Doanh nhân Nguyễn Văn Mỹ: “Muốn làm tướng tài hãy bắt đầu bằng lính giỏi”
Đời sống càng cao thì nhu cầu về du lịch càng phát triển, đứng trước nhiều thách thức của các công ty du lịch lớn trong cả nước, Lửa Việt vẫn vươn lên như một trong những công ty du lịch hàng đầu.
Có được thành công đó là nhờ một phần không nhỏ vào sự lãnh đạo quyết đoán, toàn diện của người dẫn đầu công ty Lửa Việt.
Trực tiếp trò chuyện với ông mới thấy hết được tâm huyết của một người lãnh đạo tự xem mình là “lính”. Để hiểu thêm về người lãnh đạo thích “văn hóa đọc” này, mời bạn đọc cùng chúng tôi trò chuyện với ông Nguyễn Văn Mỹ - người sáng lập công ty dã ngoại Lửa Việt.
Đâu là những mốc son trong cuộc đời lập nghiệp của ông?
Tôi không dám gọi là mốc son nhưng công việc chuẩn bị cho bước ngoặt nghề nghiệp là khi tôi được giao làm trưởng ban quản trại của trại hè Thanh Đa từ 1988 - 1993 do Liên Đoàn Lao Động và Thành Đoàn tổ chức dành cho con cán bộ viên chức thành phố.
Trại hè có từ 1978 nhưng nội dung hoạt động chưa rõ. Khi nhận nhiệm vụ, tôi đã lựa chọn ê kíp, thực hiện chủ đề theo từng năm với nhiều hoạt động phù hợp và không ngừng cải tiến. Dù số lượng tham dự mỗi năm trên 3.000 em nhưng so với số lượng thiếu nhi thành phố thì như “muối bỏ biển”.
Chính việc phát hiện ra nhu cầu to lớn này tôi đã hình thành ý tưởng thành lập “Trung Tâm Dã Ngoại Lửa Việt” (TTDNLV) vào năm 1995 thuộc Thành Đoàn và công ty TNHH Dã Ngoại Lửa Việt vào năm 1999.
Cơ duyên nào đã đưa ông đến với kinh doanh du lịch?
Vốn sinh ra và lớn lên giữa đồng ruộng, mấy tuổi đầu, tôi đã theo cha ra đồng phụ việc: từ nhổ cỏ, chăn bò, kiếm củi... Dần dần làm mọi công việc của nhà nông, dù mới hơn 10 tuổi. Tôi lãnh tháng lương đầu tiên (hồi đó gọi là phụ cấp) từ “nghề” cán bộ Đoàn vào tháng 5/1975 (trước đó cả năm là cơ sở hoạt động bí mật của Thành Đoàn).
Khi ra đời, TTDNLV chỉ hoạt động dạng thể nghiệm, phục vụ thiếu nhi, lấy thu bù chi. Thấy con đi chơi rôm rả, an toàn, hấp dẫn, phụ huynh và giáo viên đề nghị được tham gia, vẫn lấy thu bù chi vì trung tâm chỉ có danh xưng, còn nhân sự thì kiêm nhiệm.
Từ năm 1997, có một chuyên trách nhưng phục vụ được hơn 30.000 lượt thiếu nhi và người lớn. Năm 1999, chuyển đổi thành công ty để chính danh. Nhiều năm sau vẫn hoạt động kiểu phong trào, lấy tiền lời làm từ thiện.
Lửa Việt đã trải qua những khó khăn, thử thách đáng nhớ nào thưa ông?
Khó nhất là khi tôi buộc phải lựa chọn với tối hậu thư “Lửa Việt phải sáp nhập với du lịch Thanh Niên” hoặc “Ra khỏi Thành Đoàn”.
Sát nhập thật sự không ổn, vì quan điểm và cách làm khác biệt. Không sát nhập, ra riêng thì nhà nước đang ngưng cấp giấy phép thành lập công ty du lịch. Hội ý với cộng sự, tôi quyết định rời Thành Đoàn sau 25 năm gắn bó.
