Erdogan-Putin, những tính cách chung “nguy hiểm”

01/12/2015 09:58 AM | Nhân vật

“Cả hai người đều không biết thế nào để lùi bước hay xin lỗi. Nhìn ở phương diện này, họ giống nhau như hai anh em sinh đôi”...

Theo tờ New York Times, nước Nga vừa có thêm một “kẻ thù số 1” mới, và đó là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Một chương trình truyền hình nhà nước Nga hôm Chủ nhật vừa rồi miêu tả ông Erdogan là “một con người không biết thế nào là chừng mực, lừa dối, và mua dầu của những kẻ man rợ” - chỉ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Cách đây chưa lâu, ông Erdogan đã nhận được những lời tán dương ấm áp nhất có thể từ Tổng thống Nga Vladimir V. Putin. Ông chủ điện Kremlin khi đó đã ca ngợi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là “một con người mạnh mẽ”, sẵn sàng chống lại phương Tây. Nhưng những lời “có cánh” đó giờ chỉ còn là chuyện của quá khứ.

Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiến đấu cơ Su-24 của Nga hôm 24/11, ông Putin đã gọi ông Erdogan là “kẻ đâm lén sau lưng”. Về phần mình, dù không trực tiếp chĩa mũi dùi vào Putin, ông Erdogan từ chối xin lỗi về vụ bắn hạ máy Nga.

Một tờ báo thân Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mới đây chạy dòng tít viết: “Putin tìm cách lừa thế giới bằng những lời nói dối của ông ta” - chỉ hành động của Moscow ở Syria.

Mâu thuẫn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ âm ỉ gia tăng trong những năm gần đây khi hai nước hậu thuẫn những phe khác nhau trong cuộc nội chiến ở Syria. Trong khi Nga đứng về phía chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad - một người Hồi giáo dòng Shi’ite, Thổ Nhĩ Kỳ lại ủng hộ người Sunni chiếm đa số và muốn Assad phải từ bỏ quyền lực.

Sau vụ chiếc Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, căng thẳng giữa Moscow và Ankara càng lộ rõ, phần nhiều do tính cách cá nhân khá giống nhau của Putin và Erdogan - trong đó có một đặc điểm nổi bật là không nhượng bộ.

Điều này đặt ra nguy cơ kéo dài và leo thang cuộc nội chiến ở Syria, cũng như khả năng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể bị kéo vào cuộc nếu xung đột Nga-Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bị đẩy lên cao.

“Anh em sinh đôi”

“Vấn đề nằm ở chỗ đang có hai vị Tổng thống cùng xem trọng vấn đề vị thế và liều”, nhà khoa học chính trị Ivan Krastve, Chủ tịch Trung tâm Chiến lược tự do ở Sofia, Bulgaria, nhận định. “Không muốn tỏ ra yếu thế là một điều rất quan trọng đối với cả Putin và Erdogan. Cả hai người đều không biết thế nào để lùi bước hay xin lỗi. Nhìn ở phương diện này, họ giống nhau như hai anh em sinh đôi”.

Tổng thống Nga và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thường được miêu tả là những người “hiếu thắng”, không chịu nhượng bộ, và có tinh thần dân tộc chủ nghĩa cao. Putin đã thay đổi vị trí giữa hai vị trí Thủ tướng và Tổng thống để điều hành đất nước. Erdogan cũng áp dụng cách làm tương tự và muốn cải tổ Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ để trao thêm quyền cho Tổng thống.

Cả hai cùng muốn khôi phục vị thế mà đất nước của họ đã để mất trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất: nước Nga thời Sa Hoàng và đế chế Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai cùng nung nấu trong đất nước của mình một cảm giác được lịch sử để lại rằng phương Tây sẽ không bao giờ thực sự chấp nhận họ.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng có tiếng là “mạnh tay” với những nhân vật đối lập. Putin bị cho từng “xử lý” một số người bất đồng chính kiến, trong khi Erdogan đã điều tra hàng chục người bị cáo buộc xúc phạm Tổng thống và trục xuất một số nhà báo nước ngoài.

Khi xảy ra một thất bại nào đó, cả Putin và Erdogan đều có xu hướng đổ lỗi cho âm mưu từ bên ngoài.

Một điểm chung nữa của hai vị Tổng thống là họ cùng có tỷ lệ ủng hộ lớn của người dân.

Bởi vậy, tờ New York Times cho rằng, hai nhà lãnh đạo gần như là hình ảnh của nhau trong gương, và khó có chuyện họ giải quyết được mâu thuẫn quanh vụ hạ chiếc Su-24 nếu như không có sự hòa giải từ bên ngoài.

Putin đã yêu cầu Erdogan xin lỗi công khai và bồi thường về vụ bắn chiếc máy bay. Mức độ giận dữ của nhà lãnh đạo Nga trong vụ này được phản ánh rõ hơn cả trong những lời cáo buộc được lặp lại trên truyền hình nhà nước Nga rằng con trai của Erdogan có dính líu sâu vào các giao dịch dầu lửa “chợ đen” với IS - tổ chức khủng bố đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công khiến chiếc máy bay chở khách của Nga bị rơi ở Ai Cập khiến 224 người thiệt mạng.

Về phần mình, Erdogan mạnh mẽ phủ nhận các cáo buộc của Nga. “Họ đang nói dối, họ là kẻ vu khống. Chúng tôi không bao giờ, không bao giờ có quan hệ giao dịch như vậy với bất kỳ tổ chức khủng bố nào”, ông Erdogan nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh France 24 vào tuần trước. “Họ phải chứng minh được điều đó, và nếu họ có thể, Erdogan sẽ phải rời nhiệm sở”.

Lợi ích cho Putin

Tuy vậy, ông Erdogan có vẻ như đang “dịu giọng” sau lúc đầu đòi Nga phải xin lỗi vì chiếc Su-24 xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối tuần vừa rồi, Erdogan nói: “Chúng tôi rất buồn trước sự việc này”. Bởi vậy, khả năng đối đầu quân sự trực tiếp Nga-Thổ Nhĩ Kỳ là hầu như không có.

Dù điều gì có xảy ra đi chăng nữa, quan hệ Moscow-Ankara đã có sự đảo chiều nhanh chóng trong thời gian gần đây.

Mới cách đây một năm, Putin và Erdogan nhất trí rằng Nga sẽ xây dựng một đường ống dẫn khí lớn mang tên “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” để dẫn khí đốt từ Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu, thay vì Nga xây đường ống đi qua Balkan - ý tưởng bị Liên minh châu Âu (EU) phản đối.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tăng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020, từ mức khoảng 30 tỷ USD hiện nay.

Cần phải nói thêm rằng, dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” được Erdogan ca tụng giữa lúc phương Tây kêu gọi trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Nga liên quan đến vai trò của Moscow trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Chính vì điều này, Putin đã gọi Erdogan là một “con người mạnh mẽ”.

Nhưng ngay sau khi chiếc Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, xe tải chở hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga bắt đầu bị tắc nghẽn ở biên giới giữa hai nước. Cơ quan chức năng Nga “bất ngờ” phát hiện thấy có vấn đề với loại nông sản mà mới một năm trước Nga còn ca ngợi là tuyệt vời.

Hiện chưa rõ dự án đường ống dẫn khí đốt và các dự án lớn khác giữa hai nước có chịu ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt kinh tế của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ hay không.

Putin và Erdogan đang cùng có mặt ở Paris để tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị có cuộc gặp với Tổng thống Nga bên lề sự kiện này. Nhưng phản ứng công khai của Putin đến thời điểm này chỉ là ký một sắc lệnh vào hôm Chủ nhật vừa rồi về trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo một số nhà phân tích, cuộc đối đầu tiếp diễn với Thổ Nhĩ Kỳ, dù nóng hay lạnh, có thể sẽ mang lại lợi ích cho Putin. Bởi cuộc đối đầu này có thể thúc đẩy mục tiêu của Putin là phương Tây chấm dứt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Việc chuyển mũi nhọn chỉ trích từ chỗ nhằm vào phương Tây sang một mục tiêu khác có thể giúp cải thiện mối quan hệ lạnh giá giữa Nga với phương Tây.

“Nếu anh là một thủ lĩnh quân sự và muốn nhận được sự ủng hộ của người dân, thì anh cần kẻ thù. Thổ Nhỹ Kỳ chính là ứng cử viên hợp lý nhất”, ông Nicolai Petrov, nhà khoa học chính trị thuộc trường Higher School of Economics, đánh giá.

Theo An Huy

Cùng chuyên mục
XEM