Doanh nhân Phạm Thị Việt Nga: “Tôi vô sản tại Dược Hậu Giang”
"Gia tài lớn nhất tôi mang theo nếu có ngày tôi rời Dược Hậu Giang là sự tôn trọng của mọi người".
Gặp nữ doanh nhân Phạm Thị Việt Nga ngoài đời, ít ai có thể nghĩ người phụ nữ bình dị đó lại là nhân vật được tạp chí danh tiếng Forbes bình chọn là 1 trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á. Người phụ nữ trên 60 tuổi này vẫn nhanh nhẹn, vẫn hàng ngày đi làm từ lúc 3h30 sáng, đi bộ hơn 1 tiếng đồng hồ để đến cơ quan, đều đặn bơi 5 vòng bể… Dường như, bà có một nguồn năng lượng vô tận để làm hết thảy những gì mà bà tâm huyết.
Bén duyên với ngành Dược
Bà Nga chia sẻ, bà bén duyên với ngành Dược, với Dược Hậu Giang hoàn toàn là tình cờ. Lúc đó, bà nhận phân công của tổ chức, chưa có một chút định hình nào về công việc mình sẽ học, sẽ làm. Thậm chí, tốt nghiệp Đại học Dược, được phân công quản lý Dược Hậu Giang, khi đó bà Nga còn chưa biết đọc báo cáo tài chính. Tuy nhiên, với bản lĩnh của một người từng là bộ đội, bà không nề hà gì, bắt đầu học lại từ đầu về ngành kinh tế.
Khi được hỏi về công việc mà bà thực sự mơ ước hồi còn trẻ, bà mỉm cười, cho biết: “Khi đó thậm chí còn không biết mình còn sống được đến lúc đất nước hòa bình hay không. Làm gì có thời gian hình dung mình sẽ làm gì”.
Dược Hậu Giang không phải là doanh nghiệp Dược ra đời sớm nhất trên thị trường, nhưng lại là doanh nghiệp dược phẩm đầu tiên chú trọng đến công tác marketing, thương hiệu sản phẩm, và đặc biệt là hệ thống phân phối trên phạm vi toàn quốc. Vị thế có được của Dược Hậu Giang hiện nay, có lẽ cũng nhờ những nền móng mà bà Nga cùng cộng sự đã dày công xây dựng từ những năm 90 – khi Dược Hậu Giang chỉ là một xưởng sản xuất nhỏ. Kênh phân phối của Dược Hậu Giang cũng là điều khiến bà Nga tự hào nhất. Nhờ hệ thống này, Dược Hậu Giang không mất nhiều chi phí quảng cáo – một khoản chi phí không nhỏ và gần như không tránh được đối với các doanh nghiệp khác trong ngành.
Tôi vô sản tại Dược Hậu Giang
Trăn trở của bà Nga cũng như thế hệ doanh nhân đã “toan về già” là đội ngũ lớp trẻ kế cận. Nói như ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT “Xây khó lắm, nhưng phá thì rất dễ”. Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tôn Hoa Sen thì hài hước “Thế hệ con tôi không có ý chí bằng thế hệ chúng tôi, vì…cha chúng nó giàu hơn cha chúng tôi”.
Không như nhiều doanh nhân định hướng con cái nối nghiệp bố mẹ, cả 2 người con của bà Nga đều chọn nghề theo sở thích, và chẳng ai thích ngành Dược! Bà hài lòng với sự lựa chọn của các con, và tin tưởng vào đội ngũ cộng sự tại Dược Hậu Giang mà không cần mối quan hệ ruột thịt nào.
Bà Nga cho biết, hiện tại công việc của bà khá “thảnh thơi” với nhiệm vụ chính là phản biện các dự án của cấp dưới.
“Tôi vô sản tại Dược Hậu Giang” – bà Nga kết luận.
“Thành thật mà nói, đến một ngày nếu bà rời Dược Hậu Giang, thì di sản lớn nhất, gia tài lớn nhất, đáng tự hào nhất mà bà mang theo là gì, thưa bà?”
“Sự tôn trọng của mọi người” – bà Nga tự hào.
Lớp lãnh đạo trẻ kế cận, nếu có điều làm bà chưa thực sự “yên tâm”, đó là sự quan tâm sâu sát của họ đối với những người xung quanh, công nhân hoặc những mảnh đời bất hạnh khác. Có thể, họ quá nhiều hoài bão, quá nhiều việc phải làm, nên những việc được cho là “nhỏ” vẫn chưa được quan tâm đúng mực.
Bình thản “nhường ghế”
Từ 1/5/2014, bà Phạm Thị Việt Nga bất ngờ rời ghế Chủ tịch HĐQT Dược Hậu Giang – vị trí bà đã đảm nhiệm cả chục năm nay. Một lần nữa, bà Nga lại quay lại vị trí Tổng giám đốc sau 2 năm gián đoạn. Thông tin này thu hút sự chú ý của giới tài chính, khi ghế nóng tại Dược Hậu Giang được “nhượng” lại cho ông Hoàng Nguyên Học, Phó Tổng giám đốc SCIC – cổ đông lớn nhất, nắm giữ trên 40% vốn điều lệ của Dược Hậu Giang.
Nói về quyết định này, bà Nga cho rằng, bà là “người nhà nước” – nên công tác phải chịu sự phân công. Với tỷ lệ sở hữu trên 40%, SCIC đủ sức phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào. Hơn nữa, trăn trở của bà Nga gắn với Dược Hậu Giang là hướng đi của đứa con tinh thần này, chứ không phải là vị trí mà bà đảm nhiệm. Rất may, bà Nga cho biết, SCIC vẫn giữ nguyên hướng đi đã thống nhất từ trước đến nay của Dược Hậu Giang và không có mâu thuẫn nào đáng kể giữa Tổng giám đốc và tân Chủ tịch HĐQT.
Người phụ nữ “quyền lực” ấy vẫn hàng ngày miệt mài làm việc và cống hiến, vun đắp cho những giá trị mà bà vẫn tin tưởng. Không nhiều người biết, hàng ngày bà Tổng giám đốc vẫn để ý quan tâm đến những hoàn cảnh khó khăn và sẵn sàng trực tiếp giúp đỡ mà không cần qua bất kỳ tổ chức trung gian nào. Giá trị của mỗi doanh nhân, đối với bà Nga đơn giản là có thể làm được nhiều việc, giúp càng nhiều người càng tốt.
Minh Thư