Nhờ những hoạt động xã hội trước đó, nhờ nhiều khách hàng là cán bộ hưu trí và lão thành cách mạng, Thành Đoàn có công văn với Ủy Ban Nhân Dân thành phố nên công ty Lửa Việt được đặc cách ra đời. Ghi nhớ những tháng năm gắn bó, trưởng thành và nguồn cội của mình, Lửa Việt chọn ngày thành lập là 26/3/1999.
Bên cạnh Lửa Việt, ta còn nghe rất nhiều cái tên lớn khác trong ngành du lịch như Saigontourist, Cholontourist… vậy công ty đã và sẽ làm gì để Lửa Việt luôn là sự lựa chọn hàng đầu ?
Bên cạnh các thương hiệu lớn như Saigontourist, Viettravel, Vietnam tourism, Hanoi tourism, Benthanh tourist và hàng ngàn công ty có thương hiệu khác, Lửa Việt vẫn là sự lựa chọn của nhiều du khách, không dám nói hàng đầu.
Với 62 nhân viên, chỉ mới có chi nhánh ở Bình Dương và Hà Nội, Lửa Việt quá nhỏ bé so với nhiều đại gia khác nhưng hiệu quả kinh doanh và thương hiệu Lửa Việt thì không nhỏ. Lửa Việt luôn luôn là “sự khác biệt”, mà cụ thể là con người, cung cách và thái độ phục vụ, các tour tuyến mới, các chương trình xã hội, chiến lượng PR “talk to talk” không giống ai, chăm lo cho nhân viên…
Ở Lửa Việt, từ người lãnh đạo cao nhất cho đến nhân viên đều làm hướng dẫn viên, marketing và sale, một số người có thể đi dạy nghiệp vụ, viết báo…
Người Việt đi du lịch thế giới không ít, vậy còn việc đưa du khách quốc tế đến Việt Nam thì sao thưa ông ? Lửa Việt có ý định đưa phạm vi hoạt động của mình ra thế giới để quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam không thưa ông?
Hiện nay Lửa Việt có tour định kỳ đi các nước Asean, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…Các tour đi Mỹ, châu Âu, Trung Đông…mới tổ chức theo đoàn chứ chưa định kỳ được. Mảng inbound (nội địa) còn yếu. Mong muốn của Lửa Việt là trong 5 năm tới, outbound (nước ngoài) và inbound sẽ cùng với nội địa tạo nên thế chân vạc vững chắc, đồng bộ.
Lửa Việt luôn xác định làm du lịch cũng là làm ngoại giao nhân dân, làm sứ giả văn hóa nên càng chú trọng yếu tố con người, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên.
Theo ông đâu là lợi thế của du lịch Việt? Tiêu chí hoạt động và phục vụ khách hàng xuyên suốt mà Lửa Việt theo đuổi là gì thưa ông?
Theo tôi, thế mạnh nhất của du lịch Việt Nam là ẩm thực và sự đa dạng tài nguyên. Yếu nhất là con người, nhất là ở các cấp lãnh đạo. Tuy nhiên sự đánh giá này chưa thống nhất, kể cả trong ngành du lịch. Vẫn tồn tại những tư duy lạc hậu, lối mòn, đầy cảm tính, nói leo, lấy lòng lãnh đạo.
Tiêu chí hoạt động của nhân viên Lửa Việt là 4 chữ T : “Tiên Phong - Tự Chủ - Trung Thực – Quyết Thắng”.
Tiêu chí phục vụ khách hàng là “Có mặt những nơi khách hàng cần và đem đến cho họ những dịch vụ tốt nhất”. Với Lửa Việt “khách hàng là người thân”.
Những năm gần đây, Việt Nam luôn ưu tiên phát triển du lịch bằng rất nhiều các hoạt động khác nhau như vận động bình chọn cho vịnh Hạ Long, bầu đại sứ du lịch Việt Nam… Theo ông làm thế nào để quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới một cách tốt nhất ?
Du lịch Việt Nam đang thiếu những chỉ huy có Tâm, có Tầm và Quyết Đoán, dám làm và dám chịu trách nhiệm. PR cho du lịch kém hiệu quả bởi quá chú trọng hình thức, ưa khoa trương mà thiếu thực chất. Muốn mời bạn bè đến chơi, trước hết phải dọn dẹp nhà cửa, răn dạy con cháu lễ độ, lịch sự…Cách PR tốt nhất cho du lịch Việt Nam là cố gắng “trở thành bếp ăn thế giới” (ý của Philip Kotler), chấn chỉnh và cải thiện chất lượng dịch vụ mà trước hết phải bắt đầu từ con người.
Nếu được đề cử đại sứ du lịch Việt Nam, tôi sẽ mời giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê, pho tự điển bách khoa và là tượng đài sống về ẩm thực - văn hóa - lịch sử Việt Nam.
Tài sản lớn nhất của công ty là gì, thưa ông?
Giá trị lớn nhất của công ty là “Sự hài lòng của khách hàng”. Tài sản lớn nhất là “Những Con Người đã làm nên thương hiệu Lửa Việt”. Hướng phát triển của chúng tôi là trở thành Top 10 toàn diện (hiện nay chỉ mới nội địa) với phong cách đặc thù Lửa Việt .
Điều đặc biệt tạo nên phong cách khác lạ, quyết định giá trị thương hiệu Lửa Việt là CON NGƯỜI, từ chủ tịch Hội đồng, CEO đến từng nhân viên. Nhìn “tướng” là biết “lính” và ngược lại.
Ông đánh giá thế nào về lĩnh vực kinh doanh du lịch, vị trí của Việt Nam so với khu vực và thế giới hiện nay?
Du lịch là ngành kinh doanh tổng hợp và đa lợi nhuận, cả trực tiếp và gián tiếp, cả hữu hình và vô hình, góp phần thúc đẩy các ngành khác phát triển.
Việt Nam đang “đứng đầu top cuối Asean” về du lịch. Tổng lượng du khách của 11 nước Asean chỉ bằng nước Pháp, dù diện tích gấp 7 và dân số gấp 9,7 lần. Việt Nam tăng trưởng thì các nước cũng vậy, chẳng những không đợi mình mà còn nhanh hơn. Còn quá nhiều việc phải làm hết sức mình để bứt phá và gia nhập top đầu Asean.
Bên cạnh kinh doanh ông còn có niềm đam mê nào khác không?
Nghề của tôi là quản lý lữ hành, hướng dẫn viên, dạy học, viết báo nên phải tự học cả đời. Học từ sách vở đến mọi người mình gặp trong cuộc sống. Cách tự học dễ nhất là đọc sách, báo, internet. Cứ rảnh là đọc để “nạp nhiên liệu” cho công việc.
Đam mê của tôi là công việc vì tôi làm du lịch như một thứ “tôn giáo nghề nghiệp” bởi “nghề đã chọn mình nên mình phải hết lòng”.
Gia đình đóng vai trò thế nào trong thành công của ông?
Như nhiều người khác, tôi có gia đình nhỏ và vợ, con. Vợ tôi hiện làm cùng nghề. Với tôi “gia đình là tài sản quý nhất” và “con cái không phải là đồ trang sức”. Sau những chuyến tour cực nhọc, những giờ lao động vất vả là tôi muốn lao ngay về nhà, chốn yên bình để vơi bớt lo toan. Tôi thích ăn cơm nhà và nô đùa với con cháu.
Ông có bài học hoặc lời khuyên mà nào muốn dành cho thế hệ sau không?
Với bản thân, tôi có ít nhiều kinh nghiệm từ trường đời nhưng không dám dạy hoặc khuyên bảo ai. Có thể chia sẻ với những ai quan tâm rằng: “Hoa sen đẹp nhờ được bùn nuôi dưỡng và chắt lọc thành hương thơm cao quý. Làm gì cũng phải hết lòng.
Điều mình không muốn thì đừng làm với người khác. Muốn nhận phải biết cho và không có gì là không thể. Con người hơn nhau nhờ ý chí. Muốn làm tướng tài hãy bắt đầu bằng lính giỏi”.
Xin cảm ơn ông, chúc ông sức khỏe và thành công.