bà tuyên bố trong cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo đảng, nhưng bà đã từ chức vào ngày hôm sau.

“Chúng tôi từ biệt Phố Downing sau 11 năm rưỡi tuyệt vời và chúng tôi rất hạnh phúc rằng đã làm cho Vương quốc Anh tốt đẹp hơn rất nhiều trước khi chúng tôi đến”, bà Thatcher nói trong nước mắt trước khi ra đi.

Bà nhiều lần bị đột quỵ nhẹ vào cuối năm 2001 và 2002, sau đó bà giảm dần và thôi diễn thuyết trước dân chúng.

Chứng mất trí của bà được khắc hoạ trong bộ phim đạt giải Oscar “The Iron Lady” do nữ diễn viên Meryl Streep đóng vai chính. Được khắc hoạ như một goá phụ không còn minh mẫn, Người đàn bà thép cô đơn chỉ còn lại một mình với những hồi ức.

Theo Trúc Quỳnh

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM