Chủ tịch Dược Hậu Giang: Đã nghĩ phải làm, đã làm phải thắng

01/04/2013 13:39 PM | Nhân vật

Trong bức tranh kinh tế chung ảm đạm, ngành dược lại chứng kiến cú “lội ngược dòng” ngoạn mục của công ty cổ phần dược Hậu Giang (DHG)

Từ một xí nghiệp bên bờ phá sản thành công ty dược lớn nhất sàn chứng khoán Việt, hiện sản xuất và kinh doanh hơn 300 loại dược phẩm. 

Lãnh đạo DHG, bà Việt Nga đã được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới, vào top 50 người tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh do độc giả VnExpress bình chọn năm 2012, và mới đây nhất được xếp vị trí 31/50 nữ doanh nhân có thành tích tốt nhất châu Á năm 2013 của Forbes.

Theo chị, làm thế nào để xoá bỏ tâm lý “sính ngoại” trong cả giới thầy thuốc và bệnh nhân? Để chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong nước, chiến lược marketing của chị có gì đặc biệt?

Bỏ tâm lý “sính ngoại” không đơn giản, vì khi có bệnh cần dùng thuốc thì cả thầy thuốc lẫn người tiêu dùng đều cần ba yếu tố: sản phẩm sẵn sàng bên cạnh người dân để tiện dụng dễ mua, giá cả phù hợp, và quan trọng nhất là phải chứng minh được chất lượng sản phẩm. Thuốc có tốt mà không ai biết thì có cũng như không. Phải đầu tư bài bản và chuyên nghiệp hơn cho hoạt động marketing.

Y đức xuống cấp trầm trọng kéo theo bao hệ luỵ, khiến bệnh nhân phải mua những loại thuốc quá đắt tiền, không cần thiết, không đúng theo bệnh… Chị nghĩ gì về các chiêu tiếp thị bất chấp sức khoẻ người tiêu dùng hiện nay của một số hãng dược trong và ngoài nước?

Đó chỉ là một vài con sâu làm rầu nồi canh. Cũng như hiện tượng nhiều người nhìn thấy là xe cứu thương hụ còi inh ỏi nhưng trên xe chẳng thấy bệnh nhân mà chỉ có vài nhân viên y tế, thực ra họ đang khẩn trương đi cứu người. Đa số các bác sĩ khi kê toa cho bệnh nhân đều rất quan tâm đến chất lượng thuốc. Đừng nhìn việc mời bác sĩ một chuyến đi chơi, một bữa ăn dưới cái nhìn khắt khe, mà hãy xem đó là cách tạo cơ hội cho đôi bên hiểu nhau, ngành dược thông qua bác sĩ mới hiểu được nhu cầu người bệnh để đáp ứng tốt. Đa số các hãng dược lớn đều rất coi trọng đạo đức của ngành trong tiếp thị.

Theo chị, các nhà sản xuất thuốc nội cần liên kết với nhau như thế nào để tạo nên một sức sống mới cho ngành dược? Hiện các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang nhắm đến các thương hiệu mạnh của Việt Nam, làm thế nào để tận dụng nguồn vốn của nhà đầu tư, mà vẫn giữ được thương hiệu ngay trên sân nhà?

Thất bại lớn nhất của ngành dược Việt Nam là các công ty trong nước không liên kết được với nhau. Tôi đã từng làm ở đồng bằng sông Cửu Long rồi, thậm chí đã hứa với nhau rồi nhưng cũng không làm. Quá nhiều công ty sản xuất thuốc giống nhau. Chúng ta thiếu những sản phẩm mang hàm lượng kỹ thuật cao, đa phần tập trung vào dòng sản phẩm thông dụng, nội Paracetamol hiện có tới 40 nơi cùng sản xuất. Giống nhau hết làm sao liên kết được? Ấy là chưa kể đến sự yếu kém về vốn, về khả năng quản lý. Trong các hội nghị, chúng ta chỉ ngồi chơi, nhậu với nhau, còn chẳng ai chịu liên kết cả. Tổng danh mục hoạt chất mà các doanh nghiệp trong nước sử dụng chưa đến 1.000, so với vài chục ngàn của thế giới, có thể thấy ngành dược trong nước kém xa thế nào.

Nhìn lại các liên doanh với nước ngoài cũng chưa thấy ai thành công. DHG cũng có ý liên kết, nhưng nước ngoài thường muốn họ độc quyền sản xuất, chỉ giao cho mình phân phối. Vô hình trung mình chỉ là “cánh tay nối dài” của họ.

Trong cuộc đời làm giám đốc của mình, chị đã một lần viết đơn từ chức, vì sao vậy?

Năm 1988, được phân công làm giám đốc xí nghiệp dược Hậu Giang (tiền thân của DHG hôm nay), tôi vô cùng bối rối. Với kỹ thuật rất thô sơ, chủ yếu là sản xuất thủ công, khi kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, sản phẩm bán không được. Nhiều lần mở hội chợ, nhưng người dân chỉ lấy thuốc của thành phố, còn thuốc của mình bị vứt bỏ đầy đường. Bế tắc, tôi đã thử tìm một số giải pháp cứu nguy cho anh em, lập những đội xung kích lên Mộc Hoá trồng tràm, kết quả vẫn lỗ. 

Lên rừng Phước Long, Sông Bé trồng tiêu, trồng điều, rồi vốn liếng cũng “tiêu điều” theo. Lại xuống Bạc Liêu nuôi tôm, tôm chết. Trước áp lực người lao động không có lương, tôi đành quay trở về tinh giảm biên chế, một số người không đồng tình, đập cửa phòng tôi mỗi ngày và kiện lên tới tận Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Buồn nản, nghĩ mình còn ngồi ở vị trí lãnh đạo còn làm khổ công nhân, thấy mình không đủ sức vực dậy một xí nghiệp đang trong tình trạng phá sản, tôi làm đơn xin từ chức. Nhưng các anh trên tỉnh nói chưa chọn được ai thay, và động viên tôi vượt qua khó khăn, không được đầu hàng.

Những ngày gian khó ấy, lại chính những người lao động đã cứu tôi. Suốt bao đêm nằm khóc ròng trên võng, anh em đã đến động viên, sẵn sàng làm không lương để cùng tôi đưa xí nghiệp qua cơn sóng dữ. Tôi đã khởi nghiệp lại bằng nhập vàng, xuất khẩu gạo lấy đôla (Mỹ) để nhập nguyên liệu kháng sinh, máy móc mới về làm thuốc. DHG là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam sản xuất kháng sinh viên con nhộng, đơn vị đầu tiên xây dựng hệ thống bán hàng trên cả nước, vực công ty trở lại.

Ở thời điểm này, khi DHG đang phát triển mạnh mẽ, liệu chị có dám từ bỏ chức quyền khi có người giỏi hơn thay thế?

Tôi đã chuyển giao quyền điều hành công ty cho ban lãnh đạo mới, mà tôi tin chắc họ có đủ năng lực và có tâm điều hành công ty. Tôi đã chuẩn bị lực lượng kế thừa khá kỹ và chuyển giao từ từ khi mình còn đương chức.

Khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã rơi vào khủng hoảng khi thực hiện việc chuyển giao thế hệ, liệu DHG có thoát khỏi “vết xe đổ” ấy không?

Bây giờ, ở vị trí chủ tịch hội đồng quản trị, dù không quyết việc gì, chỉ lo về chiến lược, nhưng tôi thường xuyên viết thư cho ban lãnh đạo công ty, gợi ý, chia sẻ công việc với họ. Tôi nghĩ viết thư là cách hay nhất để anh em cảm thấy nhẹ nhàng, vì nếu không đồng ý, anh em sẽ giải thích tại sao, và không cảm thấy bị áp lực từ tôi.

Trải qua tuổi trẻ trong chiến tranh, nhiều lần thử lửa, thất bại trong kinh doanh đã rèn giũa cho chị một nghị lực sống và bản lĩnh kinh doanh như thế nào?

Có lẽ do tôi từ trong rừng ra, từ nhỏ sống với những người nông dân, nên tôi tự thấy mình giống tính cách người nông dân: chân tình, tận tuỵ, trung thực, nghĩ sao nói vậy, từ cách ăn mặc đến sinh hoạt… Tôi không thích mua sắm, cũng chẳng thích chưng diện, ăn mặc bình dân, thích ăn dưa mắm, ba khía, giống như dân miền Tây vậy. Mỗi lần nói trước đám đông, có người khen tôi phát biểu hay, tôi nghĩ tôi chỉ nói thật, nói những gì trong lòng mình đang nghĩ… Tôi có một đức tính kiên định: làm gì cũng phải làm đến cùng, không bỏ cuộc, đã nghĩ là phải làm, đã làm phải thắng.

Tôi luôn nghĩ trên đời không có việc gì khó, quan trọng là phải làm và tìm ra cách làm. Muốn làm không thể liều, phải có kiến thức để làm trúng. Nên tôi học rất nhiều, học trường, học bạn, học sách vở, và tìm đến những con người thực tế.

Năm 1992, tôi mang thai đứa con thứ hai đúng vào thời điểm mở rộng thị trường ra Bắc, bắt đầu tham gia quảng bá sản phẩm tại hội chợ. Trong lúc xí nghiệp bạn bán không kịp hàng thì sản phẩm DHG không ai thèm ngó tới, nhiều người “độc miệng” còn phán “tỉnh lẻ mà cũng bày đặt ra trung ương”! Tôi và nhân viên ôm nhau khóc giữa trời mưa. 

Vừa đầy tháng con trai lại tiếp tục ra Hà Nội tìm thị trường, cùng nhân viên đến từng nhà thuốc giới thiệu sản phẩm và bỏ hàng không lấy tiền cho đến khi nào nhà thuốc bán được hàng. Trời mùa đông Hà Nội rét cắt da cắt thịt nhưng giữa đêm, khách gọi giao dù chỉ một hộp thuốc thôi cũng vui mừng đi ngay. Có lúc còn phải đứng bán hàng phụ nhà thuốc, chờ cho họ rảnh mới tranh thủ tiếp thị sản phẩm của mình. Tối nào tôi cũng động viên anh em đừng nản chí. 

Mới đây ròng rã suốt hai tháng trời suốt ngày đêm, tôi cùng anh em đến từng nhà, từng tỉnh để trao quà tết cho bà con đồng thời làm luôn công tác tiếp thị. Chính nhờ đi cơ sở mà mình biết người dân nông thôn rất thiếu thuốc do đường sá đi lại khó khăn. Tôi quyết định đưa túi thuốc gia đình xuống từng hộ dân gồm thuốc cảm, tiêu chảy, hạ sốt, băng dán cá nhân, dầu, thuốc xức ghẻ... Chấp nhận chịu lỗ để bà con có thuốc và biết đến thương hiệu, chính tấm lòng và sự chịu thương chịu khó của mình đã đưa sản phẩm đến gần với người dân.

Tôi luôn nghĩ trên đời không có việc gì khó, quan trọng là phải làm và tìm ra cách làm. Muốn làm không thể liều, phải có kiến thức để làm trúng. Nên tôi học rất nhiều, học trường, học bạn, học sách vở, và tìm đến những con người thực tế.

Là phụ nữ làm kinh doanh đã khó, phụ nữ anh hùng còn khó gấp trăm lần, vì vừa phải lo cho doanh nghiệp, vừa phải cáng đáng cộng đồng. Làm thế nào một người vô cùng bận rộn như chị có thể giữ “trong ấm ngoài êm”?

Thực ra tôi chỉ có hai bổn phận lớn nhất: làm mẹ làm vợ, và làm lãnh đạo doanh nghiệp, còn mấy cái kia người ta phong cho thôi. Tôi may mắn có một đại gia đình ở phía sau hậu thuẫn. Chồng tôi cũng là dân kháng chiến, hiểu rõ những vất vả của vợ và chia sẻ thật lòng, đỡ đần tôi rất nhiều trong việc gia đình. Em dâu chăm sóc con tôi còn hơn cả con đẻ, còn chị chồng làm bác sĩ giúp tôi chăm sóc sức khoẻ cả nhà… Dù rất bận rộn nhưng tôi có một nguyên tắc là không bao giờ tiếp khách sau giờ làm việc, trừ các chuyến đi công tác xa, chiều nào cũng về nhà ăn cơm với ba mẹ, với chồng con. Tôi mừng vì được con coi như bạn. Mẹ con thường tâm sự với nhau bằng thư.

Người phụ nữ có hai điều kiện để phấn đấu, đó là tấm lòng và tri thức. Trải lòng ra để sống, biết sống vì mọi người thì bản thân sẽ có sức mạnh vượt qua mọi khó khăn. Tri thức giúp mình hội nhập dễ dàng, và trở thành người có ích cho xã hội.

Chị nghĩ gì về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp?

Chắc phải nhờ phương tiện báo chí để truyền thông những câu chuyện thật. Mình giáo dục đội ngũ của mình đã đành, nhưng cũng phải có sự góp sức của xã hội nữa chứ. Trong cộng đồng doanh nhân hiện nay, người ta so kè nhau xe đẹp, xe sang, nhà cao cửa rộng… hơn là lo cho sự phát triển của đời sống xã hội. Tôi không phê phán người ta làm giàu hay hưởng thụ, nhưng điều quan trọng là phải biết nghĩ đến cộng đồng. Đánh golf, đi xe Lexus cũng tốt, nhưng nếu làm được mười đồng mà biết dành cho người nghèo hai đồng thì tốt hơn nhiều.

Trong hàng đại gia không có tôi, nhà tôi “bèo” nhất trong hàng ngũ lãnh đạo công ty. Anh em nói tôi sao không xây nhà mới, tôi nghĩ mình đi nhiều, đâu cần nhà to. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc để tiền của cho con cái, vì nếu có tiền mà không biết làm ăn dễ mắc sai lầm lắm. Tôi quan niệm phải tập cho con biết tự học, biết tự làm ra đồng tiền. Đời sống cá nhân của tôi cũng không cần nhiều tiền, bởi chồng tôi là bác sĩ về hưu, đã có lương hưu, con tôi có thể tự lo cho bản thân… Tôi chưa bao giờ suy nghĩ đến việc mình có nhiều hay ít tiền, bởi với tiền, tôi thường nhìn xuống. So với bạn bè thời kháng chiến, tôi đang có nhiều hơn họ, so với người nông dân miền Tây lam lũ, tôi quá sung sướng.

Theo Bích Kim
Chân dung hội họa: Hoàng Tường

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM